Xe máy sẽ bị phạt nặng khi đi đường trên cao Hà Nội

Sau hàng loạt vi phạm tại đường trên cao vừa mới thông xe, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG.

“Nhiều phương tiện xe máy, xe ba bánh vẫn phớt lờ lệnh cấm và "vô tư" leo lên cầu cạn vành đai 3 trước hết cần phải xem xét lại công tác tuần tra, kiểm soát phân làn và xử phạt phương tiện của lực lượng chức năng”- ông Hiệp cho biết.

Xử lý vi phạm 24/24h

Đánh giá về tình trạng giao thông tại các nút giao với cầu cạn sau khi thông xe, ông Hiệp cho rằng, bức tranh giao thông tại các khu vực này đã thông thoáng hơn rất nhiều, giảm ùn tắc giao thông so với trước đây mặc dù mật độ phương tiện lưu thông trên cầu cạn vành đai 3 chưa nhiều.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho biết, ngay sau khi tiến hành thông xe vào 21/10, chỉ trong hai ngày đầu tiên đã có 2 vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do xe máy đi ngược chiều và đi vào đường cấm. Ngoài ra, tai nạn xảy ra khi thông xe còn vắng bóng lực lượng CSGT đứng chỉ dẫn trong ngày đầu thông đường.

 

“Sau 10 giờ đêm không có sự tuần tra kiểm soát nên các phương tiện vẫn thản nhiên lên cầu, thậm chí chạy song song đua tốc độ với ôtô, chạy ngược chiều”, ông Hiệp nói.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Hiệp cho biết: Sáng ngày 23/10, Ủy ban ATGT có đề nghị lực lượng liên ngành CSGT, Thanh tra giao thông Hà Nội tăng cường lực lượng, xử lý các vi phạm 24/24 giờ.

Ông Hiệp cũng nói rõ, để răn đe người điều khiển phương tiện giao thông “phớt lờ” lệnh cấm, cố tình đi lên đường cao tốc trên cao trong hai ngày qua, lực lượng CSGT cần xử phải xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ lưu thông 80 km/h, công tác xử phạt vi phạm trên đường cầu cạn sẽ gặp nhiều khó khăn, ông Hiệp khẳng định: Việc xử phạt không khó vì lực lượng sẽ thành lập các chốt chặn ở hai đầu cầu cạn hoặc các nhánh lên xuống của đường cao tốc để xử lý.

Khi được hỏi về hệ thống biển báo hướng dẫn trên đường cầu cạn, ông Hiệp cho rằng: Mặc dù tuyến đường có cắm các biển báo hiệu hướng dẫn, chỉ đường cho các phương tiện lưu thông nhưng nhiều biển báo quá nhỏ, đặt tại vị trí không tiện cho người đi trên đường quan sát.

“Hệ thống biển báo được tính toán quá nhỏ bé so với tốc độ của phương tiện lưu thông. Vì vậy, các đơn vị  cần phải có biển báo từ xa để phân làn, phân luồng phương tiện để người tham gia giao thông có thể chủ động”, ông Hiệp nói.

Đường mới tai nạn giao thông dễ tăng đột biến

Đề cập đến vấn đề nhiều tuyến đường có hạ tầng tốt thường xuyên xảy ra tai nạn do tốc độ lưu thông cao, nhiều xe không làm chủ được tốc độ, ông Hiệp nhận định, một số tuyến đường mới khánh thành có thực trạng tai nạn giao thông gia tăng đột biến.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra dẫn chứng cụ thể như tuyến Quốc lộ 6 đi Điện Biên – Sơn La có lúc tai nạn tăng 100% so với năm 2011.

Theo ông Hiệp, cần phải xử lý kiên quyết tình trạng xuất hiện các bến "xe dù"trên đường cao tốc trên cao.

 

Bày tỏ quan điểm về thực trạng hình thành những "bến xe dù" ngay tại khu vực cầu lên xuống đường cao tốc trên cao, ông Hiệp cho rằng, ý thức người tham gia kém chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này.

“Việc kiểm tra, xử lý xe dù không khó, nhưng quan trọng lực lượng chức năng làm đến đâu và xử lý như thế nào”, ông Hiệp nói.