Tròn một tuần kể từ khi xảy ra vụ va chạm tại ngã Cửa Nam mà cư dân mạng được “mục sở thị” qua clip do camera giao thông ghi lại. Vụ việc được quan tâm không chỉ liên quan đến một thiếu úy công an vượt đèn đỏ dẫn đến tai nạn mà tình huống còn quan tâm đến việc “người bị đâm” sẽ bị xử lý ra sao khi rời bỏ hiện trường vụ va chạm. Hàng trăm ý kiến bình luận về hướng xử lý khiến những người quan tâm đến vụ việc “lạc lối” trong xác định bản chất của vụ việc này.
Khoảnh khắc trước khi va chạm
Hiện người bị thiệt hại về sức khỏe sau vụ va chạm vẫn đang nằm viện, còn theo nguồn tin của PLVN, người lái chiếc xe ô tô đang bị Công an quận tạm giữ để điều tra. Việc tạm giữ đã được gia hạn và đây không phải là việc tạm giữ hành chính.Trong khi đó, những người quan tâm không thể biết đâu là đúng, sai khi nhiều bài báo và phát biểu liên quan đã làm “loạn” thông tin về vụ việc. Đặc biệt, có không ít bình luận, trong đó có ý kiến của luật sư gọi người lái xe ô tô là… người gây tai nạn.
Để làm rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ va chạm và đặc biệt phải dùng thuật ngữ pháp lý như thế nào để tránh làm “đảo điên” sự việc cũng như đảo lộn vai trò của những người liên quan, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng và Luật sư Trần Văn Toàn để giúp bạn đọc tìm đường ra và không bị “lạc lối” trong các quy định của pháp luật.
Loạn thuật ngữ, hiểu sự việc thế nào mới đúng?
|
Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, ông có nhận xét gì về các ý kiến của người dân và cả các luật sư khác bình luận về vụ việc
- Đây là một trong số ít vụ việc va chạm giao thông được ghi lại bởi camera giao thông để chúng ta có thể có chính kiến về tính đúng, sai của vụ việc. Nhưng đọc các bài báo, phát biểu liên quan, tôi thấy nhiều người sử dụng sai thuật ngữ pháp lý, dẫn đến hiểu sai bản chất sự việc và đưa ra các phán đoán không đúng về việc áp dụng pháp luật.
Trước tiên, đứng dưới góc độ phản ánh về vụ việc, chúng ta phải dùng thuật ngữ “vụ va chạm giao thông” thì mới nói lên bản chất của vụ việc. Vì xét cho cùng, đây là vụ va chạm giữa hai phương tiện đang tham gia giao thông.
Thứ hai, khi nói về vị trí, vai trò của từng cá nhân trong vụ va chạm này, cần phải xác định đúng với thực tế diễn ra và được camera ghi lại. Với người lái xe mô tô (Thiếu úy Lâm), phải sử dụng thuật ngữ “người gây ra va chạm” vì chiếc xe mô tô do anh ta điều khiển là phương tiện đã đâm vào chiếc ô tô. Đây là phương tiện va chạm ở thế chủ động, mặc dù người lái xe mô tô không cố ý. Về phía người lái xe ô tô, anh ta là người “bị va chạm” vì chiếc ô tô của anh ta bị va chạm ở thế bị động. Cách sử dụng ngôn ngữ như trên sẽ đảm bảo phản ánh đúng sự việc, không làm sai lệch so với thực tế.
Nhưng thực tế, người lái xe mô tô đang bị thiệt hại về sức khỏe và được coi là “bị hại” khi gia đình lái xe ô tô có ý bồi thường, theo ông thì trong vụ việc này, ai là bị hại?
- Trước hết, cần phải mô tả đúng sự việc xảy ra sau đó mới xem xét trách nhiệm của các bên liên quan, giống như cảnh sát giao thông lập biên bản hiện trường trước khi xác định lỗi của từng người liên quan. Việc sử dụng thuật ngữ để mô tả sự kiện pháp lý này chính là cách lập biên bản hiện trường bằng ngôn ngữ.
Sau khi xác định được vị trí của từng cá nhân trong vụ va chạm, chúng ta mới xác định lỗi của họ. Trong vụ việc này, theo Luật Giao thông đường bộ thì người lái xe mô tô đã phạm lỗi nghiêm trọng khi không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện tại nơi giao cắt có đèn tín hiệu giao thông. Theo đó, anh ta phải giảm tốc độ và dừng tại vạch sơn khi có đèn đỏ. Nhưng anh ta đã không thực hiện mà phóng nhanh tại nơi có giao cắt, không dừng khi có tin hiệu đèn đỏ. Đây là lỗi trực tiếp gây tai nạn. Vì thế, anh ta là người có lỗi, người gây thiệt hại. Đối với người điều khiển ô tô, anh ta thực hiện đúng quy tắc điều khiển phương tiện. Do đó, xét về lỗi dẫn đến tai nạn, người lái xe mô tô là người có lỗi và không phải người gây thiệt hại.
Về vai trò là bị hại, theo quy định của pháp luật dân sự thì trong vụ việc này, cả hai người điều khiển phương tiện đều là bị hại. Trong đó, người điều khiển mô tô bị thiệt hại cả về tài sản và sức khỏe. Cho nên, khi nói đến người bị thiệt hại, cần phải nhắc đến cả hai người tham gia giao thông này, chứ không phải riêng người bị thiệt hại về sức khỏe.
“Nguyên tắc” xe to đền xe bé bao giờ bị loại bỏ?
Thưa Luật sư Trần Văn Toàn, hiện nay lái xe ô tô đang bị tạm giữ để điều tra, theo ông các cơ quan tố tụng có cơ sở để khởi tố anh ta hay không?
Bản thân tôi cũng rất quan tâm đến điều này. Hiện nay, vụ việc đang được điều tra để xác định thêm các căn cứ giải quyết. Nhưng, theo tôi, với những gì đã xảy ra và được ghi nhận thì không có căn cứ xử lý hình sự đối với người lái xe ô tô.
Theo quy định của pháp luật, cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự là lỗi. Nhưng, trong việc va chạm này, người lái xe ô tô không có lỗi trực tiếp gây ra tai nạn. Nhìn vào hiện trường vụ việc được ghi lại bằng máy quay, có thể nói người lái ô tô đã đi đúng phần đường, đi đúng quy tắc điều khiển phương tiện tại nơi giao cắt có tín hiệu giao thông. Vì thế, hoàn toàn loại trừ lỗi của anh ta. Hơn nữa, lỗi trực tiếp gây tai nạn lại thuộc về lái xe mô tô. Do đó, tôi cho rằng, không có căn cứ nào để xử lý hình sự đối với lái xe ô tô về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, lái xe ô tô cũng có lỗi khi rời bỏ hiện trường vụ va chạm và có thể bị truy tố về tội không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Có một số ý kiến cho rằng, người lái xe ô tô phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, vì đã “bỏ trốn sau khi gây tai nạn”. Tôi cho rằng, vấn đề này cần phải được hiểu đúng để giải quyết đúng. Trong trường hợp này, người gây tai nạn là người có lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn, đó là lái xe mô tô chứ không phải là người lái ô tô. Do đó, việc cho rằng, lái xe ô tô là người gây tai nạn và phải bị xử phạt vì đã “bỏ trốn sau khi gây tai nạn” là cách hiểu không đúng bản chất của vụ va chạm cũng như không đúng bản chất của quy định này.
Pháp luật có quy định để ngăn chặn hành vi bỏ mặc người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đó là quy định tại Điều 102 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, một người chỉ phạm tội này nếu việc bỏ mặc đó gây hậu quả chết người và hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với việc bỏ mặc. Trong vụ việc này, hậu quả không xảy ra nên cũng không có cơ sở để xử lý hình sự lái xe ô tô về tội này.
Để có cơ sở xử lý người lái xe ô tô, theo tôi phải có hai cơ sở pháp lý quan trọng. Thứ nhất, anh ta phải có lỗi. Thứ hai, phải có quy định về việc xử lý “người bị gây tai nạn rời bỏ hiện trường” chứ không thể coi lái xe này là người gây tai nạn để áp dụng luật như một số ý kiến đã nêu.
Có ý kiến quan ngại rằng, hiện nay tình trạng xử lý các vụ va chạm giao thông đang thực hiện theo “nguyên tắc” xe to đền xe bé, ông có ý kiến gì về vấn nạn này?
- Đó là một thực trạng phổ biến trong cách giải quyết mang tính thỏa thuận giữa các bên liên quan trong vụ va chạm. Nhưng, việc giải quyết tùy tiện, không căn cứ quy định của pháp luật này cũng xảy ra trong tư duy và hành động thực tế của một số cơ quan có thẩm quyền.
Tôi cho rằng, đây là cách làm hết sức tùy tiện và không đúng pháp luật. Cần lấy “nguyên tắc lỗi” để làm cơ sở xử lý vi phạm. Cho dù tham gia giao thông bằng phương tiện hay chỉ là đi bộ mà vi phạm luật thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Trong vụ việc này, hãy căn cứ vào lỗi để xác định trách nhiệm đối với thiệt hại vật chất và sức khỏe của các bên trong vụ va chạm. Theo đó, người có lỗi dẫn đến tai nạn phải bồi thường. Đối với lái xe ô tô, đừng cố nghĩ ra lỗi để quy kết trách nhiệm của anh ta. Theo tôi, người bị gây tai nạn mà rời bỏ hiện trường, để mặc người bị tai nạn cho người khác cứu là lỗi về đạo đức chứ không có lỗi về pháp luật.
Xin cảm ơn các Luật sư!