Vụ nước Sông Đà bị ô nhiễm: Kẻ “đầu độc” nguồn nước đối mặt hình phạt nào?
Thứ sáu, 18/10/2019 08:06

Các luật sư phân tích hình phạt đối tượng gây ô nhiễm nước Sông Đà sẽ phải đối mặt và việc người dân cần làm gì để được bồi thường.

Kẻ gây ô nhiễm đối mặt hình phạt 7 năm tù

Tại buổi họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TP.Hà Nội chiều 17/10, ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Hoà Bình cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10/2019, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự.

Hình ảnh nguồn nước tại con suối Khại, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình
nhiễm bẩn. Ảnh chụp sáng 14/10.

Theo ông Thư, sáng 9/10, công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Sau đó, lực lượng chức năng kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm (hay còn gọi là suối Khại).

Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. Công ty nước sạch sông Đà đã thông báo tới công an xã Phúc Tiến, công an huyện Kỳ Sơn ngay trong chiều 9/10.

Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xuống hiện trường thu thập tài liệu, đồng thời xác minh truy xét, truy tìm đối tượng đổ trộm thải để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo Nhà máy nước sạch sông Đà khắc phục chất thải tồn đọng.

Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, theo quy định tội “Gây ô nhiễm môi trường”, người phạm tội này nhẹ nhất sẽ bị phạt 50 triệu đồng, nặng nhất sẽ bị phạt tù 7 năm tù giam nếu bị xác định là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

“Việc gây ô nhiễm nước Sông Đà đã làm ô nhiễm nguồn nước sạch cấp cho hàng chục nghìn người dân Thủ đô Hà Nội, gây gián đoạn việc cấp nước, khiến hàng chục nghìn người không có nước sinh hoạt, cuộc sống đảo lộn, có gia đình phải sơ tán về quê vì không có nước sử dụng, chưa kể việc sử dụng nguồn nước không đạt chất lượng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Tôi cho rằng, việc đổ dầu gây ô nhiễm nguồn nước đầu vào nhà máy nước sạch Sông Đà đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng phạm tội sẽ đối mặt với hình phạt cao nhất ở tội danh này”, luật sư Kiên nhận định.

Đồng quan điểm với luật sư Kiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng, ngoài việc xử lý hình sự đối với đối tượng đổ dầu gây ô nhiễm nguồn nước thì cơ quan điều tra cũng cần xem xét trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước không đảm bảo chất lượng cho người dân TP.Hà Nội.

“Tôi cho rằng, trong trường hợp Công ty nước sạch Sông Đà biết nguồn nước bị nhiễm dầu, chất lượng có thể không đảm bảo mà vẫn cung cấp cho người dân sử dụng thì cơ quan điều tra cũng phải xem xét xử lý hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Rõ ràng nguồn nước sạch Sông Đà không đảm bảo chất lượng đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân Hà Nội, khiến cuộc sống người dân đảo lộn”, luật sư Tuấn Anh nói.

Người dân làm gì để được đền bù thiệt hại?

Về việc bồi thường thiệt hại cho người dân sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: Theo thông tin báo chí cung cấp, Công ty nước sạch Sông Đà là đơn vị sản xuất nhưng không trực tiếp phân phối nước mà thông qua các công ty nước sạch như Công ty cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông, Công ty Ngọc Hải, Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và Công ty cổ phần phát triển Tây Hà Nội.

Vì vậy, trong trường hợp người dân muốn đền bù thiệt hại thì có thể yêu cầu đơn vị trực tiếp ký hợp đồng cung cấp nước cho mình phải đền bù thiệt hại do việc sử dụng nước bẩn, không có nước sinh hoạt.

“Theo quy định pháp luật, về nguyên tắc hành vi có lỗi gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Trong vụ việc nước Sông Đà bị ô nhiễm người dân cần thống kê những thiệt hại như: Chi phí để sửa chữa, khắc phục sự cố, tiền thay lõi lọc, sửa chữa xục rửa đường ống, tiền mua nước bổ sung để sinh hoạt, tiền thăm khám cứu chữa...”, luật sư Tuấn Anh nói.

Theo luật sư Tuấn Anh, để được bồi thường người dân cần chứng minh yếu tố lỗi của bên cung cấp nước ví dụ chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 41/2018 về tiêu chuẩn nước sạch; cam kết về chất lượng nguồn nước theo hợp đồng cung cấp nước, những kết luận của cơ quan có thẩm quyền để xác định lỗi của bên đơn vị cung cấp nước…

“Các hộ dân cần thống kê những thiệt hại thực tế của gia đình mình và yêu cầu đơn vị cung cấp nước, bồi thường. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với mức bồi thường và phương thức thanh toán, người hộ dân có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”, luật sư Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh, việc khởi kiện này lại vô cùng khó khăn, phức tạp và kéo dài. Đầu tiên là việc chứng minh thiệt hại, tiếp đến là việc tập hợp, chứng cứ, tài liệu, hóa đơn… chứng minh thiệt hại của người dân khó khăn.

“Việc chứng minh thiệt hại của mỗi gia đình tôi cho rằng rất khó khăn, ví dụ việc người dân mua nước sạch để sử dụng trong thời gian nước Sông Đà bị nhiễm bẩn phải giữ hóa đơn, chứng từ mua bán hoặc nếu sức khỏe gặp vấn đề phải chứng minh là do sử dụng nguồn nước bẩn.

Tuy nhiên, nếu người dân tập hợp lại, cử ra người đại diện để làm việc với đơn vị cấp nước thì việc đòi bồi thường sẽ khả quan hơn”, luật sư Tuấn Anh nói.

 
Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Vụ nước Sông Đà bị ô nhiễm , nước sông đà ô nhiễm , ô nhiễm nguồn nước