Ông Phan Lê Mạnh, Giám đốc nhóm sản phẩm giải trí Zing – một trong những đối tác bản quyền của Youtube tại Việt Nam khẳng định rằng, hoàn toàn không khó để kiểm soát bản quyền trên Youtube tại Việt Nam.
Sự việc CNC kiện Youtube xung quanh bản quyền của Táo quân 2014 càng cho thấy sự lúng túng của các chủ sở hữu nội dung trong việc bảo vệ thành quả của chính mình trên nền tảng này. Theo ông, việc kiểm soát bản quyền trên Youtube có khó khăn như trên thực tế?
Câu trả lời là không khó. Vấn đề lớn nhất là thời gian giải quyết sự việc dài hay ngắn mà thôi. Nếu nội dung được tiền kiểm thì giải quyết sẽ đơn giản và có thể kiểm soát triệt để. Còn nếu nội dung đã phát tán trên Youtube, hậu quả sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Do vậy, tôi khuyên các đối tác nội dung nên suy nghĩ về vấn đề kiểm soát bản quyền trên Youtube càng sớm càng tốt.
Làm sao có thể thực hiện được điều này khi cơ chế kiểm soát bản quyền của Youtube hiện tại là sẽ gỡ sau khi có phản hồi từ chủ sở hữu nội dung? Điều này ít nhiều gây thiệt thòi cho chủ sở hữu khi việc phát tán trên mạng Internet khá nhanh chóng và trong vòng khoảng thời gian ngắn có thể tác động đến hàng triệu người.
Việc tiền kiểm nội dung là hoàn toàn khả thi. Youtube cũng rất khuyến khích điều này. Chỉ cần làm việc trước với Youtube, các nội dung vi phạm bản quyền sẽ không được duyệt đăng trên nền tảng của họ.
Trên thực tế, chúng tôi đã giúp khá nhiều chủ sở hữu nội dung kiểm soát bản quyền thành công bằng cách này.
Nếu thực tế không mấy khó khăn thì nguyên nhân tại sao mà các đơn vị sở hữu nội dung lại lúng túng đến vậy?
Theo tôi, lý do chính là các chủ sở hữu nội dung chưa tìm được đúng địa chỉ để hỗ trợ. Đa số sẽ cố gắng liên hệ trực tiếp với Youtube tại Mỹ để làm việc, tuy nhiên việc này khó thực hiện và mất rất nhiều thời gian.
Tốt nhất, các chủ sở hữu nội dung nên làm việc trực tiếp với các đối tác của Youtube ở Việt Nam để được hỗ trợ nhanh chóng.
Nếu làm việc trực tiếp với Youtube, các chủ sở hữu nội dung sẽ được hỗ trợ miễn phí, trong khi nếu thông qua đối tác ở Việt Nam, có thể phát sinh chi phí như trường hợp POPs tính phí CNC. Theo ông, đây có phải nguyên nhân mà các đối tác nội dung luôn cố làm việc trực tiếp với Youtube?
Việc thu phí tùy thuộc chiến lược khác nhau của các công ty. Ở Zing, chúng tôi sẽ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí, cho dù đó là tiền kiểm hay hậu kiểm.
Sở dĩ các chủ sở hữu nội dung muốn làm việc trực tiếp với Youtube, vì họ cho rằng, cách làm này sẽ giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn. Trên thực tế, đây là cách làm mất nhiều thời gian và không thật cần thiết, khi mà Youtube có cơ chế cho phép các đối tác bản quyền ở Việt Nam có thể thay họ thực hiện việc này.
Ngoài các đối tác về bản quyền của Youtube, chủ sở hữu nội dung có thể liên hệ đơn vị nào khác để được hỗ trợ? Nếu làm việc với đại diện của Youtube ở Việt Nam có giúp giải quyết vấn đề nhanh hơn không?
Youtube hoàn toàn không có đại diện ở Việt Nam, họ chỉ có các đối tác về nội dung hoặc đối tác quảng cáo.
Zing trở thành đối tác bản quyền của Youtube từ khi nào? Việc hỗ trợ kiểm soát bản quyền không mang lại doanh thu cho Zing, vậy các ông được hưởng lợi gì từ hợp tác này?
Chúng tôi chính thức trở thành đối tác của Youtube từ tháng 5/2013. Ban đầu, mục đích chính của hợp tác này nhằm bảo vệ bản quyền của ca sĩ, đơn vị sản xuất đang là đối tác, cũng như bảo vệ các nội dung độc quyền của chúng tôi trên mạng internet. Hiện nay, chúng tôi mở rộng hỗ trợ tất cả các đơn vị có nhu cầu, dù họ chưa phải là đối tác của Zing. Trong năm 2014, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kinh doanh và thu về doanh thu cho ca sĩ, cũng như các đơn vị sản xuất trong nước.