Tình yêu sét đánh
Xinh đẹp, học thức, nhưng không hiểu sao, chị Trần Thị Bẩy (SN 1958, ở Bảo Thắng, Lào Cai) ngày ấy dù đã gần kề tuổi 30 nhưng chưa một lần rung động trước hàng tá người đàn ông theo đuổi.
Chả phải kiêu kỳ hay kén chọn nhưng trái tim chị không thể chung nhịp với bất kỳ ai. Cho đến một ngày, trái tim chị loạn nhịp khi bắt gặp một ánh mắt nhìn mình đầy say đắm.
Người đàn ông với vẻ phong trần ngồi trong quán nước không rời mắt khỏi chị khiến chị Bảy bối rối.
Phạm nhân Trần Thị Bẩy
Lúc từ chợ đi về một mình, người đàn ông đó bén gót theo chị về đến tận nhà đòi làm quen.
Chỉ một quãng đường từ chợ về nhà, chị Bẩy đã bị anh ta hớp hồn dù chị chưa hề biết gì về người đàn ông lạ mặt đó.
Sau lần đầu gặp mặt, ngày nào anh Lê Hữu Bỉnh (SN 1968, ở Việt Trì, Phú Thọ) cũng đến chơi nhà chị Bẩy.
Anh tự giới thiệu mình là bộ đội đang đóng quân gần nhà chị.
Tình yêu sét đánh đến với chị Bẩy nhanh đến độ chỉ sau một tuần quen biết, khi anh Bỉnh ngỏ lời cầu hôn, chị đã vội gật đầu đồng ý, bất kể gia đình chị phản đối quyết liệt vì họ còn chưa biết gì về chàng rể tương lai.
Sau ngày anh Bỉnh đưa mẹ lên nhà chị Bẩy thưa chuyện, đôi vợ chồng trẻ nên duyên, họ về sống với nhau vào năm 1984.
Sau khi chị Bẩy mang thai được 3 tháng thì bỗng chồng chị bỏ đi mất dạng, không một lời từ biệt. Ngậm đắng nuốt cay, chị đành gạt nước mắt sinh con và nuôi con một mình.
Cho đến một ngày chị phát hiện chồng mình là kẻ trốn truy nã về tội “Mua bán hàng cấm” chứ nào phải bộ đội.
Nhưng lúc đó, sự việc đã quá muộn màng, chị Bẩy chỉ còn biết trách mình đã có quyết định sai lầm khi vội tin vào tình yêu mù quáng để lỡ dở cuộc đời.
Phần đời đắng cay
Đến năm con trai 4 tuổi thì người chồng bỏ đi biền biệt bỗng quay về xin chị Bẩy tha thứ.
Nhìn đứa con nhỏ luôn khao khát hơi ấm người cha bấy lâu, lại bị những lời đường mật, ngon ngọt của chồng làm bùi tai, chị Bẩy đã mềm lòng mà thứ tha tất cả.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian mật ngọt ngắn ngủi trôi qua, mẹ con chị Bẩy bắt đầu phải nếm trải đòn roi của người chồng vũ phu.
Có hôm đang bán hàng ngoài chợ, chị hớt hải chạy về khi hay tin chồng chị đang hành hạ đứa con trai nhỏ thừa sống thiếu chết.
Những trận đòi roi dành cho hai mẹ con chỉ thưa dần khi chị Bẩy phát hiện chồng mình đi lại với người đàn bà khác, và chị ta đã có một con trai với Bỉnh.
Lặn lội đường xa, chị dắt theo con nhỏ đến tận nhà người đàn bà kia để hỏi cho ra nhẽ, thì mới “ngã ngửa” ra rằng người phụ nữ kia cũng chỉ là một nạn nhân tình ái của Bỉnh, chị ta cũng không hề hay biết Bỉnh đã có vợ con. Còn Bỉnh, anh ta không thừa nhận đứa trẻ là con mình.
Còn chưa biết phải làm gì với gã chồng bội bạc, chị Bẩy lại biết tin mình có bầu đứa con thứ hai.
Lần này, khi đang mang thai con đến tháng thứ ba thì chồng lại bỏ nhà đi biền biệt, không để lại một lời nhắn.
Vậy là một lần nữa chị vừa bụng mang dạ chửa, vừa chạy chợ kiếm tiền nuôi con và sinh con một mình.
Ba mẹ con dắt díu nuôi nhau cho đến năm 1993, chồng Bẩy lại quay về với hai bàn tay trắng. Cũng như lần trước, anh ta lại ngọt nhạt xin vợ tha thứ, hứa hẹn đủ điều.
Nhìn hai đứa con thơ thèm khát có được người cha, nhớ như in lời đứa con lớn từng tâm sự: “Mẹ ơi con ước gì mình có một người cha”, một lần nữa chị Bẩy lại mềm lòng đón nhận người chồng bội bạc.
Ngày ấy, chị Bẩy sống bằng nghề đi buôn dê. Chị hay lặn lội đến những bản dân tộc ít người, mua dê về mang bán cho các nhà hàng ở dưới xuôi để kiếm sống.
Công việc vất vả, phải vượt đường xá xa xôi, nhưng nó giúp chị kiếm được tiền để chi tiêu.
Khi trở về, Bỉnh ngỏ lời muốn được làm trụ cột gia đình, nhận việc đi buôn dê để người vợ vừa mang bầu đứa con thứ ba được thảnh thơi ở nhà nghỉ ngơi, chăm sóc các con.
Nghĩ chồng mình đã hồi tâm chuyển tính, chị Bẩy mừng lắm, com cóp bao nhiêu vốn liếng đưa hết cho chồng làm vốn đi buôn dê.
Thế nhưng sau khi cầm hết số tiền chắt chiu, dành dụm của vợ, Bỉnh lại một lần nữa bặt vô âm tín.
Đau khổ cùng cực vì chồng bỏ đi, chị Bẩy cũng trắng tay, không còn tiền nuôi con, lại đang bụng mang dạ chửa, chị đắng cay đi vay mượn được ít tiền để chạy chợ nuôi các con sống qua ngày.
Một thời gian sau đó, chị nghe người ta mách rằng chồng mình đang chung sống với một người phụ nữ dân tộc.
Số vốn liếng mà chị đưa đã bị anh ta mang “dâng tặng” cho người phụ nữ kia để xây lên một cơ ngơi khang trang, làm tổ ấm cho họ.
Cay đắng ngậm ngùi, chị Bẩy lại thêm một lần tìm đến tổ ấm của chồng để hỏi cho ra chuyện.
Nhưng lần này chị đã phải nhận bao ê chề, cay đắng khi chồng chị đánh chửi và đuổi chị ra khỏi nhà ngay trước mặt người phụ nữ kia.
“Ngày đó chắc anh ta bị bỏ bùa mê thuốc lú nên mới theo cô ta, một người phụ nữ dân tộc đã có chồng.
Chồng cô ta say khướt suốt ngày, sống vạ vật ở gian ngoài, còn chồng tôi và người phụ nữ kia ngang nhiên chung sống với nhau ở buồng trong”, chị Bẩy đau đớn kể lại.
Cũng may, ba con trai chị Bẩy lớn lên đứa nào cũng ngoan ngoãn, biết thương mẹ một mình vất vả nuôi chúng khôn lớn.
Chịu khó làm ăn, lại biết chắt chiu nên sau một thời gian quên bẵng đi người chồng bội bạc, cuộc sống của mấy mẹ con chị Bẩy đã khá dần lên. Ngày đó, chị kiếm được công việc môi giới cho người dân thôn quê đi xuất khẩu lao động nên thu nhập cũng khá.
Nhìn căn nhà ọp ẹp của mấy mẹ con, chị Bẩy quyết tâm góp nhặt hết số tiền mà chị tiết kiệm được trong nhiều năm, dùng sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay mượn thêm chút đỉnh lấy tiền xây lại ngôi nhà khang trang.
Khi cuộc sống của mấy mẹ con đang dần ổn định thì một lần nữa Bỉnh lại quay về quấy đảo. Vậy là từ chỗ êm ấm, cuộc sống của mẹ con chị Bẩy lại không lúc nào được yên khi anh Bỉnh luôn kiếm cớ đánh chửi vợ con.
Một lần, đang đi làm ở xa, qua điện thoại, chị Bẩy nghe con nức nở kể rằng bố về nhà đập phá, đánh đập các con, lấy đi hết giấy tờ nhà đất, cả chiếc ti vi để các con xem cũng bị chồng mang đi bán... Uất ức, Bẩy chỉ biết bỏ mặc công việc, ào về với các con.
Biết vợ gom góp được tiền chuẩn bị xây nhà, anh Bỉnh kiếm cớ đòi ly hôn để được phân chia tài sản, mặc dù hai người đến với nhau không hề có giấy đăng ký kết hôn.
Ngày 23/1/ 2006, Bỉnh có đơn ly hôn gửi TAND huyện Bảo Thắng, trong đơn, anh ta đòi được phân chia tài sản.
Ngày 28/6/2006, TAND huyện Bảo Thắng mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng dân sự giữa anh Bỉnh và chị Bẩy, bên liên quan là Ngân hàng NN& PTNT huyện Bảo Thắng.
Kết quả, Tòa buộc chị Bẩy phải thanh toán cho Ngân hàng số tiền cả gốc và lãi là hơn một trăm100 triệu đồng.
Trong cơn quẫn bách, uất ức, lại không có tiền trả cho ngân hàng, sợ rằng mấy mẹ con sẽ phải ra đường sống khi mà chị đã đập nhà cũ, chỉ dựng tạm cái lều, nhà mới còn chưa kịp xây cho các con, lại bị chồng đòi chia tài sản, chị Bẩy đã nghĩ đến việc phải giết chồng, những mong có thể bảo vệ được tài sản cho bản thân và cho các con.
Đầu tháng 7/2006, chị Bẩy hòa thuốc ngủ và thuốc chống say rồi nhờ Lê Viết Ba, 24 tuổi, quê ở Yên Bái, thợ xây làm nhà cho mình, đổ vào nước ăn của chồng, nhưng thanh niên này không đồng ý.
Hơn một tuần sau, chị ta mua hai chai bia gọi Ba và một thợ xây khác đưa cho anh Bỉnh uống.
Trước khi đưa số bia này, Bẩy đã dùng xi lanh bơm thuốc chuột và thuốc chống say vào.
Lúc đang hành động, Bẩy bị họ phát hiện nên không giúp. Không chịu thất bại, Bẩy tiếp tục nhờ một thợ xây khác đầu độc anh Bỉnh. Lần này có cả con trai lớn của Bẩy tham gia.
Anh Bỉnh đã tử vong vì trúng độc của Bẩy, và mẹ con Bẩy cũng không thoát được lưới pháp luật khi sau đó toàn bộ sự thật đã được cơ quan điều tra làm rõ.
Bẩy cay đắng, ân hận vô cùng khi con trai của chị ta phải nhận 4 năm tù giam, còn bản thân chị phải lĩnh mức án tù 20 năm vì tội Giết người.
Sau 6 năm ngồi “bóc lịch”, ngẫm lại cuộc đời đầy nước mắt và đau khổ của mình, Bẩy cho rằng cũng chỉ tại vì mình dại dột đặt nhầm trái tim yêu, lấy nhầm người chồng bạc ác khiến cả đời chị ta phải đong đầy nước mắt.
Giọt ngắn, giọt dài, Bẩy khóc thương cho số phận của mình bao nhiêu thì chị ta lại thương xót cho những đứa con của mình bấy nhiêu.
Đã gần 6 năm trôi qua, giờ thì các con Bẩy đã có gia đình riêng, Bẩy đã lên chức bà nội, Bẩy tâm sự qua hai hàng nước mắt ân hận: “Giờ tôi chỉ mong cải tạo tốt để sớm được về đoàn tụ với các con các cháu, cho có mẹ có con, có bà, có cháu để con cháu tôi bớt buồn tủi”.