Vụ án xảy ra đến nay đã gần 10 năm, nhưng mỗi lần nhắc lại là bà Lê Thị Sáu, nhân vật chính trong cuộc vẫn bồi hồi day dứt, nhớ người con rể nông nổi vắn số, dù việc làm đó là tội ác tày trời. Dẫu sao bà vẫn thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Cho nên, cứ mỗi lần nhớ lại bà ngỡ như chuyện mới xảy ra hôm qua…
Dã tâm không thành
Lúc bấy giờ vào khoảng 10h đêm, ở nông thôn giờ này đã khuya lắm rồi, bốn bề yên lặng như tờ, chỉ có tiếng gió lay lao xao cành lá. Chốc chốc tiếng chim cú mèo vang lên từng hồi..”cú…cú…”nghe rờn rợn da gà, càng làm cho xứ Lái Hiếu này - một xã vùng sâu thuộc huyện Phụng Hiệp, nay là Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, thêm u ẩn trầm mặc. Nhà nhà đã đóng cửa im lìm, xóm nhỏ chìm vào giấc ngủ. Dòng kênh 81 (nạo vét lại vào năm 1981) nhuộm màu mây đen thẫm của trời đêm thưa thớt những vì sao mờ mờ, nhấp nhô gợn sóng lăn tăn đưa những khóm lục bình trôi không định hướng.
Giữa không gian tĩnh mịch ấy, chợt có tiếng ai nghèn nghẹn cơ hồ như bị nghẹt thở, tiếng giãy dụa chới với lúc gần lúc xa thoảng trong gió từ hướng nhà bà Lê Thị Sáu, già nua sức yếu, đã 75 tuổi. Người đầu tiên lắng nghe âm thanh lạ lùng này là bà Sáu Cống, khi bà vừa mới vào mùng đi ngủ. Bà Cống ngồi nhổm dậy lắng nghe một hồi, bà cảm nhận như là tiếng ai đang kêu cầu cứu trong sự hụt hơi không nói nên lời, tự dưng lòng lo lắng lạ lùng cho bà Sáu, người hàng xóm hiền lành, dễ mến, biết có bị trái gió trở trời.
Bà Cống vội vén mùng chui ra đến bên cửa sổ lên tiếng: “Chị Sáu ơi, chị Sáu”. Gọi mấy lần không nghe tiếng trả lời, bà Cống liền gọi người con rể của bà Sáu là anh Nguyễn Tấn Lợi: “Mầy ngủ chưa Lợi”. Vẫn không ai trả lời. Âm ba tiếng nghẹt thở nhỏ dần. Linh tính có điều gì đó nguy hiểm đang xảy ra, Bà Cống vội mở cửa chạy sang nhà bà Sáu kêu cửa: “Bà Sáu ơi mở cửa”. Không nghe bà Sáu trả lời, chỉ nghe giọng nhừa nhựa như ngái ngủ của Lợi càu nhàu: “Má tôi ngủ rồi” - “Vậy mầy mở cửa tao vào xem bà Sáu có sao không, tao nghe bả rên rỉ kêu cứu đó.” Bà Cống quyết không chịu về, đúng là có chuyện chẳng lành cho bà Sáu rồi. Giọng cộc cằn Lợi nạt: “Để cho người ta ngủ, làm ơn về đi”.
Đứng lặng trước hàng ba nhà bà Sáu, bà Cống chợt nghe thoảng từ sau nhà một tiếng rên nho nhỏ. Không thể chậm trễ được nữa rồi, bà Cống vội chạy sang nhà mấy người hàng xóm, nhờ qua nhà của bà Sáu xem việc gì xảy ra, vì thằng rể trời đánh thánh đâm chỉ biết ăn nhậu say xỉn. chắc bà Sáu bị trúng gió mà Lợi đang say rượu nên dậy không nổi. Có 10 người xung quanh đến kêu Lợi thức dậy mở cửa cho vào gặp bà Sáu. Trước sự đập cửa ầm ầm, Nguyễn Tấn Lợi mới chịu thức dậy, đi liểng xiểng, chập choạng trong cơn say, vừa mở cửa vừa nói là má tôi ngủ trong mùng. Nhưng khi mọi người vào trong buồng giở mùng lên xem thì không thấy bà Sáu ngủ trong đó.
Nguyễn Tấn Lợi ngạc nhiên: “Chắc má tôi mới ra ngoài”. Mọi người túa ra nhà sau tìm, thì gặp bà Sáu nằm bất tỉnh, rên nhè nhẹ. Lợi hốt hoảng la “Trời ơi má tôi bị té bất tỉnh, bà con mau cứu má tôi”. Lợi cùng bà con đưa bà Sáu xuống ghe máy đuôi tôm, tức tốc đến bệnh viện huyện Phụng Hiệp, mới phát hiện bà Sáu bị gãy xương sườn, cổ bầm tím và nhiều vết trầy xước khắp mình mẩy. Có nghi vấn đây là một vụ án mạng, bệnh viện mời công an huyện Phụng Hiệp đến điều tra. Không ai nghĩ rằng bà Sáu sẽ qua khỏi. Vậy mà bà dần dần tỉnh lại, đầu óc tỉnh táo, thều thào kể lại hết mọi việc.
Lê Thị Sáu nay đã 85 tuổi hiện sống với người con trai là Sáu Lâm
Lời người về từ cõi chết
Từ ngày gả con gái theo chồng, bà Lê Thị Sáu luôn canh cánh nỗi lo sợ con gái út của mình làm dâu vất vả, đứa con mà bà hết lòng yêu thương. Bà bàn với người con trai thứ sáu của mình là Sáu Lâm, cho vợ chồng con Út về ở chung với bà, để có người nói chuyện sớm hôm. Sáu Lâm ủng hộ ý kiến của mẹ mình, từ đó, vợ chồng Nguyễn Tấn Lợi về ở chung nhà với mẹ vợ. Thời gian đầu họ chung sống rất hòa thuận hạnh phúc, những năm sau do ỷ lại sự đùm bọc của bên vợ, Lợi đâm ra bê tha, lười biếng, gây nợ nần chồng chất.
Nhưng do thương con, bà Sáu bấm bụng cắt ra một công ruộng cho Lợi bán lấy tiền trả nợ, với điều kiện phải bỏ ăn chơi trác táng, tu tỉnh làm ăn lo cho vợ con. Chỉ cần có tiền trả nợ, điều gì Lợi cũng hứa, rồi sau đó, chứng nào tật nấy, lại gây thêm nợ nần tứ phía. Bà Sáu hết sức khổ tâm khi nhìn hoàn cảnh con gái mình có người chồng hư đốn như vậy, khiến bà càng thêm bực bội thường xuyên rầy la, nặng lời với con rể. Cũng từ đó, Lợi thâm thù mẹ vợ đến tột độ. Đêm đó, sau khi nghe bà Sáu mắng nhiếc, sẵn có chủ ý giết bà Sáu cho hả dạ, Nguyễn Tấn Lợi đánh bà Sáu chí mạng, làm bà gãy xương sườn. Không để bà la cầu cứu, Lợi bóp cổ bà cho đến khi bà không còn giẫy dụa. Lúc đó có tiếng bà Cống gọi cửa, Lợi kéo xác Sáu ra sau hè định nhấn xuống ao, nhưng do có nhiều người hàng xóm đập cửa thúc giục, Lợi không kịp thực hiện dã tâm của mình, phải ra mở cửa. Đến khi mọi người vào nhà và ra nhà sau phát hiện bà Sáu nằm bất tỉnh, Lợi giả bộ như người vừa ngủ thức dậy, vội vàng cùng bà con lối xóm đưa mẹ vợ đi cấp cứu. Nhưng thực tâm Lợi đinh ninh là bà Sáu đã chết rồi. Nhưng khi bà Sáu tỉnh lại và khai với công an, Lợi lẳng lặng bỏ đi biệt tăm.
Xác chết trong chòi vắng
Công an huyện Phụng Hiệp phát lệnh truy bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Tấn Lợi về tội cố ý giết người. Bà Lê Thị Sáu sau khi xuất viện trở vể nhà. Bà con lối xóm mừng vui đến thăm, bà Sáu bộc bạch những lời chân tình, nhân hậu: “Thương con gái, thương cháu ngoại đương nhiên là phải thương con rể. Tôi còn sống sót là phước đức ông bà để lại, tôi bỏ qua tất cả. Tôi tha thứ hết mọi tội lổi của con rể đã nông nổi gây ra. Tôi sẽ làm đơn bãi nại gửi công an, cứu xét tha cho thằng Lợi để nó có dịp làm lại cuộc đời, lo cho vợ con. Dẫu sao tôi cũng có phần không phải trong đó. Đâu phải làm cha làm mẹ rồi muốn mắng chửi con sao cũng được. Phải chi tôi đừng rầy la nó hoài, thậm chí có những lúc nặng lời, làm nó đâm ra thù ghét tôi lúc nào cũng không biết, phải chi…”
Ai cũng bùi ngùi cảm động trước những lời bao dung của người mẹ già vừa chết đi sống lại. Nhưng Nguyễn Tấn Lợi không bao giờ còn được nghe những lời đầy ắp yêu thương từ trong suối nguồn vô tận đó, và cũng không còn có dịp trở về mái nhà nơi có ánh mắt và tình thương dạt dào chan chứa của người vợ hiền hết mực yêu thương chồng, của đứa con gái vừa tròn 4 tuổi ngây thơ vô tội chưa biết gì đang mòn mỏi chờ cha. Người ta phát hiện Lợi chết tại căn chòi của anh ta ngoài ruộng dùng để ngủ giữ hoa màu lúc Lợi còn trồng rẫy. Cái chết bất ngờ của Lợi đã làm cho mọi người nghĩ ngay đến chuyện trả thù của những người con trai của bà Sáu. Vậy là công an lại có thêm một hướng điều tra mới. Nhưng qua thu thập tin tức của những người dân tại địa phương, thì những người con của bà Sáu ai cũng hiền lành, chân chất chưa hề có tai tiếng gì với bà con lối xóm. Hơn nữa, quanh miệng của tử thi, ruồi bu bị chết rất nhiều, và chung quanh nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Kết quả khám nghiệm tử thi là đương sự tự tử bằng uống thuốc rầy.
Người xưa có câu phương ngôn mang tính nhân quả của nhà Phật “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” nghĩa là: khi mình làm điều ác cho ai, kể cả bằng hành động hoặc lời nói xấu, lời nguyền rủa một cách vô cớ, thì mình sẽ nhận lại những điều tương tự. Trái lại nếu mình làm những điều tốt đẹp cho người khác, lành tâm, lành ý, lành cử chỉ, lời nói và hành động, thì mình cũng nhận được những điều tốt lành vọng lại. |