Hơn một tuần sau khi xảy ra vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia tại khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine khiến toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay thiệt mạng, công tác điều tra vẫn gặp nhiều khó khăn, trong khi các bên tiếp tục đổi lỗi cho nhau gây ra thảm kịch này.
Ai sẽ thủ phạm gây ra cái chết của gần 300 con người và phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này là câu hỏi mà dư luận cần câu trả lời. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế có thể sẽ khó có lời giải đáp cho những thắc mắc này.
Mặc dù Chính phủ Malaysia đã đạt thỏa thuận với phe ly khai ở miền Đông Ukraine cho các nhóm quốc tế đến hiện trường MH17, song nhóm cảnh sát Hà Lan và Australia hôm qua đã buộc phải hủy kế hoạch tới hiện trường do lo ngại an toàn khi các cuộc không kích dữ dội của quân đội Ukraine làm rung chuyển những thị trấn sát khu vực.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm qua (28/7) ở Kiev, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hy vọng: “Chúng tôi đang tìm kiếm sự bảo đảm rằng sẽ không có hành động quân sự nào khi chúng tôi thực hiện sứ mệnh nhân đạo và họ sẽ phải tuân theo nghị quyết của Hội đồng bảo an về ngừng bắn trong khu vực hiện trường. Chúng tôi biết có một khu vực bị cấm ra vào và hy vọng khu vực này sẽ tiếp tục được duy trì và một lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi để chúng tôi có thể thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết các chuyên gia của tổ chức này đi theo nhóm cảnh sát của Hà Lan và Australia đến hiện trường vụ rơi máy bay đã buộc phải quay lại Donetsk vì “lý do an ninh”. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời cảnh sát Australia cho biết “có một thực tế rằng không phải tất cả các thi thể nạn nhân vụ rơi máy bay MH17 sẽ được tìm thấy”. Các chuyên gia pháp y cho biết việc chậm trễ tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường do phiến quân kiểm soát, thì việc tìm thấy những thi thể nạn nhân còn lại thật sự khó khăn.
Trong khi đó, người đứng đầu nhóm tìm kiếm nạn nhân của Hà Lan, ông Pieter-Jaap Aalbergberg bày tỏ quyết tâm sẽ tìm kiếm thi thể của các nạn nhân còn lại mặc dù tình hình rất khó khăn do giao tranh ở khu vực gần hiện trường vụ rơi máy bay.
Ông Aalbergberg nói: “Nếu các chuyên gia tìm được các phần thi thể còn lại, chúng tôi sẽ sử dụng một chuyến tàu đông lạnh gần Torez để vận chuyển. Nếu vì một lý do nào đó mà tàu không thể đến được, chúng tôi sẽ tìm phương tiện vận chuyển khác. Chúng tôi sẽ không để lại bất kỳ phần thi thể nào của các nạn nhân ở lại”.
Hiện Malaysia vẫn đang đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà điều tra quốc tế. Khu vực ngừng bắn bao gồm cả hiện trường vụ thảm kịch có bán kính 40 km.
Trong khi một cuộc điều tra quốc tế với sự tham gia tích cực của các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay vẫn đang được khẩn trương tiến hành, thì các bên tại Ukraine tiếp tục buộc tội nhau gây xung đột, cản trở việc tiếp cận hiện trường.
Chính quyền Kiev còn cáo buộc phiến quân “phá hủy bằng chứng” trong khi phe nổi dậy nói rằng, quân đội Ukraine nhằm vào mục tiêu dân thường. Chính phủ Ukraine hôm qua thừa nhận tiếp tục tấn công nhằm đánh bật lực lượng ly khai, nhưng bác bỏ cáo buộc không kích gần địa điểm vụ tai nạn. Bên cạnh đó là việc phương Tây đổi lỗi cho Nga “dính líu” đến vụ rơi máy bay trên bầu trời Ukraine và đang gia tăng sức ép và mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga cho dù chưa có bất kỳ kết luận nào của nhóm điều tra quốc tế.
Trong một tuyên bố đầu tiên liên quan trách nhiệm của các bên trong việc để xảy ra vụ rơi máy bay trên không phận ở miền Đông Ukraine, Malaysia cho rằng chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm về thảm kịch rơi máy bay MH17. Trong một bài viết đăng trên tờ Lianhe Zaobao của Singapore, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai viện lý do là chính các kiểm soát viên không lưu Ukraine đã cho phép máy bay MH17 bay qua không phận của nước này vào ngày 17/7.
Các kiểm soát viên không lưu của Ukraine đã không thông báo cho phi hành đoàn rằng họ không được phép bay trong khu vực chiến sự. Bình luận về thông tin đăng tải trên truyền thông Mỹ cho rằng phe ly khai thân Nga ở Ukraine đã thừa nhận bắn hạ MH17, ông Liow Tiong Lai cho biết, cần thêm thời gian để xác nhận thông tin.
Theo lời của người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (UNHCR), bà Navi Pillay, “việc bắn hạ máy bay MH17 “có thể cấu thành tội ác chiến tranh”. Bà cho biết “mọi nỗ lực đang được thực hiện nhằm đảm bảo bất kỳ ai vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có tội ác chiến tranh, sẽ bị đưa ra trước công lý”.