Xác người dưới cống nước
Đêm ngày 14/3, anh Nguyễn Tuấn Anh (1986, ngụ xóm Cà, phường Hội Hợp, Tp. Vĩnh Yên) sau khi đi làm thì ở lại công ty liên hoan. Khoảng 22h, nạn nhân được người em họ đi ăn đêm. Từ thời điểm này, người nhà liên lạc, số điện thoại luôn trong tình trạng “thuê bao không liên lạc được”. Chỉ đến khi nghe người dân khu vực nói đến vụ xô xát, đánh nhau vào đêm 14/3 ở quán ăn, người nhà nghi vấn con mình “lành ít, dữ nhiều”. Một mặt báo lên chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ, mặt khác họ vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin về người thân. Đến sáng ngày 17/3, phát hiện tại khu vực cống phố Quán Tiên có xác chết trong tình trạng đang phân hủy, xác định chính là con trai mình.
Thân nhân người xấu số cho biết, khi xác nạn nhân được đưa lên bờ, không chỉ người nhà mà rất nhiều nhân trứng khác nhìn thấy trên mặt và người nạn nhân có nhiều vết bầm tím, có dấu hiệu bị hành hung. Ngay chiều hôm đó, người nhà đã khiêng quan tài qua nhiều tuyến phố, đến các cơ quan chức năng “đòi” phải điều tra lại án mạng. Đi đến đâu, người dân hai bên đường khi nghe chuyện cũng bức xúc “sẵn sàng đi theo” để giúp đỡ cho gia đình kêu oan. Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi lượng người tập trung khiến giao thông ùn tắc, không khí hỗn loạn.
Tối 17/3, CA Vĩnh Phúc kết luận nạn nhân bị một nhóm người đánh tử vong, ngã xuống mương. Mâu thuẫn giữa hai bên được coi là bột phát vì do uống rượu say. Năm người tình nghi liên quan tới án mạng bị ra lệnh bắt. Đến chiều ngày 21/3, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt thêm Nguyễn Văn Bính (16 tuổi, ngụ Tp Vĩnh Yên). Người em họ nạn nhân cũng bị triệu tập để lấy lời khai. Hiện cảnh sát đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân án mạng.
Nhiều dấu hiệu cho thấy nạn nhân bị hành hung. Tuy nhiên, theo biên bản pháp y lần đầu, những dấu hiệu này không hề được ghi lại. Vợ nạn nhân cho biết: “Người mất cũng đã mất rồi, nhưng chúng tôi muốn sự công bằng để người chết cũng có thể nhắm mắt”.
Cuộc “diễu phố” khiến không khí hỗn loạn. Trước sức ép từ phía gia đình và người dân, ngay ngày hôm sau, cơ quan pháp y đã khám nghiệm tử thi lần 2. Ông Đinh Tiến Hà, Chánh văn phòng công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Vụ việc trở nên nghiêm trọng trước hết do người nhà nạn nhân và người dân hiểu sai lệch nhận định của cơ quan pháp y. Bên cạnh đó, có một số phần tử kích động, người dân không hiểu rõ ngoạn ngành nên mới tập trung đông như vậy”.
Vì đâu “diễu phố”
Sự việc sẽ không nghiêm trọng nếu không có sự “tự nguyện tham gia” của nhiều người dân trong khu vực. Khi người nhà nạn nhân khiêng quan tài đi dọc các tuyến phố, người dân hai bên đường ban đầu chưa hiểu sự việc, phần lớn người dân đi theo vì tính hiếu kì tò mò, sau khi nghe câu chuyện đã được “tam sao thất bản” nhiều lần, họ bức xúc thay cho gia đình nạn nhân. Nhiều nhân chứng thuật lại: “Không chỉ có người dân, một số học sinh, sinh viên trong khu vực cũng bỏ học đi theo”. Từ số lượng vài người nhà nạn nhân, một lúc sau, số người tham nhân lên gấp bội khiến giao thông nhiều đoạn đường ách tắc, nhốn nháo.
Một thân nhân của người xấu số cho biết: “Sau khi khiêng quan tài ra phố, chúng tôi cũng đã được chính quyền, đại diện cơ quan chức năng giải thích rõ ràng nên cũng đưa quan tài về, nhưng nhiều người lại muốn “nhất quyết làm tới cùng”. Lý giải vấn đề này, người này cho rằng: “Cũng là do họ quá bức xúc thay gia đình mà thôi”.
Vợ nạn nhân suy sụp trong đám tang chồng
Theo thông tin của PV thu thập được tại địa phương, còn một lý do khác nhuốm mày mê tín dị đoan, đó là một số người ham mê cờ bạc cho rằng nạn nhân “sống khôn thác thiêng”. Ngay hôm phát hiện ra xác nạn nhân, một số người chọn đánh “lô đề” theo số năm sinh của nạn nhân và ngẫu nhiên trúng. Một con bạc ngụy biện: “Những người chết trẻ thường rất thiêng. Và vì “nó” chết mà cho “lộc” cả khu này nên người ta càng tỏ ý muốn giúp đỡ”. Một vụ án mạng đau lòng, nhưng có người lại dựa vào chính nạn nhân để “cờ bạc, lô đề”, rồi tự mình suy diễn chuyện không có thực, quả là điều đáng phê phán. Sao lại lợi dụng chuyện đau buồn của gia đình nạn nhân để “vin vào cờ bạc may rủi” lấy đó làm cớ để “đòi lại công bằng cho người đã khuất”.
Đứng ở góc độ cơ quan chức năng, Chánh văn phòng công an tỉnh cho hay: “Việc một số người dân tụ tập, do có nhiều phần tử quá khích kích động, trong khi người dân vì hiếu kỳ và không hiểu pháp luật, vô tình khiến sự việc trở nên nghiêm trọng”. Một chuyên gia xã hội học có phần đồng ý với nhận định này. Theo ông, phần lớn người dân tham gia chỉ vì bản tính tò mò, hiếu kỳ và “tâm lý đám đông” cố hữ “Khi nhìn thấy chuyện lạ, người nhà khiêng quan tài đi dọc phố, họ đi theo cốt chỉ để xem, nhưng một vài người, rồi hàng trăm người đi theo khiến đám đông trở nên hỗn loạn. Việc người dân có những bức xúc xung quanh vụ án mạng có thể dễ thông cảm do chưa hiểu cặn kẽ sự việc, tuy nhiên việc tụ tập khiến giao thông ùn tắc, hỗn loạn thì cần có những bài học rút kinh nghiệm, đề phòng những vụ việc tương tự có thể xảy ra, gây mất an ninh trật tự, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng kích động”, chuyên gia này nói.