Chiều ngày 16/9, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Công an TP Hà Nội đã thông tin chính thức về vụ việc bắt cóc con tin xảy ra sáng 16/9 tại nhà bà Đỗ Thị Ánh Hồng, trưởng ban Đối ngoại của Hapro (căn hộ 402, nhà E6, khu tập thể Thanh Xuân Bắc).
Tại buổi họp báo, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, khoảng 6h sáng nay, Công an quận Thanh Xuân nhận được tin báo. Các thông tin trên ngay lập tức được chuyển đến Giám đốc Công an TP Hà Nội. Và theo chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an TP, các lực lượng gồm: Phòng PC45, Trung đoàn CSCĐ, Công an quận Thanh Xuân, Công an phường Thanh Xuân Bắc… triển khai giải cứu con tin theo phương án của Công an TP. Lực lượng Công an khẩn trương tiếp cận mục tiêu, nắm diễn biến sự việc và biết đối tượng yêu sách được gặp vợ và hai con. Đối tượng cũng được xác định danh tính là Trần Thanh Bình, trú tại phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng xác định được nơi ở của đối tượng và đưa vợ con của đối tượng lên Hà Nội theo yêu sách của Bình.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Đại tá Giáp cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Giám đốc CATP xuống hiện trường thuyết phục đối tượng. Đã nhiều lần, trong các vụ việc khác, đích thân Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo và thuyết phục đối tượng. Trung bình, một năm Hà Nội có khoảng 3-4 vụ bắt cóc con tin.
Trở lại vụ việc, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã 4 lần gọi điện cho đối tượng, giải thích và vận động Bình. Đối tượng đã đồng ý gặp Thiếu tướng Chung. Giám đốc CATP đã đi một mình vào phòng nói chuyện với đối tượng. Tại bàn ăn ở bếp, Thiếu tướng Chung khẳng định CATP sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho Bình và cho gặp gỡ vợ con. Đối tượng đã đồng ý để Giám đốc CATP Hà Nội dẫn giải ra ngoài.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, đối tượng không có biểu hiện nghiện, không ngáo đá và chưa có tiền án, tiền sự, cũng không phải là đối tượng hay tụ tập nghiện ngập, rượu chè. Cả hai vợ chồng đều là công nhân và Bình vừa nghỉ việc được 20 ngày. Trước khi đi, đối tượng có nợ nần ở địa phương và gia đình trả hộ 110 triệu đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Đại tá Giáp cũng khẳng định, sau khi đối tượng khống chế chị Hồng ở chiếu nghỉ tại cầu thang, do giằng co, đối tượng đã chém đứt gân 1 tay phải của chị Hồng. Bị khống chế vào nhà, chị Hồng có nói với đối tượng xin đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người và hỏi có yêu cầu gì sẽ đáp ứng. Đối tượng cho biết chỉ cần gặp vợ con và nói chị Hồng sang gặp bà Bé ở nhà E7 bên cạnh. Nhân cơ hội ấy, chị Hồng đã chạy ra ngoài. Bà Bé cho biết, là họ hàng xa với đối tượng Bình, và đối tượng đã từng đến chơi 2 năm trước đây.
Về câu hỏi vì sao khi dẫn giải ra ngoài, đối tượng không bị còng tay, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, vì đối tượng đã tự nguyện chấp hành theo yêu cầu của lực lượng Công an nên không nhất thiết phải còng tay. Đây cũng là hành động thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ vụ viêc trên, theo Đại tá Giáp, thứ nhất là phải xử lý thông tin thật nhanh, từ tổ dân phố, Công an phường đến các lực lượng khác. Công an Thanh Xuân đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, góp phần làm vụ việc nhanh chóng được giải quyết. Thứ hai, tất cả các vụ giải cứu con tin ở địa bàn, đặc biệt khu dân cư đông không được để người dân tụ tập đông vì có nhiều bất lợi: Đối tượng đang trong tình trạng bị kích động rất dễ có những hành động bột phát bất lợi. “Ví dụ như vụ khống chế bắt cóc con tin năm 2003 tại quận Hà Đông, khi vụ việc xảy ra có khoảng 300 người dân vây quanh hiện trường nên đối tượng cố thủ trong nhà cả ngày đêm. Sau khi giải tán được đám đông, đối tượng nhanh chóng đồng ý theo Công an ra ngoài”, Đại tá Dương Văn Giáp khẳng định. Thứ 3, theo Trưởng phòng CSHS Công an TP Hà Nội, khi sự việc xảy ra, chủ nhà phải hết sức bình tĩnh. Đại tá Giáp nhận xét, chị Hương và cháu nhỏ hôm qua, “là những người hết sức bình tĩnh. Chị Hương cũng đã trao đổi với đối tượng trong nhà rất chủ động”. Thứ 5, người dân phải hết sức cảnh giác khi mở cửa ra ngoài vào các thời điểm nhập nhoạng tối hay sáng sớm. Đơn cử vụ bắt cóc con tin ở Tây Hồ trước đây, lợi dụng người giúp việc mở cửa dọn dẹp nhà vào sáng sớm, đối tượng đã nhảy vào nhà và khống chế các nạn nhân. “Cuối cùng, thuyết phục đối tượng là phương án tối ưu, chúng ta phải dựa vào các mối quan hệ của nạn nhân, dùng người thân hoặc người có ảnh hưởng giúp thuyết phục”, Đại tá Giáp khẳng định.
Đại tá Dương Văn Giáp cũng chia sẻ: “Sáng nay, báo chí đến rất đông, chúng tôi đã yêu cầu các đồng chí rút khỏi hiện trường nhưng chỉ 20 phút sau, khoảng 20 phóng viên lại tiếp tục trèo lên nóc nhà, sử dụng ống tele chụp ảnh và đưa thông tin lên mạng. Đối tượng ở trong nhà có sử dụng mạng nên biết hết. Theo tôi, đưa tin, bài lên mạng nhanh chậm vài phút không phải vấn đề cốt yếu. Cái quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo an toàn cho con tin. Đối tượng đang trong trạng thái bất cần, kích động rất dễ có những hành động gây nguy hiểm cho nạn nhân. Đề nghị các phóng viên cần rút kinh nghiệm trong những vụ việc tương tự”.