Xót thương người mẹ nuốt nước mắt đưa con đi thi

Ngày thu xếp cho con lên đường đi thi cũng là ngày người mẹ phải lén giấu đi tờ giấy triệu tập ly hôn của tòa án. Nước mắt nuốt vào trong, chị mỉm cười để con yên tâm bước vào kỳ thi mà cả hai mẹ con vẫn ấp ủ suốt bao nhiêu năm qua.

Trước ngày thi, bố còn đánh, đuổi hai mẹ con

Cả cuộc đời sống sau lũy tre làng, chỉ quẩn quanh với cây lúa, mảnh ruộng nên lần ra Hà Nội này, chị Đàm Thị Xứng (Đông Anh, Hà Nội) rất run.

Chị không giấu được những lo lắng, hồi hộp, cứ đi lại mãi trước cổng trường ĐH Quốc Gia Hà Nội. Chốc chốc, chị lại hướng vào sân trường chờ đợi con.

“Nhìn người ta sắm ngắm đưa con đi thi, ít nhiều cũng có xe đưa, xe đón, có bố, có mẹ, tôi lại thấy tội cho cháu. Nhưng biết làm sao được…” – chị bùi ngùi tâm sự.

Vì không biết đi xe máy, điều kiện taxi đưa đón thì không có, chị quyết định bắt xe buýt đưa con đi thi.

Đây được coi là “quyết định liều lĩnh”, bởi chẳng mấy khi chị ra Hà Nội, lại chưa bao giờ đi xe buýt cả.

“Gặt hái, phơi phóng cho thóc lúa ráo vỏ là tôi đã đi khắp nơi hỏi thăm người ta về đường đi, lối lại, rồi nhờ quen trên này thuê trọ giúp. Thế mà sáng nay đi lên trường, hai mẹ con vẫn còn lơ ngơ, suýt thì bị lạc”, chị kể.

Rất thật lòng, chị chia sẻ, đã 6 năm nay, chị một mình nuôi hai con ăn học. Trong khi đó, người chồng của chị mải mê cờ bạc, lô đề đã phụ bạc chị, bỏ đi theo người đàn bà khác. Thỉnh thoảng, anh ta lại tìm về kiếm cớ hạch sách, đòi đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà.

Thương con, chị gắng nhẫn nhịn, nhưng mong sau khi các con lớn khôn, trưởng thành thì mới ra tòa để giải phóng cho mình.

“Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Cách đây mấy ngày, không hiểu do cờ bạc nợ nần cùng quẫn tới đâu mà ông ấy nhẫn tâm quay về gây sự, rồi đánh đuổi mẹ con tôi đòi bán đất, bán nhà… Họ hàng, làng xóm phải can ngăn, bênh vực, ông ấy mới chịu đi…” - chị nói.

Lo sợ con gái bị ảnh hưởng tâm lý trước ngày thi, chị phải hết lời an ủi con. Hôm tòa gửi giấy triệu tập ly hôn, chị cũng phải giấu kỹ sợ con nhìn thấy.

Chị bảo: “Nhìn có bé mấy hôm nay lặng thinh không nói gì, lòng tôi cứ như có lửa đốt. Sáng nay trên xe buýt, hai mẹ con ngồi nhìn xuống đường, thấy nào bố nào mẹ chở con đi thi, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng con bé thì dường như hiếu, nó cứ ôm ríu lấy mẹ, kiếm cớ chuyện trò...”

“Con sẽ không để mẹ và em phải khổ”

Cảnh làm mẹ đơn thân chẳng dễ dàng gì, nhất là khi người chồng vũ phu không để cho chị được yên.

Với ba sào ruộng, chị Xứng phải xoay sở đi làm thuê làm mướn để có tiền lo cho các con ăn học.

Bởi như chị nói: “Suốt những năm qua tôi luôn quyết tâm dù có nghèo khổ đến đâu cũng phải nuôi nấng các con học hành nên người. Tôi chỉ mong các cháu sau này đều đỗ đạt, có tấm bằng đại học trong tay tôi mới yên lòng… Thời buổi này, chỉ trông vào làm ruộng, hay đi làm công nhân lương ba cọc ba đồng thì không thể nào thoát nghèo được!”.

Con gái chị thương mẹ nên cũng chăm chỉ học hành và chịu khó làm lụng đỡ đần mẹ rất nhiều.

Chị kể: “Vụ gặt vừa rồi, tôi bảo cháu cứ ở nhà ôn, để mình mẹ lo, nhưng cháu nó không chịu, vẫn lao đi gặt cùng tôi. Ngay cả việc chọn trường cháu cũng có ý riêng của nó. Nó bảo tôi, nhà mình nghèo, nên con thi Sư phạm để đỡ tiền học phí, sau này nếu thi đỗ thì cũng chỉ tốn tiền trọ, tiền ăn hằng tháng thôi”.

Nói đến đây, ánh mắt chị lấp lánh niềm vui. Chị nói: “Có đêm hai mẹ con ôm nhau ngủ, cháu thủ thỉ bảo, mẹ ạ, mẹ cố gắng cho con ăn học, sau này con sẽ không làm mẹ với em phải khổ đâu… Tôi lau nước mắt, vừa mừng vì con biết nghĩ, lại vừa thương con đứt ruột”.

Chị Xứng cho biết, hành trang chị đưa con đi thi không có gì nhiều. Hơn một triệu đồng làm “lộ phí” là tiền chị bán thóc và tiền họ hàng, làng xóm gửi cho cháu, gọi là động viên cháu thi tốt.

Sau kỳ thi đợt một tại ĐH Quốc gia Hà Nội, chị sẽ còn cùng con “ứng thí” đợt hai ở ĐH Nông Nghiệp Hà Nội.

Khẽ nhẩm tính, số tiền hơn triệu đồng có thể không đủ cho hai mẹ con đi qua cả hai đợt thi, phải vay mượn thêm, nhưng chị vẫn lạc quan khẳng định: “Người làng ai cũng bảo, con gái mà đỗ đại học thì không còn ai sướng bằng tôi cả. Nhưng tôi thì nghĩ, được đưa con vào tận trường thi như thế này đã là “sướng” rồi. Nói thì nói vậy nhưng dù Đại học hay Cao đẳng, hay kể cả trung cấp, tùy theo nguyện vọng, khả năng của cháu, tôi sẽ vẫn hết sức cho cháu đi học”.