Cũng theo ý kiến độc giả ông Nguyễn Thanh Chấn không dại gì nhận tội giết người để vào tù và càng không thể ra tay nghĩa hiệp để giúp hung thủ thật sự mà mình không hề quen biết thoát tội…
Phủ nhận là chuyện thường
Theo luật thì khi có án oan, cơ quan thẩm quyền phải điều tra lại, trong đó có việc yêu cầu các điều tra viên tường trình, báo cáo lại vụ việc. Có điều ai cũng hiểu việc này khó thu được kết quả, bởi không ai dại gì khai nhận mình làm sai, mà ở một vụ án nghiêm trọng trọng như vụ ông sai của ông Chấn.
Rất đông bạn đọc đã nhìn nhận như vậy và không bất ngờ trước việc tất cả các điều tra viên tham gia điều tra, hỏi cung ông Phạm Thanh Chất phủ nhận đánh đập, ép cung.
Vấn đề đặt ra là không ép cung thì là cái gì? Bạn đọc Đào Trọng Đạt đặt vấn đề: “Một là ông Chấn khai gian, hai là 6 điều tra viên nói dối. Chắc mọi người cũng tìm được câu trả lời”. Còn theo lập luận của bạn đọc Anh Quân: “Ông Chấn không thể tự nhiên thích vào tù nên thừa nhận tội giết người. Ngay cả ông cũng không thể ra tay nghĩa hiệp cứu hung thủ thực sự mà mình không hề quen biết...”.
Nhiều bạn đọc cho rằng việc có thừa nhận hay không chuyện ép cung của các điều tra viên là cực kỳ quan trọng bởi nó tác động rất lớn đến trách nhiệm của các cá nhận, tập thể liên quan.
Về việc này, bạn đọc Đỗ Quang Đán phân tích: “Điều tra sai, kéo theo tố tụng sai, rồi xét xử sai là dễ hiểu! Vụ ông Chấn bị xử oan, dù có bức cung hay không cũng là cả chuỗi cái sai nối nhau của các cơ quan thực thi pháp luật ở Bắc Giang 10 năm trước”.
Bộ Công an nên vào cuộc
Cân nhắc trên các khía cạnh pháp lý, nhất là trong khi vụ án đang điều tra lại theo hướng tái thẩm, chưa thể vội vàng kết luật các điều tra viên ép cung. Ngay cả ông Chấn đến thời điểm này vẫn chưa thể kết luận là ông vô tội để từ đó đưa ra những nhận định sai, quy kết trách sai phạm, trách nhiệm cá nhân, tập thể các cơ quan tham gia tố tụng.
Do vậy, rất nhiều bạn đọc đề nghị các cơ quan thẩm quyền khẩn trương làm sáng tỏ vụ việc. “Vụ này mà xử không công bằng thì mất lòng dân”. “Nên làm sáng tỏ vụ này thì nhân dân mới cảm thấy an lòng”. “Nếu vụ ông Chấn làm không đến nơi đến chốn thì còn tiếp tục những vụ như ông Chấn nữa”… Rất đông bạn đọc bày tỏ đã chia sẻ ý kiến như thế.
Theo bạn đọc, để làm sáng tỏ vụ việc này trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Bộ công an nên vào cuộc thay vì để công an Bắc Giang điều tra lại. Đồng tình với kiến nghị này, một đảng viên, nhà giáo đã nghỉ hưu kỳ vọng: “Vụ việc đau lòng đã xảy ra rồi. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt để Đảng và nhà nước ta xiết lại bộ máy của mình và lấy lại lòng tin đối với nhân dân!”.
“6 điều tra viên không đánh đập, ép cung ông Chấn. Vậy các ông dùng lý lẽ gì mà từ người không giết người lại nhận mình là người giết người? 6 ông điều tra viên hãy làm bản tường trình lại quá trình mà các ông bảo không dùng nhục hình với ông Chấn”– bạn đọc yên Định. “Hãy dũng cảm nói lên sự thật! Chỉ khi nói lên được sự thật thì anh mới thấy lòng mình thanh thản, lương tâm đỡ bị cắn rứt về sau! Chắc các anh cũng hình dung được tình cảnh của một người bị tù oan trong 10 năm nó đau khổ, ê chề như thế nào rồi?” – bạn đọc Hoài. “Vụ này không làm đến nơi đến chốn thì chuyện ép cung nó mãi mãi tồn tại, oan sai còn nối dài dài” – bạn đọc Nguyễn Văn Hiệp “Ở phiên tòa nào ông ấy cũng phản cung, kêu oan. Hơn nữa, khi buộc phải chấp hành án, ông Chấn và gia đình ông ta luôn có đơn kêu oan. Điều đó chứng tỏ quá trình điều tra, tố tụng và xét xử ông ta tội giết người là có vấn đề. Bây giờ kẻ phạm tội thực sự giết người đã ra đầu thú, càng chứng tỏ sai phạm của các nhân viên điều tra, tố tụng và xét xử vụ án này là có thật, không thể chối cãi." - Bạn đọc Trần Hùng. |