Xóm nghèo đổi đời nhờ nghề xây phòng trọ cho thuê

Đường phố khang trang, nhà cửa mọc lên san sát với đầy đủ dịch vụ, đời sống người dân không ngừng được cải thiện đã thay thế cho vùng đất cằn cỗi, thưa thớt trước đây.

Nhờ nhạy bén tiếp cận nghề kinh doanh nhà trọ, người dân khu phố Thống Nhất 2 (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã lột bỏ cái mác “xóm nghèo” theo đuổi suốt nhiều năm qua.

“Xóm nghèo” từng liều mạng cưa bom

Cái tên “xóm nghèo” có từ bao giờ, không người dân nào nhớ rõ. Những người cao tuổi trong khu phố lí giải, nhiều khả năng do cuộc sống nơi đây trước kia vốn nghèo khó, cơ cực nên mới bị gán luôn cho cái tên “xóm nghèo”.

Theo đó, thời trước giải phóng, “xóm nghèo” từng là căn cứ quân sự, nơi Mỹ đóng quân. Sau khi hết chiến tranh, căn cứ này được bộ đội tiếp quản (nay thuộc Quân đoàn 4). Lúc bấy giờ, điều kiện kinh tế ở vùng đất này rất khó khăn, dân cư thưa thớt. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng khoai mì, bông đậu. Quanh năm lam lũ vẫn chẳng đủ ăn. Đói kém, thất học, để mưu sinh, người dân nơi đây từng có thời phải rủ nhau vào căn cứ, lượm nhặt phế liệu chiến tranh còn sót lại. Nhiều lần tìm thấy bom mìn, khệ nệ vác về nhà cưa ra bán sắt vụn, biết là không an toàn nhưng vì miếng cơm manh áo, người dân vẫn liều mạng làm tới.

Sau này, chính quyền phát hiện, tổ chức nhiều buổi họp dân để giảng giải sự nguy hiểm của việc làm này. Tuy thế, thỉnh thoảng vẫn có người dân lén vào căn cứ tìm phế liệu. Có lẽ từ đó, cái tên “xóm nghèo” xuất hiện, gắn liền với thực tế “cưa bom đạn bất chấp tính mạng” của người dân nơi đây.

Ông Lê Khanh Hải, Trưởng khu phố Thống Nhất 2, cho biết thêm: “Sở dĩ gọi là xóm nghèo bởi sau ngày giải phóng, cả xóm chỉ ngót nghét 60 hộ gia đình với khoảng 300 nhân khẩu. Đất rộng nhưng khô cằn, kĩ thuật canh tác lại lạc hậu nên hiệu quả mang lại chẳng bao nhiêu. Các hộ dân nghèo khổ, thiếu thốn cả miếng ăn, trẻ em thì thất học triền miên”. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, ông Hải nhớ như in hình ảnh những ngôi nhà thưa thớt, những con đường vắng hoe không người qua lại và cả cảnh những đứa trẻ mặc áo quần rách, chui lượm ve chai ở các kênh nước. Ngày đó, xóm thuộc diện vùng sâu vùng xa, thậm chí nhiều người còn ví “xóm nghèo” như một “ốc đảo” của phường bởi sự hoang sơ, nghèo đói và tách biệt.

Trong thâm tâm, ông tổ trưởng khu phố không thể ngờ được hình ảnh miền quê nghèo đói ngày nào lại có cơ hội thay đổi như bây giờ. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1996, nhờ chính sách quy hoạch phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư từ nước ngoài, hai khu công nghiệp lớn là Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 hình thành. Cụm khu công nghiệp đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây một cách rõ rệt. Các công ty mọc lên, không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh mà còn thu hút lao động từ khắp cả nước đổ về.

Cuộc sống trở nên khấm khá hơn nhờ nghề 'cho thuê phòng trọ' (Ảnh minh họa)

Xóm “đổi đời”

Từ chỗ thưa thớt, dân số tập trung ở “xóm nghèo” tăng lên chóng vánh. Lúc này, chỗ ở trở thành nhu cầu tất yếu. Tận dụng lợi thế về đất đai rộng rãi, những người nhanh nhạy nhất của khu phố đã nghĩ ra con đường sống, đó là cho thuê trọ. Từ số tiền nhận được khi đền bù giải toả, một số hộ dân liều đầu tư vào xây nhà trọ, đồng thời mở các dịch vụ ăn theo như: cửa hàng tạp hoá, quán ăn, khu vui chơi, giải trí… Ban đầu chỉ có vài người, sau đó, thấy làm ăn được, người dân khu phố đua nhau làm theo. Chỉ trong vài năm, bộ mặt “ốc đảo” giữa phố phường đã thay đổi nhanh chóng. Người dân trong xóm từ chỗ thất nghiệp đều có việc làm, trẻ em được học hành tử tế. “Xóm nghèo” bắt đầu đông vui, phát triển với tốc độ chóng vánh. Từ chỗ chỉ vài chục hộ dân với lượng nhân khẩu ít ỏi, giờ cả xóm đã có 624 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu.

Gia đình ông Nguyễn Đình Viễn là một trong những trường hợp “đổi đời” rõ rệt. Với 95 phòng trọ, ông chủ này cho biết, bình quân mỗi phòng trọ ông cho thuê với giá 600 – 700 ngàn đồng/tháng. Nhẩm tính, mỗi tháng ông thu về gần 60 triệu đồng. “Nhờ người tứ xứ đổ về làm việc ở các khu công nghiệp, nhu cầu về chỗ ở của họ khiến tôi có cơ hội xây dựng nhà trọ cho thuê. Cuộc sống giờ khác xưa, đỡ vất vả hơn nhiều”, ông Viễn niềm nở chia sẻ.

Cách đó không xa là gia đình ông Nguyễn Sỹ Trung với 42 phòng trọ cho thuê. Ngôi nhà gia đình sinh sống khang trang với đầy đủ tiện nghi, bởi ngoài kinh doanh phòng trọ, ông Trung còn dành riêng mặt tiền để buôn bán tạp hóa tổng hợp. Chưa trừ chi phí, ông cho biết mỗi tháng cũng thu về gần 40 triệu đồng. “Như nhiều hộ dân khác, trước đây vợ chồng tôi cũng chỉ làm nông nghiệp, trồng khoai mì, lăn lộn vất vả mà vẫn chẳng đủ ăn. Nhưng từ khi các công ty xí nghiệp mở ra, người lao động tràn về làm ăn, sinh sống, chúng tôi cũng bắt chước mọi người, chuyển sang kinh doanh dịch vụ nhà trọ, buôn bán nhỏ lẻ. Đời sống nhờ đó mà khá lên”, ông Trung hồ hởi cho biết.

Chứng kiến cuộc sống đổi thay từng ngày của xóm nghèo, ông Phạm Nguyễn Trường Lộc, cán bộ văn phòng UBND phường Dĩ An vui vẻ chia sẻ, người dân nơi đây có ngày hôm nay là nhờ chính sách mở cửa phát triển công nghiệp của Nhà nước. Theo ông Lộc, địa bàn phường tiếp giáp với hai Khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, vì thế, “xóm nghèo” trở thành điểm trung tâm, có cơ hội phát triển mọi mặt. Trong đó, nghề kinh doanh phòng trọ và buôn bán nhỏ lẻ mang về nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân.

Theo số liệu thống kê, toàn khu phố hiện có 270 hộ kinh doanh nhà trọ với số lượng “khủng” là 3.000 phòng với hơn 8.000 người tạm trú. Những thay đổi về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của người dân khu phố Thống Nhất 2 góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của phường Dĩ An nói chung và “xóm nghèo” nói riêng.

Những kết quả từ sự “vặn mình” vươn lên, đã và đang mang lại cho xóm nghèo một diện mạo mới, bộ mặt khu phố khởi sắc từng ngày, dấu tích của một thời nghèo khó đã lùi vào dĩ vãng. Cái tên “xóm nghèo” có lẽ chỉ còn được nhắc đến trong kí ức.