Ảnh minh họa.
Tuy nhiên sau khi đến cầu Phương Liệt, đường Trường Chinh, Hà Nội thì xe bị lật khiến cháu gái 4 tuổi tử vong trên đường đi cấp cứu. Chị gái của bé bị rơi xuống sông Lừ.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết 9h tối ngày 12/5, khoa vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra trong một gia đình. Trường hợp của anh N. quê ở Thái Bình tạm trú tại đường Bưởi, Hà Nội vào viện cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn. Hai cha con anh N. cùng được đưa vào cấp cứu tuy nhiên cháu bé đã tử vong trước khi vào viện. Còn anh N. bị chấn thương phần mềm ở chân.
Những người chứng kiến vụ việc cho biết xe ba gác của anh N. bị lật chiếc xe đè vào người con út của anh. Bác sĩ Hải cho biết khi đưa cháu bé vào viện kiểm tra đường thở thấy miệng cháu vẫn còn bã kẹo cao su.
Sự việc khiến các bác sĩ ám ảnh. Bác sĩ Hải cho biết cha mẹ của cháu bé ban đầu còn không biết con đã tử vong. Bố của cháu thì hoảng loạn liên tục hỏi tình hình của các con. Sự việc đau lòng như hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về việc di chuyển khi có trẻ em đi cùng.
Bác sĩ Hải ái ngại “Nhiều lần ra đường tôi thấy các bà mẹ mặc váy ngồi đằng sau xe máy bế con hờ hờ. Chỉ một va chạm nhỏ cũng có thể khiến các bé rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi ô tô nhưng cần bảo vệ con cái trước khi tham gia giao thông”.
Bác sĩ Hải cho biết khi bị xảy ra tai nạn, trẻ rất dễ bị chấn thương có thể chỉ ngã xuống đường trẻ cũng có thể tử vong. Chính vì thế, các bậc cha mẹ không nên đùa với tính mạng trẻ nhỏ. Nhiều tai nạn ở trẻ chỉ do những bất cẩn của cha mẹ dẫn đến hậu quả đau lòng.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt (chiếm 60% trường hợp), thường gặp nhất là té cầu thang, té giường, té võng hay do người lớn bồng ẵm tuột tay. Các lý do tiếp theo là té xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu.
Bác sĩ Trương Mậu Anh khoa Ngoại cho biết, chấn thương sọ não thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái do hiếu động hơn, đa số ở lứa tuổi 1-6.
Trẻ càng nhỏ càng dễ bị chấn thương do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã. Chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần.
Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não. Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên.