Thương lái khắp nơi đổ xô về với mong muốn được “mục sở thị” và kiếm một khoản hời lớn từ món hàng khủng hiếm có này.
Truy tìm tung tích lượng trầm giá trăm tỷ
Xóm Mé (thôn Trằm Mé) như một hòn đảo nhỏ nằm giữa hai nhánh của dòng sông Son, mặc dù cách trở đò giang nhưng mấy ngày nay lại phải tiếp đón rất nhiều vị khách không mời mà “đến”. Ông lão lái đò sông Son nở nụ cười phấn chấn khoe: “Tui là người trong thôn, nhưng cũng mới chỉ nghe người ta truyền tai nhau về chuyện trúng trầm thôi. Nhưng những ngày sau đó, con đò ngang của nhà tui mần ăn ngon lắm, có ngày chở thương lái qua lại liền tay luôn đó.?”. Con đường bê tông nhỏ chạy ven sông dẫn chúng tôi đến xóm Mé, trên đường chúng tôi gặp không ít người dân nơi đây đang truyền tai nhau về câu chuyện rúng động cả tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, hai cha con ông Nguyễn Văn Truyền (48 tuổi - PV) ở xóm Mé, thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được cho là đã may mắn trúng một lượng trầm “khủng” ngay trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Sau vài ngày âm thầm gùi hàng về, cha con ông Truyền đã không giấu nổi sự tò mò của những người dân trong vùng.
Sau khi sự việc động trời này bị bại lộ, những người dân xóm Mé cũng như khu vực xung quanh đã tìm được địa điểm khu vực trúng trầm của cha con ông Truyền. Ngay lập tức họ kéo nhau vào rừng và mót những mẩu trầm còn sót lại. Nghe tin này, hàng trăm lái trầm khắp nơi đã đổ về Trằm Mé mấy ngày qua để làm giá, xem hàng của cha con ông thợ rừng may mắn.
Anh H., một người hàng xóm của cha con ông Truyền thì thầm: Cách đây gần một tuần, cha con ông Truyền vào một khu rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (cách thôn Trằm Mé khoảng 3 giờ đi bộ - PV) đốn gỗ về làm nhà thì may mắn gặp một cây trầm đã héo hon. Biết đã gặp trầm quý, hai cha con ông Truyền lặng lẽ khai thác và gùi mất hai ngày, hai đêm mới đưa hết số trầm nói trên về nhà. Trong quá trình khai thác, cha con ông người thợ rừng may mắn này lại tiếp tục phát hiện ra một cây trầm khác còn sống, cách cây trầm kia không xa. Sau khi khai thác xong, ông Truyền đã phải thuê xe công nông mới đưa về hết được. Riêng cây trầm sinh này, sau khi khai thác, cha con ông Truyền đã phải thuê một chuyến xe ô tô và công nông mới đưa về được.
Một người dày dạn kinh nghiệm “ăn” trầm ở Quảng Bình cho biết: “Không phải bất kỳ thân cây gió nào cũng có trầm hương và kỳ nam. Chỉ một số cây gió có bệnh hoặc bị thương do thiên tai mới chứa loại nguyên liệu quý này ở phần lõi của thân. Xung quanh kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều, đó chính là trầm hương. Trầm hương và kỳ nam đều ở lõi cây gió do tích tụ nhiều hay ít tinh dầu, cho nên nếu không sành sỏi dễ bị nhầm lẫn khi mua. Kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho, đặc biệt nó có ý nghĩa tâm linh rất to lớn, thường được dùng để làm bùa bảo vệ sức khỏe, tránh tai ương nên có những thời điểm giá của nó được đẩy lên tận mây xanh”. Nhiều người dân trong vùng cho rằng thứ mà cha con ông Truyền vừa trúng chính là kỳ nam, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều lái trầm tìm mọi cách để có được số hàng khủng này.
Anh Nguyễn Văn T., một thợ rừng khá nổi tiếng ở Trằm Mé chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của cha ông mà từ lâu cánh thợ rừng chúng tôi áp dụng trong việc săn trầm là khi nào gặp những cây gió cao chừng 30 - 40 mét trở lên, lá đã vàng và nhỏ sái dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kiến, hoặc gốc có gò mối đóng thì cây gió đó có kỳ nam và trầm hương. Khi gặp cây gió như vậy thợ rừng phải hạ cây, đào tận rễ để tìm kiếm, vì loại hàng quý này có thể nằm trên ngọn, ở thân hoặc ở rễ. Khi gặp những cây gió còn non người ta thường dùng dao lụi vào thân cây thành những vết thương và theo dõi nhiều năm sau để lấy trầm - kỳ”.
Gương mặt phấn chấn vì mấy ngày khách qua lại nườm nượp, ông lão lái đò sông Son cho biết: “Mấy ngày nay, ngoài đám thương lái đi săn hàng để ra giá, người dân quanh vùng này cũng kéo về đây đông lắm. Họ cũng theo chân cha con ông Truyền để đi vét sái trầm, nghe đâu có người bới rễ cây lên còn kiếm được cả cục lớn trị giá đến trăm triệu đấy các chú ạ”.
Mặc dù tin cha con ông Truyền trúng trầm đã trôi qua gần tuần nay nhưng người dân Trằm Mé vẫn không ngừng truyền tai nhau về lượng hàng khủng mà ông này đang cất giữ. Người ta đồn rằng có một nhóm lái trầm nổi tiếng vùng Phong Nha – Kẻ Bàng đã chung vốn lại với nhau để được xem hàng khủng. Tuy nhiên, do trong một thời gian ngắn nên nhóm này mới chỉ gom được 50 tỷ đồng nên ông Truyền không cho xem, chủ nhân của món hàng ra giá 100 tỷ để xem một nửa hàng.
Ông Nguyễn Công Trứ, chủ tịch UBND xã Sơn Trạch
Hay cú lừa ngoạn mục?
Kể từ ngày tin đồn nổ ra, gia đình ông Nguyễn Văn Truyền luôn đóng cửa im ỉm suốt ngày đêm. Nhiều người trong thôn Trằm Mé cho rằng, tin đồn dù có thật hay không, nhưng ông Truyền sợ liên lụy nên đã đến nhà người thân ở nơi khác để tá túc. “Có thể ông Truyền đang cất giấu một lượng trầm lớn, có giá trị, sợ bị bọn xấu bắt cóc, tống tiền nên tạm thời phải lánh khỏi địa bàn để chờ khách giao dịch và nghe ngóng tình hình ở nhà”, một người hàng xóm của gia đình ông Truyền thầm thì.
Có mặt tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, chúng tôi ghi nhận các lực lượng chức năng ở đây được huy động khá đông và đang khẩn trương kiểm soát các ngõä ra vào cửa rừng. Ông Đặng Đình Hà, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết: “Việc người dân trúng trầm có hay không và số lượng bao nhiêu thì hiện nay chúng tôi chưa xác định được. Lãnh đạo vườn chúng tôi nhận được thông tin này từ hôm 7/5, ngay lập tức chúng tôi đã cho một tổ công tác của lực lượng kiểm lâm vào xem xét tại hiện trường. Tại đây, anh em đã phát hiện ra có hai cái hố nghi là dấu vết của việc đào cây và hiện nay tổ công tác đang làm báo cáo lên lãnh đạo. Mặt khác, chúng tôi thành lập thêm một tổ khác trực tiếp về thôn Trằm Mé để tìm hiểu các thông tin liên quan. Lãnh đạo vườn cũng đã có các cuộc họp nhằm phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm soát tình trạng người dân đổ xô vào rừng tìm trầm”.
Ai được lợi khi tung tin thật - giả?
Mặc dù tình hình đã được kiểm soát, tình trạng người dân vào rừng mót trầm đã không còn nhưng những câu chuyện xung quanh vụ ông Truyền trúng trầm vẫn là một đề tài rất nóng hổi với người dân quanh vùng. Có người còn cho rằng đây có thể là một vụ lừa đảo ngoạn mục của một nhóm người săn trầm chuyên nghiệp ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Để có những thông tin chính xác hơn về tin đồn rúng động dư luận này, chúng tôi đã tìm về thôn Trằm Mé, nơi gia đình ông Nguyễn Văn Truyền sinh sống. Phát hiện người lạ, biết chúng tôi đi tìm thông tin về trầm hương, một người đàn ông tên Tiến (trạc chừng 45 tuổi), ở cách nhà ông Truyền không xa cho biết: “Tin đồn việc nhà ông Truyền trúng trầm là không có mô các chú ạ, chúng tôi là người dân ở đây mà cũng chưa được may mắn nhìn thấy, thế mà người ta đã xôn xao là có trầm trăm tỷ”.
Theo ông Tiến thì đây có thể là kế hoạch lừa đảo rất ngoạn mục và chỉn chu của một nhóm thợ rừng ở Minh Lệ thuộc xã Quảng Minh (Quảng Trạch). “Biết được giá trị to lớn của trầm nên chúng đã tung ra tin đồn để đánh lừa thương lái. Chiều tối ngày 5/5, nhóm phu trầm này đã đi thuyền qua sông Son vào thôn Trằm Mé, trên tay có cầm nhiều khúc gỗ giống như trầm kỳ và tung tin với người dân rằng vừa “ăn” được một lượng trầm rất lớn, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Một đồn mười, cái tin đó được lan truyền rất nhanh và không lâu sau đã đến tai các thương lái quanh vùng. Nghe tin có hàng “khủng”, các thương lái đã đổ xô về Trằm Mé để mục sở thị và trả giá”.
Đang điều tra làm rõ Ông Nguyễn Công Trứ, chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: “Tin đồn về việc có người ở thôn Trằm Mé đào được trầm đã làm cho sinh hoạt của người dân trong vùng bị đảo lộn. Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ tin đồn này để sớm ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân”. |