Điển hình nhất là trường hợp xe Toyota: Tháng 4/2011, Toyota Việt Nam công bố chiến dịch triệu hồi lớn nhất trong lịch sử với hai mẫu xe hút khách nhất thị trường là Innova và Fortuner, với tổng số xe thuộc diện triệu hồi lên tới trên 60.000 chiếc. Những chiếc xe này có khả năng mắc một trong 3 lỗi, có thể ảnh hưởng tới an toàn khi vận hành xe, bao gồm: áp suất dầu phanh bánh sau cao hơn tiêu chuẩn, bu lông bắt móc neo chân ghế bị giảm lực siết và siết bu lông Camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn.
Tuy nhiên tới thời điểm này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) dẫn báo cáo của Toyota Việt Nam cho biết, sau gần 30 tháng triển khai, tính đến ngày 7/9/2013, chỉ có 366 xe Innova được kiểm tra và siết lại bu lông camber trong tổng số 7.370 xe phải kiểm tra (gần 5%); 5.123 xe Innova được kiểm tra lực siết bu lông bắt móc neo chân ghế sau trong tổng số 53.280 xe (gần 10%); 2.220 xe Fortuner được kiểm tra lỗi tương tự trong tổng số 12.423 xe (đạt gần 18%). Đáng chú ý là số liệu xe được đưa tới đại lý kiểm tra gần như không biến động kể từ đầu năm 2013 tới nay.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 9 vừa qua, công ty VinaStar công bố triệu hồi 1.998 chiếc xe Pajero Sport và xe bán tải Triton có khả năng mắc 1 trong 3 lỗi nghiêm trọng là tay đòn treo dưới có thể bị nứt mối hàn, dẫn đến việc xe bị mất ổn định, đảo sang hai bên và khó điều khiển xe; nguy cơ mô tơ điện điều chỉnh ghế có thể gây nóng chảy hoặc cháy; nguy cơ rò rỉ nhiên liệu. Tuy nhiên sau khoảng 1 tuần triển khai, tỷ lệ đến kiểm tra, thay thế sửa chữa mới chỉ đạt khoảng 5-10%.