Vụ QZ8501: Máy bay đã cất cánh trái phép!

Tổng cục trưởng Cục vận tải hàng không Indonesia cho biết, chuyến bay QZ8501 của AirAsia đã không được cấp phép hoạt động trong ngày mà nó gặp tai nạn.
Trong buổi họp báo sáng ngày 3/1, Tổng cục trưởng Cục vận tải hàng không Indonesia, ông Djoko Murjatmodjo cho biết, các tàu tham gia chiến dịch tìm kiếm chuyến bay QZ8501 mất tích đã phát hiện thêm 2 mảnh vỡ có kích thước lớn được cho là từ thân của chiếc Airbus A320-200 của AirAsia. Trước đó, đội tìm kiếm cũng tìm thấy mảnh vỡ được cho là đuôi của máy bay.
 

Tính đến ngày 3/1/2015, hơn 30 thi thể của hành khách trên chuyến bay QZ8501 đã được nhận diện.

 

Cũng trong buổi họp báo này, ông Djoko Murjatmodjo tiết lộ thông tin, chuyến bay QZ8501 được cấp phép bay tuyến đường Surabaya-Singapore 4 chuyến mỗi tuần nhưng trong ngày xảy ra chuyến bay định mệnh cướp đi sinh mạng của 162 người, lịch trình bay không có tên QZ8501.

Hiện nay, giấy phép thực hiện đường bay này của AirAsia đã bị “đóng băng” cho đến khi kết thúc các cuộc điều tra, ông Djoko Murjatmodjo cho biết thêm.

Trong một thông cáo khác, người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải Indonesia, JA Barata cho biết, AirAsia đã không được cấp phép thực hiện chuyến bay Surabaya-Singapore vào hôm Chủ Nhật tuần trước (28/12) và cũng không bị yêu cầu thay đổi lịch bay.

Điều đáng nói là: Vậy tại sao AirAsia vẫn có thể thực hiện chuyến bay đó mà không có sự can thiệp nào của nhà chức trách?

Người đứng đầu chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ Indonesia Bambang Soelistyo cho biết thêm, sau khi phát hiện 2 mảnh vỡ lớn được cho là từ thân của chiếc máy bay ở độ sâu chừng 30m, nhà chức trách hy vọng sẽ sớm tìm thấy hộp đen của chuyến bay QZ8501 từ đó sớm có thêm đầu mối để biết được nguyên nhân gây ra tai nạn.

Ông Bambang Soelistyo nói với các phóng viên ở Jakarta rằng, đội tìm kiếm đa quốc gia đã tìm thấy những mảnh vỡ này từ đêm hôm thứ Sáu.

“Cùng với việc phát hiện ra vết dầu loang và 2 mảnh vỡ lớn, có thể nói rằng một phần của chiếc máy bay AirAsia đã được tìm thấy”, ông Soelistyo nói.
 
Mảnh vỡ lớn nhất có kích thước 10 x 5 m.
 
Máy bay đã cất cánh trái phép!

AirNav – Cơ quan kiểm soát không lưu Indonesia cho biết thêm, trước khi cất cánh, phi công của chuyến bay QZ8501 đã đề nghị được bay ở độ cao lớn hơn thông thường nhằm tránh một cơn bão nhưng yêu cầu này đã không được chấp thuận bởi có một số chuyến bay khác ở độ cao đó, cùng thời điểm đó.

Trong cuộc đàm thoại cuối cùng với mặt đất trước khi mất liên lạc, viên phi công cũng đã đề nghị được thay đổi đường bay để tránh bão.