Ấy là đền thờ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang nằm ngay trên địa bàn xã. Là bởi, sau khi phá bỏ ngôi đền ấy đi, có nhiều người tự nhiên mắc các chứng bệnh lạ, có người tự thiêu mà chết, có người đang yên đang lành bỗng dưng mù lòa, chết đuối, tự tử và đặc biệt nghiêm trọng là có hàng loạt dân lành nối nhau đi gặp Diêm vương vì mắc bệnh ung thư. Cả làng, cả xã xanh mặt vì lo lắng, tin đồn cùng nỗi sợ hãi theo đó lại càng loang đi với tốc độ nhanh hơn, rộng hơn.
Số phận ngôi đền ngàn tuổi
Về huyện Anh Sơn thời điểm này, hỏi đường về đền thờ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang thì đến cả đám trẻ nhỏ cũng biết. Ngôi đền linh thiêng ấy cùng gắn theo bao nỗi tang tóc, đau thương của người dân trở nên quá nổi tiếng mà ai nấy đều được ít nhiều nghe nói đến. Anh Sơn là huyện cực tây của Nghệ An, nằm dọc theo đôi bờ sông Lam và Quốc lộ 7, phía đông giáp với huyện đồng bằng Đô Lương, phía bắc giáp với huyện miền núi Tân Kỳ, phía tây giáp với huyện vùng cao Con Cuông và nước bạn Lào.
Ông Nguyễn Hữu Châu - người viết lại thần phả về Uy Minh Vượng Lý Nhật Quang
Ngôi đền thờ Lý Nhật Quang người ta chỉ chúng tôi đến thực ra là ngôi đền đang được xây dựng lại mới tinh. Ngôi đền gốc nay đã bị san phẳng, làm nhà ở, trồng cây, xây chuồng lợn, chuồng bò và cả nhà vệ sinh lên đó. Hỏi thăm đến đó, phải năm lần bảy lượt quanh đi quẩn lại, chúng tôi mới đánh dấu được chính xác vị trí ngôi ngôi đền cũ.
Số phận của ngôi đền thờ Lý Nhật Quang là một câu chuyện dài với vô vàn những thăng trầm lịch sử và tác động của thiên nhiên, con người. Gặp người dân thì họ biết đến đâu nói đến đấy, lõm bõm và hư thực khó lường. May mắn thay, chúng tôi gặp được hai cụ Nguyễn Minh Đức và cụ Nguyễn Hữu Châu, là hai bậc cao niên trong xã người được UBND xã Vĩnh Sơn giao cho nhiệm vụ viết thần phả và thần tích về ngôi đền thờ này. Từ hai cụ, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với những nguồn tài liệu có lẽ là xác thực nhất về ngôi đền thờ này và những câu chuyện ly kỳ xoay quanh nó.
Ngài Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), mẹ là Trinh Minh Hoàng hậu. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1028), Thái tử Lý Phật Mã (hoàng huynh của Hoàng tử Lý Nhật Quang) lên ngôi vua (tức là Vua Lý Thái Tông). Năm Kỷ Tị (1029), Vua Lý Thái Tông đi dẹp nội phản ở Châu Ái. Đến tháng 4 năm Bính Ngọ (1036), nhà vua đặt hành dinh Châu Ái ở Châu Hoan và đổi tên châu ấy là Nghệ An. Năm Kỷ Mão (1039) Lý Phật Quang được chọn ra để trông coi việc tô thuế ở Nghệ An. Trong mấy năm giữ chức vụ này, Lý Nhật Quang rất liêm chính, yêu dân, không động đến cái kim sợi chỉ của dân. Sau hai năm, ông được vua yêu mến, ban cho hiệu Uy Minh Thái Tử và giao cho việc quân dân ở châu ấy.
Tháng 11 năm Tân Tị (1041), vua ban chiếu cho Uy Minh hầu Lý Nhật Quang làm tri châu Nghệ An. Tháng 1 năm Giáp Thân (1044), vua thân chinh dẫn quân đi đánh Chiêm Thành. Lúc đưa quân vào đất Chiêm Thành, vua đã giao cho tri châu Nghệ An lo tích trữ quân lương và bố phòng tốt các vùng biên giới ở Nghệ An. Lý Nhật Quang đã hoàn thành xuất sắc mệnh lệnh. Tháng 7 năm đó, nhà vua giành thắng lợi. Trên đường khải hoàn, vua đã dừng chân ở đất Nghệ An và xem xét công lao của Lý Nhật Quang. Vua đã trao quyền tiết việt (quyền định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An) và gia phong tước vương, gọi là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Tuân chỉ Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế, phát triển kinh tế, chiêu an dân lưu tán trong các vùng đất khác về khai khẩn đất hoang, lập ra nhiều ấp mới. Ngài đã tiến hành hàng loạt biện pháp khuyến nông như dạy cho dân nghề nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển nhiều nghề thủ công, cho xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, phát triển nhiều ngành nghề: khai mỏ, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền. Hiện nay, nhiều nghề thủ công nghiệp có ở Nghệ An và Hà Tĩnh có từ thời Lý Nhật Quang.
Về quân sự, ngài cho xây dựng quân đội để bảo vệ biên giới phía tây. Dưới thời Lý Nhật Quang triều đình không phải đưa quân Trung ương vào đồn trú mà lực lượng tại chỗ đủ sức đảm bảo sức mạnh bảo vệ bờ cõi. Có thể nói, suốt 16 năm trị nhậm ở Nghệ An, với đường lối vương đạo thân dân, Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc xây dựng Nghệ An từ mảnh đất phên dậu trở thành một căn cứ then chốt, một pháo đài kiên cố cả về quân sự lẫn kinh tế.
Dân gian kể lại rằng, khoảng năm 1057, miền biên giới phía tây châu Nghệ An thường bị bọn lục lâm thảo khấu quấy nhiễu. Quân Lão Qua (Lào) thuộc các bộ tộc Vạn Tượng xua quân vượt biên sang cướp phá. Lý Nhật Quang đã nhiều lần thân chinh đánh dẹp. Trong một lần đưa quân đi đánh giặc, gặp thế giặc mạnh, quân ta thất trận, Lý Nhật Quang bị tướng giặc chém ngang cổ. Nhưng thật kỳ lạ, đầu ông vẫn không rơi, người vẫn trên mình ngựa và men sông Lam chạy về phủ lý Bạch Đường. Khi đi qua địa phận xã Đại Điền (nay là xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn), giọt máu của Ngài đã rơi xuống, để lại huyết tích trên đất Vĩnh Sơn.
Ngựa phi về đến địa phận xã Bạch Đường thì dừng lại, ghé vào quán nước sát bờ sông, ngựa quay 3 vòng, định quy tại đó. Ngay tức khắc, có cụ già đến trước ngựa bảo: “Núi Quả đất thiêng, là chỗ huyết thực muôn đời, có thể hóa thân”. Nghe nói xong, người và ngựa về đến Quả Sơn thì ngài hóa.
Kỳ diệu thay, hằng hà sa số con mối xuất hiện, đua nhau lấp đầy thi thể Vương, phút chốc đã thành ngôi mộ to. Hôm ấy vào ngày 17 tháng Chạp. Tại chỗ huyết tích trên đất Vĩnh Sơn, từ xa xưa, nhân dân đã lập đền thờ Ngài.
Thực hư chuyện người gặp nạn
Sử sách tam sao thất bản, có nhiều bản chép khác nhau sai lệnh một vài chi tiết về năm tháng nhưng quan trọng hơn, chúng tôi biết được rằng, địa điểm xây dựng ngôi đền thờ Lý Phật Quang khi xưa trên đất Vĩnh Sơn chỉ là nơi ông để lại huyết tích khi đi qua.
Gần một thiên niên kỷ đi qua, người dân đất này vẫn nhớ ơn ông, bảo vệ, gìn giữ và hương khói hàng ngày. Tuy nhiên, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, do tập trung cho nhiệm vụ chống Pháp, chống Mỹ nên người dân cũng thưa dần việc hương khói và ngôi đền dần bị hư hỏng, xuống cấp.
Thần phả cũng chỉ nói đến đây là hết, việc ngôi đền bị xuống cấp như thế nào không thấy nói đến. Tuy nhiên, việc ngôi đền bị phá bỏ hoàn toàn lại là ở một thời điểm khác.
Đền thờ Lý Nhật Quang đang được xây dựng lại
Ông Đức kể lại: Khoảng năm 1954, việc thờ cúng tại ngôi đền này bị quy kết là hoạt động mê tính dị đoan nên bị chính quyền địa phương tạm thời dỡ bỏ, dù người dân vô cùng tiếc xót. Khu đất đó bị bỏ hoang cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, khi có điều kiện, người dân trong làng lại tiến hành phục dựng lại ngôi đền để thờ cúng. Đến năm 1973 thì ngôi đền lại bị phá hủy hoàn hoàn do trúng bom giặc Mỹ. Sau đó, chính quyền địa phương có dựng lên tại đó một nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cho các cụ trong làng, về sau lại chuyển thành khu nhà tập thể của các giáo viên trường cấp 1 của xã vào năm 1993, đến nay thì trở thành Nhà văn hóa xóm 4, xã Vĩnh Sơn.
Như vậy, ngôi đền cũ đã không còn nữa. Phần đất còn lại của đền lần lượt được phân làm đất ở cho một số hộ dân. Để rồi những sự việc hãi hùng, kỳ lạ đã xảy đến cho những hộ dân này mãi về sau này.
Ông Châu và rất nhiều người dân ở xóm 4 đã kể cho chúng tôi những câu chuyện mang đậm màu sắc tâm linh và rất khó kiểm chứng. Chuyện kể lại rằng, khi ngôi đền bị dỡ bỏ, có người đàn ông ở dưới huyện Tân Kỳ lên mua lại cây gỗ lim cạnh chùa. Ông cùng mấy người nữa xuống trả tiền rồi cưa cây lim chở về. Mấy ngày sau, chẳng hiểu vì sao, ông tự phát điên, gào rú một hồi rồi dội xăng vào chăn bông, trùm lên người đốt. Mấy người cùng ông đi cưa cây lim cũng tự phát điên, vồ con dao rựa mà tự chém vào mình cho đến chết.
Có người khác lấy được mấy trục hoành trong đền đem về chưa làm gì, chỉ gác lên xà nhà. Ông này về sau vào tận Bình Dương làm ăn nhưng vẫn không yên. Hai đứa cháu nội của ông, một đứa đột nhiên chết vì bệnh lạ, một đứa thì bị tai nạn suýt chết. Được người khác mách bảo, ông vội vã từ Bình Dương trở về để trả lại mấy trụåc hoành cho ngôi đền.
Có người lấy mấy viên gạch, viên ngói trong chùa đem về nhà, về sau người thì bị trâu húc, người thì đột nhiên mù mắt. Có người cưỡi lên con ngựa gỗ trong chùa vuốt bờm thì qua đò cũng đột nhiên chết đuối. Có ba đứa trẻ ngỗ ngược cả gan mổ bụng tượng để xem bên trong có gì thì về sau đều chết cả.
Những câu chuyện thương tâm, kỳ bí khi động đền, động chùa đại loại như thế này thì nhiều vô kể, vì đền chùa thường gắn với sự linh thiêng và uy nghiêm. Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách tìm hiểu để gặp gỡ trực tiếp nhân chứng trong những câu chuyện ấy nhưng dường như những câu chuyện này chỉ là giai thoại. Nhân chứng trong những câu chuyện này tương đối mờ nhạt, khó xác định. Hỏi đích xác tên tuổi, địa chỉ thì ai cũng chỉ ậm ừ vì không nhớ rõ.
Thế nhưng, có một sự việc được cho là hậu quả của việc động đền mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến. Ấy là việc nhiều người dân hiện sống quanh ngôi chùa bỗng nhiên mắc bệnh ung thư mà chết. Việc người dân tại xóm ấy chết vì ung thư hoặc đang ngắc ngoải chờ chết vì ung thư là có thật.
Thông tin đáng tin cậy từ chính quyền xã Vĩnh Sơn cho biết, hiện xung quanh nền cũ của ngôi đền có khoảng 10 người đã chết hoặc đang hấp hối vì bệnh ung thư. Ông Nguyễn Viết Trọng, 54 tuổi bị ung thư vòm họng, đang điều trị ở Bệnh viện K; ông Nguyễn Văn Châu, 55 tuổi bị ung thư phổi đang điều trị tại nhà; ông Phạm Bá Hạnh, 37 tuổi, bị ung thư ruột, hiện đang điều trị; chị Phạm Thị Ngân, 20 tuổi, ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Một số người đã mất chủ yếu là bị ung thư gan.
Như vậy, việc một số người bị ung thư và đã mất trong khoảng 10 năm trở lại đây chắc chắn không phải là ngẫu nhiên, vốn là tính chất của căn bệnh nan y này. Những người dân trong khu vực này tất thảy đều hoang mang cực độ, có người vì hãi quá đành bỏ xứ mà ra đi.
May mắn nhất trong số này có lẽ là ông Nguyễn Duy Công và anh Nguyễn Văn Bình. Ông Công được phân đất xây nhà ở đây từ năm 1995, ngay trước khu vườn nhà ông là chính điện đền thờ cũ. Chỉ sau vài năm thì mắt ông dần bị mờ rồi mù hẳn. Nhà anh Bình ở trước nhà ông Công, mắt anh Bình cũng cứ lòa dần, hiện anh cũng không thể tự đi lại được mà phải có người dắt.
Bỏ qua những yếu tố mang tính chất tâm linh về ngôi đền vốn không rõ ràng, chúng tôi được chính quyền xã Vĩnh Sơn cho biết: Nguyên nhân một số người bị ung thư, bị mù mắt có thể là do hậu quả hóa chất của kho sản xuất vũ khí cũ đặt trên nền ngôi đền cũ. Anh Nguyễn Bá Toàn, Xã đội trưởng xã Vĩnh Sơn cho biết: Vào khoảng năm 1947, để có vũ khí chiến đấu chống Pháp, Chính Phủ đã xây dựng tại địa bàn xã một xưởng chế tạo Vũ Khí mang tên Lê Đình Dụ.
Tháng 9/1945, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, thực dân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ, mưu toan cướp lại nước ta. Để có vũ khí chiến đấu, Chính phủ thành lập Cục Quân giới, tỉnh Nghệ An lập Ban Vũ khí.
Cuối năm 1949, sau khi bị máy bay địch đánh phá, xưởng quân giới Đặng Thái Thân chuyển lên vùng Yên Sơn. Xưởng Đặng Thái Thân là cơ xưởng lớn nhất của Sở Quân giới Liên khu III và IV. Từ năm 1947 đến 1949, xưởng Đặng Thái Thân chuyên sản xuất lựu đạn; từ năm 1950 đến 1951, sản xuất đạn cối cỡ 81-120 và chế tạo thành công đạn OF.
Từ tháng 6/1946, Cục Quân giới Việt Nam cử kỹ sư Lê Đình Tạo vào Nghệ An tổ chức sản xuất thử bazoka – loại vũ khí khá hiện đại do kỹ sư Trần Đại Nghĩa thiết kế. Sau 6 tháng nghiên cứu thiết kế, lập quy trình sản xuất, những quả đạn bazoka đầu tiên được đưa vào nội thành Vinh bắn thử. Đồng chí Lê Đình Dụ hy sinh, nhưng qua thí nghiệm đã tìm được những chỗ cần bổ cứu, kết thúc giai đoạn chế thử vào tháng 6/1947. Từ đó, xưởng mang tên Lê Đình Dụ, chuyển lên Bến Vẽ (nay thuộc huyện Tân Kỳ) sản xuất hàng loạt. Xưởng Lê Đình Dụ ở xã Vĩnh Sơn trên nền ngôi đền cũ là cơ sở 2.
Nghi vấn được nhiều người đặt ra là: Những hóa chất còn lại của xưởng vũ khí đã ngấm vào đất, vào nước trong vùng, người dân sử dụng nước ấy lâu dần rồi phát ra đủ thứ bệnh lạ.
Thực tế, chính quyền xã Vĩnh Sơn cũng đang loay hoay với nghi vấn này bởi sau khi báo cáo tình hình lên huyện, lên tỉnh, mới chỉ có vài đoàn về lấy mẫu đất, mẫu nước về nghiên cứu nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp hay giải pháp cụ thể nào.
Việc người dân cho rằng, ngôi đền thiêng đã báo oán lên họ bằng những căn bệnh lạ là tư duy chung khi gặp những việc không thể hoặc chưa thể lý giải. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Đương nhiên, việc tìm rõ nguyên nhân bệnh tật, chặn đứng nó hay chí ít cũng đưa ra một giải pháp tình thế bằng kiến thức khoa học để cứu người dân là việc cần sớm làm ngay của các cơ quan chức năng.