Vụ tù oan 10 năm: Con trai nạn nhân bị giết bây giờ ra sao?

Lúc Đức vừa tròn 1 tuổi, mẹ Đức bị giết, rồi người ta tìm thấy Đức khi cậu bé đang bò trên bụng mẹ, mình dính đầy máu của mẹ.

Kể từ khi chị Nguyễn Thị Hoan bị giết, Nguyễn Văn Đức (con trai chị Hoan, nạn nhân trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn cách đây hơn 10 năm) trở thành trẻ mồ côi và chỉ biết nương tựa vào ông bà ngoại.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Sau ngày chị Hoan mất, ngôi nhà từng là tổ ấm của hai mẹ con chị được giao cho người em gái trông coi. Đức được ông bà ngoại đón về nuôi. Khi đó, mọi người trong nhà sợ những gì Đức phải chứng kiến sẽ khiến cậu bé bị ám ảnh suốt đời.

“Nghĩ đến hoàn cảnh cháu Đức lúc đó, bà con lối xóm ai cũng thương. Khi Đức mới lọt lòng, bố cháu ly hôn. Thế rồi hai mẹ con chuyển về đây mua đất làm nhà ở gần ông bà ngoại, mở cửa hàng tạp hóa bán hàng lặt vặt. Hàng thì cũng không bán được là bao nhiêu vì ở vùng nông thôn, mà thôn Me lại cách đến 3km so với trung tâm xã. Trong nhà cũng không có gì giá trị ngoài số vàng mà chị Hoan tích cóp nhiều năm, để dành sau này cho Đức đi học. Đức là niềm tự hào và là lý do sống duy nhất của chị Hoan, nào ngờ đâu lại xảy ra cơ sự đau lòng này", ông Nguyễn Văn Thọ (Trưởng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên) cho biết.

 Ngôi nhà của hai bà cháu Đức

Những ngày đầu về ở với ông bà, Đức vẫn thường hay khóc vì thiếu hơi mẹ và đói sữa. Ông bà ngoại và cô dì chú bác phải chạy đi khắp làng xin sữa cho cháu. Đức cũng được tập uống sữa tươi và sữa hộp thay cho việc bú sữa mẹ. Dù tuổi đã cao nhưng vì tương lai của cháu, ông bà ngoại Đức vẫn cố gắng làm lụng để có tiền nuôi dưỡng và cho cháu đi học. Vì hai ông bà Đức ít đất ruộng, gian hàng tạp hóa của chị Hoan cũng không còn buôn bán được gì kể từ sau ngày xảy ra thảm án kinh hoàng ấy, nên ông bà phải thay nhau đi làm thuê, bắt tôm bắt ốc đem ra chợ bán kiếm tiền nuôi cháu.

Đã hơn 10 năm trôi qua, bây giờ Đức đã là học sinh cấp 2. Vụ án cũng đã được làm rõ, hung thủ thật sự sẽ bị luật pháp trừng trị, nhưng nỗi đau mất mẹ chưa thể nào thôi ám ảnh Đức, dù tất cả trí nhớ của cậu về vụ án chỉ là qua sự thuật lại của những người hàng xóm.

Biết nương tựa vào ai?

Ông Thọ cho biết: "Hồi cuối năm ngoái, tầm vào giữa tháng 10, tôi còn nhớ hôm đó trời mưa rất to, ông ngoại cháu Đức đã ra đi sau khi ngã bệnh, để lại hai bà cháu với những gánh nặng mưu sinh giữa cuộc đời. Số tiền cháu Đức được nhận theo diện trẻ mồ côi, tiền “viện trợ” từ phía người cô ruột, anh em và sự đùm bọc của bà con lối xóm cũng chỉ đủ cơm rau cho hai bà cháu. Bà Hoàng Thị Hội (bà ngoại Đức-PV) mặc dù năm nay cũng đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn ra đồng làm lụng để kiếm tiền cho cháu mua sách vở và phụ thêm vào đồng cơm rau".

Ông Nguyễn Văn Thọ (Trưởng thôn Me, xã Nghĩa Trung) chia sẻ về hoàn cảnh gia đình cháu Đức.

Từ một cậu bé còn đỏ hỏn ngày nào, Đức giờ đây đã dần ý thức được mọi chuyện và cũng giúp được bà ngoại một số công việc trong nhà.

Nhắc đến hoàn cảnh của Đức, nhiều người xót xa. “Ở lứa tuổi của cháu, cái tuổi mà những đứa trẻ cùng trang lứa đang được bố mẹ bao bọc, chở che, thì hằng ngày, ngoài việc học hành, Đức phải làm những công việc tưởng chừng như rất khó với lứa tuổi của cháu. Cháu lớn lên với những ký ức về mẹ rất ít, chủ yếu là qua lời kể của ông bà và các cô bác hàng xóm", một người hàng xóm nhà chị Hoan nói.

"Hoàn cảnh gia đình bà Hội thuộc diện khó khăn trong thôn, hàng xóm thấy gia cảnh bà, lại càng thương cháu Đức. Cũng may cháu Đức ngoan nên ai cũng quý. Ngoài số tiền được anh em họ hàng giúp đỡ, hiện nay cháu Đức cũng đang được hưởng chế độ dành cho trẻ mồ côi", Trưởng thôn Me chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung) cho biết: "Lãnh đạo địa phương cũng đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện để cháu Đức bớt khó khăn, thiệt thòi. Bản thân cháu đã có số phận không may, khi gia đình lâm cảnh ly tán, phải sống nương tựa vào ông bà ngoại, ông ngoại thì mới mất. Mong sao các nhà hảo tâm giúp đỡ cháu nhiều hơn…".