Biện hộ cho hành động đem giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc ngang ngược nói quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ nước này, đồng thời khẳng định Bắc Kinh có quyền khoan dầu tại vùng biển xung quanh quần đảo này.
Tuy nhiên, Asahi Shimbun chỉ ra rằng vùng biển mà giàn khoan Trung Quốc đang hoạt động là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. “Hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được”, tờ báo Nhật bình luận.
Đề cập về cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Asahi Shimbun nhận xét đường phân chia ranh giới trên biển do Bắc Kinh đơn phương thiết lập này là mơ hồ về bản chất và vi phạm luật pháp quốc tế.
Chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã thông qua một quy định phi lý vào tháng 11/2013, yêu cầu tất cả các tàu đi vào vùng biển mà chính quyền Hải Nam gọi là vùng hành chính mới, vốn bao trùm 2/3 diện tích biển Đông, phải xin phép Trung Quốc. Quy định này được cho là có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, theo Reuters.
“Có vẻ như Trung Quốc đang cố tích lũy một loạt những việc đã rồi có liên quan đến các tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trong phạm vi của đường lưỡi bò”, Asahi Shimbun đánh giá.
Được biết, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới, gồm Mỹ, Nhật, Singapore và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án hành động ngang ngược này.
Báo Hồng Kông: Trung Quốc nên xem lại ‘đường lưỡi bò’
South China Morning Post, trang tin tức trực tuyến hàng đầu của Hồng Kông, vào cuối tháng 4 đã dẫn bài phân tích về “đường lưỡi bò” của phó giáo sư Mike Rowse tại Trường đại học Hồng Kông.
Ông Rowse cho rằng ngay cả các nước đồng minh và bè bạn của Trung Quốc cũng không dám đoan chắc về tính đúng đắn của “đường lưỡi bò”.
“Tại sao có quá nhiều quốc gia, bao gồm cả những nước mà chúng ta coi là bè bạn, cương quyết phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc?”, ông Rowse đặt vấn đề.
Vị phó giáo sư này còn nhấn mạnh: “Câu hỏi cần được đặt ra ở đây là: Liệu có phải ý định thực sự của chúng ta là thực thi các tuyên bố chủ quyền của chúng ta tại tất cả các quần đảo (ở biển Đông) bằng vũ lực như cách chúng ta đã từng làm đối với Hoàng Sa hay không? Có phải những tuyên bố của các nước khác - gồm bạn bè và láng giềng của ta - đều không có giá trị pháp lý nào? Phải chăng không hề có giải pháp hòa bình nào để giải quyết các khác biệt này?”.
“Đặc khu Hồng Kông chưa từng có ý kiến trong các vấn đề ngoại giao vì đây là việc của chính quyền trung ương. Nhưng người dân Hồng Kông thực sự quan tâm đến cách giải quyết tranh chấp và rất mong muốn được thấy một kết quả hòa bình”, ông Rowse kết luận.