“...Giải thích cho việc thời gian gần đây không đưa tiền cho vợ như trước, anh này cho rằng có phát hiện vợ tham gia... lô đề (?). Bên cạnh đó, việc nghèo túng, con bệnh cũng là nguyên nhân khiến người vợ hành động thiếu suy nghĩ...”. Đây mới chỉ là vài lời khai ban đầu của người chồng. Sự thật của câu chuyện thương tâm này vẫn nằm trong bức màn bí ẩn. Nhưng có một sự thật đau đớn: Hai đứa trẻ bị tước đoạt mạng sống một cách oan khuất. Dù sao đi nữa thì tội lỗi vẫn là của người lớn!
Quyết định dại dột của người mẹ
Khoảng 11h ngày 28/6, anh Lý Kỷ Luật (ngụ tại phòng trọ E14/328A QL 50, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đi làm ca đêm tại một cơ sở massage tại TP.HCM về, gọi vợ con mở của nhưng không được. Nghi có chuyện chẳng lành, anh gọi một số người hàng xóm cùng nhau phá cửa.
Khi phòng trọ mở toang, tất cả đều chết lặng với cảnh tượng hãi hùng bên trong. Căn phòng vương vãi đồ chơi trẻ em và những tấm hình cưới bị cắt vụn. Hai đứa trẻ con anh Luật gồm bé gái Lý Nhã Yến (3 tuổi) và bé trai Lý Hiền Bảo (2 tuổi) đã chết từ lúc nào. Chị Võ Thị Tuyết Nga (26 tuổi, vợ anh Luật) cũng đã chết trên sợi dây treo cổ. Ngay sau đó, CA huyện Bình Chánh và CA TP.HCM đã có mặt để khám nghiệm hiện trường.
Những người đầu tiên tham gia phá cửa cùng anh Luật cho biết, căn phòng trước đó được khóa cửa từ bên trong, không có dấu hiệu đột nhập kẻ lạ. Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra CA huyện Bình Chánh, nhiều khả năng đây là vụ mẹ giết hai con rồi tự tử. Bởi qua khám nghiệm hiện trường thì trên cổ hai nạn nhân Yến, Bảo có vết bầm. Có thể, hai đứa con xấu số này đã bị mẹ siết cổ đến chết. Ngoài ra, một con dao cũng được tìm thấy tại hiện trường.
Cũng theo nhận định của cơ quan điều tra, nhiều khả năng vụ việc kinh hoàng trên phát sinh từ mâu thuẫn vợ chồng giữa anh Luật và chị Nga. Người dân sống xung quanh kể lại, đôi lần trước đó, họ thấy vợ chồng này có xảy ra xích mích, lời qua tiếng lại. Tuy nhiên, ho chưa từng thấy cảnh vợ chồng anh Luật, chị Nga tranh cãi nghiêm trọng đến mức xô xát.
Trao đổi với một vài người dân sống cạnh nơi ở của gia đình anh Luật, chị Nga, bà Trần Thị Muỗi, chủ nhà trọ cho biết, chị Nga không có công việc bên ngoài, chỉ ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm con. Tại địa phương, gia đình này thuộc diện khá khó khăn do nguồn thu nhập duy nhất là từ công việc bảo vệ của anh Luật. Hơn nữa, bé Hiền Bảo còn mang bệnh nặng.
Một người hàng xóm nhà chị Nga khẳng định: “Tôi bị sốc khi biết tin chị Nga tự tay giết hai con rồi tự tử bởi nó vốn là đứa hiền lành. Nhìn cảnh hai cháu nằm sóng soài dưới đất, tôi vừa giận, vừa thương cho mẹ con nó. Cách đây mấy hôm, Nga có than thở với tôi về những khó khăn hiện tại. Nó bảo bế tắc quá. Tôi nghe thì nghe vậy, ai ngờ…”. Đêm trước khi xảy ra vụ việc, người em trai tên Q. của chị Nga nhận được tin nhắn của chị với nội dung: “Chị có chuyện gì thì nhờ em chăm sóc bố mẹ”.
Thi thể các cháu được đưa đi và nỗi đau tột cùng của người thân các nạn nhân.
Mọi thông tin bên lề tại hiện trường đều xoay quanh mâu thuẫn vợ chồng giữa anh Luật, chị Nga. Song, chưa ai dám khẳng định chắc chắn về nguyên nhân cái chết của ba mẹ con chị Nga. Câu trả lời vẫn còn đợi từ phía anh Luật.
Thông tin bất ngờ từ lời khai của người chồng tại cơ quan điều tra
Sau khi vụ việc xảy ra, anh Lý Kỷ Luật đã được Công an huyện Bình Chánh triệu tập để lấy lời khai. Tại đây, người chồng này khẳng định đã nảy sinh nhiều xích mích trong một thời gian khá dài về nhiều vấn đề. Nổi bật trong đó là việc chị Nga không hài lòng chuyện anh này chưa chu cấp đủ về mặt tài chính để nuôi con. Tại cơ quan điều tra, giải thích cho việc thời gian gần đây anh không đưa tiền cho vợ như trước, anh này cho rằng có phát hiện vợ tham gia… lô đề (?). Bên cạnh đó, việc nghèo túng, con bệnh cũng có thể là nguyên nhân khiến người vợ hành động thiếu suy nghĩ.
Cơ quan điều tra Công an huyện Bình Chánh sau khi xác minh rõ nguồn tin và khám nghiệm hiện trường, giám định tử thi, đã khẳng định nguyên nhân của ba cái chết đau lòng là do chị Nga siết cổ hai con rồi tự tử. Do đó, họ sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Vụ việc chính thức khép lại.
Tuy nhiên, việc chị Nga có thực sự chơi lô đề hay không như lời tường trình của anh Luật là chuyện vẫn khiến nhiều người đặt nghi vấn. Bởi lẽ, theo người dân địa phương, chị Nga được biết đến là người hiền lành, không hề có tiếng xấu. Việc anh Luật khai “thói xấu” của vợ khi người đầu ấp tay gối đã về nơi chín suối là điều khá khó hiểu. Trong khi chị Nga thì đã chết, không thể biện minh cho mình.
Vừa qua, chúng tôi trở lại ngôi nhà vừa xảy ra vụ việc đau lòng để tìm hiểu thêm thông tin. Căn nhà không có người ở. Người dân xung quanh vẫn xì xào bàn tán về nguyên nhân cái chết tức tưởi của ba mẹ con chị Nga. Song có người lại tỏ ra thông cảm cho sự lựa chọn bất đắc dĩ của chị. Tuy vậy, việc tin vào cớ bế tắc trong cuộc sống rồi chối bỏ quyền sống của mình, nhẫn tâm tước đoạt sinh mạng của hai con ruột là điều khó nhận được sự đồng cảm. Thế nhưng trong trường hợp này, cũng phải nhắc đến trách nhiệm của anh Luật. Đây cũng là bài học đắt giá cho những cặp vợ chồng trẻ trong cách hành xử và giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Tại sao phụ nữ dễ tìm đến cái chết khi lâm vào bế tắc?
Chúng ta đều thấy hành động sát hại hai con rồi tự vẫn của chị Nga là rất dại dột và đáng lên án. Tuy nhiên nếu nhìn nhận dưới góc độ tâm lý, chúng ta có thể phần nào hiểu cho hành động có phần “điên dại” đó. Phụ nữ vốn là phái yếu, nhất là những chị em chỉ ở nhà chăm con và lo nội trợ. Họ không đi làm hoặc không thể kiếm được việc làm, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều bị phụ thuộc vào người chồng. Trong hoàn cảnh này, cách hành xử của người chồng sẽ quyết định đến hạnh phúc gia đình. Nếu người chồng có khả năng kiếm tiền và tỏ ra tâm lý trong việc chia sẻ khó khăn về tinh thần và hỗ trợ vật chất với vợ thì khả năng xảy ra mâu thuẫn sẽ thấp. Thế nhưng ngược lại nếu người chồng không có khả năng lo kinh tế gia đình, lại thiếu quan tâm đến vợ con thì người vợ rất dễ rơi vào sự thất vọng. Mâu thuẫn gia đình cũng nảy sinh từ đó.
Như trường hợp anh Luật và chị Nga là một ví dụ. Cuộc sống khó khăn, con trai út mang bệnh nặng, chị Nga không có việc làm. Sau những lần cãi vã cũng chỉ vì chuyện kinh tế gia đình, anh Luật không chu cấp tiền cho vợ con nữa. Hành động đó có thể đẩy chị Nga vào tình thế cùng quẫn và cho rằng chồng không còn yêu thương mình và con nữa. Người phụ nữ khi đã chịu những áp lực về kinh tế lại phải đối mặt với rạn nứt, mâu thuẫn trong tình cảm sẽ dẫn tới bế tắc, tuyệt vọng. Họ không thể tìm được sự chia sẻ, tin tưởng, bấu víu vào ai và không nhìn thấy lối thoát. Trong tình thế đó, với những người phụ nữ yếu đuối, họ dễ có những hành vi thiếu sáng suốt như sát hại con, tự tử. Trong phút quẫn trí, họ thường khó dừng lại để cân nhắc trước hành vi mà chúng ta – những người ngoài cuộc, cho là nông nổi, dại dột.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn hết sức lên án chuyện tìm đến cái chết, nhất lại sát hại cả con chỉ vì mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Thay vì giải quyết theo hướng tiêu cực như chị Nga trong câu chuyện trên, người trong cuộc, nhất là phụ nữ nên tìm đến những người bạn, người lớn tuổi trong gia đình để tham vấn. Cần xác định rõ nguyên nhân gây nên mâu thuẫn và hướng giải quyết. Nếu vì kinh tế khó khăn, có thể nhờ anh chị em, cha mẹ giúp đỡ. Người vợ thay vì chỉ ở nhà chăm con, hãy cố gắng tìm việc làm để hỗ trợ chồng trong việc chăm lo kinh tế gia đình. Đặc biệt, người chồng cần hết sức tâm lý, chia sẻ khó khăn với vợ. Chắc chắn, người phụ nữ sẽ không bao giờ tìm đến cái chết hay hành vi dại dột như sát hại con nếu nhận được sự quan tâm chia sẻ của chồng.