Xác tàu Titanic được công nhận là di sản UNESCO

Trong một thông cáo ra ngày 5-4, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tuyên bố đống đổ nát của tàu Titanic sẽ trở thành di sản văn hóa dưới nước nhân kỷ niệm 100 năm tàu bị chìm.

Đống đổ nát tàu Titanic dưới đáy đại dương giờ đây đã trở thành di sản văn hóa dưới nước - Ảnh: RIA

“Vào ngày 14-4-1912, tàu Titanic va phải một tảng băng ở Bắc Đại Tây dương và bị chìm. Năm nay đánh dấu 100 năm ngày xảy ra thảm kịch này, điều đó có nghĩa từ nay trở đi thân tàu sẽ được bảo vệ bởi Công ước 2011 về việc bảo vệ di sản văn hóa dưới nước”, thông báo của UNESCO cho hay.

Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đã được 41 quốc gia trên toàn thế giới thông qua, chỉ áp dụng cho những đối tượng đã bị chìm từ 100 năm trở lên. Do Titanic, con tàu lớn nhất và sang trọng nhất thời bấy giờ, gặp nạn trong vùng biển quốc tế nên không một quốc gia nào có thẩm quyền đặc biệt với di sản này.

Kể từ bây giờ, tất cả 41 quốc gia trên đều có nhiệm vụ ngăn chặn sự tàn phá, cướp bóc, buôn bán và phân phối trái phép những đồ vật được tìm thấy trong khu vực con tàu bị chìm. Các nước cũng có quyền thực hiện những biện pháp được cho là cần thiết để bảo vệ con tàu chìm hoặc đảm bảo những người còn sống sót trong thảm kịch trên được đối xử tử tế.

Chính phủ các nước còn có thể bắt giữ những đồ vật mà họ cho rằng đã được trục vớt bất hợp pháp từ đáy đại dương nơi Titanic bị chìm và đóng cửa cảng biển, không cho phép bất kỳ tàu nào được thực hiện công việc nghiên cứu nếu không tuân thủ đúng những điều khoản của công ước.

Tàu Titanic với 2.200 hành khách khởi hành từ cảng biển Southampton của Anh ngày 10-4-1912 để bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên, và cũng là cuối cùng, từ châu Âu tới Mỹ. Ngày 14-4 tàu va phải một tảng băng và chìm chỉ ít giờ sau đó. Ít nhất 1.496 người đã thiệt mạng trong thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng hải thế giới này. Cho đến nay 306 thi thể được tìm thấy và 706 người được cứu sống.