Trong một tháng qua, giá xăng dầu thế giới liên tục biến động và tăng ở mức cao. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 7/7.
Theo thông báo chính thức của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), từ 20h tối ngày 7/7, giá các loại xăng tại vùng 1 được điều chỉnh tăng 410 đồng/lít, vùng 2 là 420 đồng/ lít, với dầu Diesel giá được điều chỉnh tăng 290 đồng/lít, 420 đồng lít/dầu hỏa và 130 đồng/kg dầu mazut. Theo đó, mức giá bán lẻ xăng Ron 95 là 26.140 đồng/lít và xăng Ron 92 là 25.640 đồng/lít.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính việc điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp với Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ông Tuấn cũng cho hay, nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì mức độ tăng giá vừa qua sẽ cao hơn nhiều, tăng 918 đồng nhưng vì sử dụng Quỹ Bình ổn giá 500 đồng nên giá xăng chỉ tăng 418 đồng.
Bên cạnh đó, chu kỳ tính giá vừa qua là phù hợp. Theo quy định, chu kỳ tính giá là 10 ngày và chu kỳ lưu thông là 30 ngày. Do vậy, tính từ lần tăng giá ngày 23/6 đến 7/7 đã là hơn 10 ngày, nên việc xem xét tính giá mới là phù hợp.
Cũng trong ngày 8/7, lần đầu tiên sau nhiều năm, khi quyết định điều chỉnh giá xăng dầu tối 7/7, Bộ Tài chính công khai cơ cấu tính giá.
Theo phụ biểu này, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%).
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá CIF nhập xăng về cảng là 16.444 đồng mỗi lít, sau khi tính tất cả các chi phí, lợi nhuận định mức, thuế, và trích quỹ bình ổn, giá cơ sở lên đến 26.148 đồng một lít. Tính chung tất cả các loại thuế, phí thì một lít xăng bán lẻ ra cho người dân gánh tương đương 8.244 đồng.
Như vậy, nếu so với giá CIF, thuế phí đang chiếm nửa giá xăng. Còn so với giá bán lẻ, tiền thuế, phí tương đương một phần ba.