Con số khái toán 34 nghìn tỷ là để chi cho 5 nhóm việc chính và được phân bổ rải ra ít nhất 7 năm. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT chỉ quản rất ít trong số tiền này.
Đó là những thông tin đáng chú ý Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời TTXVN ngày 18/4 về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015.
Thưa Thứ trưởng, ngay sau khi Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 được báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dư luận đã rất xôn xao. Người thì nói chúng ta dùng tới 34 nghìn tỷ đồng, nguời nói 5.000 nghìn tỷ. Vậy đâu là con số chính xác cho việc thiết kế chương trình, viết sách giáo khoa mới, thưa ông?
- Nếu là kinh phí cho biên soạn chương trình, sách giáo khoa thì cả hai con số trên đều không chính xác.
Phải nói thêm, không phải chỉ biên soạn một bộ sách giáo khoa mà chúng ta biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sách giáo viên phục vụ dạy và học giáo dục phổ thông.
Con số mà Bộ GD&ĐT khái toán để xây dựng toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông; biên soạn toàn bộ sách giáo khoa các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12; sách giáo viên để dạy được các sách giáo khoa đó vào khoảng 105 tỷ đồng.
Chúng tôi xin nói lại, con số 105 tỷ đồng đó được xây dựng dựa trên những định mức kinh tế kỹ thuật rất chi tiết theo quy định của Nhà nước.
Ví dụ, Bộ GD&ĐT dựa trên định mức của Bộ Tài chính quy định việc viết một trang sách giáo khoa, thẩm định một bài trong sách giáo khoa là bao nhiêu nghìn đồng.
Như chúng ta biết, công việc thì rất nhiều, nhưng chúng ta không có thầy cô giáo hay những chuyên gia chuyên trách về việc xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa.
Bởi vậy, phải bắt đầu từ việc tập huấn đội ngũ xây dựng chương trình, đội ngũ viết sách giáo khoa, tiến hành thẩm định chương trình và sách giáo khoa đó. Sau đó, phải dạy thí điểm để hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa.
Như vậy chúng ta chỉ dùng 105 tỷ đồng để biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới, một con số thấp hơn nhiều so với tất cả những con số gây tranh cãi trong những ngày vừa qua. Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm, vậy còn số tiền 34.000 tỷ dùng vào việc gì?
- Số tiền 34 nghìn tỷ đồng dùng vào 5 nhóm việc chính. Đầu tiên là xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, sách giáo viên.
Nhóm việc thứ hai là triển khai dạy thí điểm theo chương trình, sách giáo khoa mới; tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn thiện bộ chương trình, sách giáo khoa này để ban hành chính thức.
Sau khi ban hành chính thức, có nhóm việc thứ ba là triển khai đại trà. Trong đó rất quan trọng là tập huấn đội ngũ giáo viên để dạy được chương trình sách giáo khoa này.
Việc thứ tư là trang bị thêm cơ sở vật chất, đặc biệt là các đồ dùng dạy học cho các nhà trường để đảm bảo dạy được chương trình và sách giáo khoa mới.
Nhóm việc thứ năm là ứng dụng công nghệ thông tin cho công việc dạy và học, thiết kế thiết bị giáo dục kỹ thuật số; cho việc xây dựng kênh truyền thông riêng cho giáo dục đào tạo.
Trong đó, có cả việc ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học, để kiểm tra, đánh giá, để tuyên truyền giới thiệu chương trình, sách giáo khoa mới.
Bộ GD&ĐT với cách làm dựa trên công việc, dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật đã có những khái toán cho từng phần việc này. Và tôi xin nói lại một lần nữa, trong đó có 105 tỷ đồng cho việc xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa.
Thưa Thứ trưởng, con số 34 nghìn tỷ đồng sẽ được cấp một lần và cấp ngay thời điểm năm 2016 hay sẽ được phân bổ trong cả khoảng thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa mới?
- Như chúng ta đã biết, để triển khai được bộ chương trình mới, đầu tiên có việc tập huấn cho người xây dựng chương trình, người viết sách giáo khoa; rồi có quá trình viết, quá trình thử nghiệm; sau đó ban hành chính thức.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ khi ban hành chính thức, chúng ta sẽ thực hiện lớp 1, lớp 6, lớp 9 cùng một năm. Như vậy, sau 3 năm chúng ta có thời gian triển khai đại trà xong THPT; sau 4 năm triển khai xong THCS và sau 5 năm triển khai xong cấp tiểu học.
Cộng với ít nhất 2 năm thử nghiệm và để hoàn thành chương trình là 7 năm. Như vậy, số tiền đó được rải ra ít nhất 7 năm; tính ra mỗi năm vào khoảng 5.000 tỷ. Đó là chưa kể, thời gian có thể nhiều hơn 7 năm vì chúng ta còn phải có thời gian chuẩn bị trước đó.
Thứ trưởng vừa nhắc đến từ “chúng ta”, vậy xin được hỏi, toàn bộ số tiền này có phải sẽ cấp trực tiếp cho Bộ GD&ĐT hay không?
- Số tiền cấp trực tiếp cho Bộ GD&ĐT chỉ có phần xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa. Còn từ phần thử nghiệm bắt dầu cấp tiền cho các địa phương.
Và đặc biệt, phần triển khai đại trà và trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật là chi tại các địa phương, các nhà trường và do các địa phương quản lý. Bộ GD&ĐT chỉ quản rất ít trong số 34 nghìn tỷ.
Cụ thể, ước tính, con số chi thẳng về địa phương là khoảng 30 nghìn tỷ đồng; Bộ GD&ĐT chỉ được chi tiêu khoảng 4 nghìn tỷ.
Cũng phải nói thêm, con số 34 nghìn tỷ đồng này Bộ GD&ĐT đang khái toán và nó phải được thẩm định qua cơ quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và phải được trình để Quốc hội thông qua. Rồi xây dựng đề án trình Chính phủ phê duyệt mới triển khai.
Trong khi triển khai, lại có bước dự toán chi tiết, triển khai đúng việc, đúng khối lượng công việc cũng như triển khai đúng thời gian, hiệu quả công việc.
Theo Thứ trưởng, nếu được thông qua, việc bỏ ra 34 nghìn tỷ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông sẽ tạo ra sự chuyển đổi như thế nào với nền giáo dục nước nhà?
- Chúng ta thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo bằng việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; trong đó có việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng chuyển từ mục tiêu truyền thụ kiến thức sang mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Do đó, phải đổi mới đồng bộ từ khâu xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, xác định trong đó mục tiêu của từng cấp học, nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá.
Kèm theo đó, chúng ta phải có những điều kiện thực hiện như xây dựng đội ngũ giáo viên, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu chương trình mới.
Như vậy, công việc rất nhiều nhưng mục tiêu cuối cùng chúng ta là sẽ xây dựng một bộ chương trình, triển khai thực hiện bộ chương trình mới đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Chúng tôi rất hy vọng, việc triển khai chương trình mới này sẽ tạo ra được lớp lớp học sinh phổ thông có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng tự học.
Chương trình này cũng tạo điều kiện phân hóa học sinh phổ thông, tạo điều kiện học tốt hơn giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!