. Phóng viên:Trung Quốc luôn đặt họ ở vị trí siêu cường, điều ấy đòi hỏi họ cũng phải có những hành xử sao cho tương xứng. Theo ông, việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông điện tử vừa rồi có đáng mặt “anh hào” không?
Trung Quốc là một cường quốc đang lên, có tiếng nói nhất định trên các diễn đàn quốc tế. Họ luôn luôn tận dụng mọi ưu thế của họ để theo đuổi tham vọng bành trướng mà trước mắt là ở biển Đông, nơi được coi như chìa khóa để Trung Quốc bước ra thế giới.
Các nước liên quan đến tranh chấp trên biển Đông như Việt Nam, Philippines… rồi đến Ấn Độ và mới đây là Mỹ cũng đã phản ứng một cách quyết liệt về việc Trung Quốc cho in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông điện tử của họ. Các học giả trên thế giới, đặc biệt là các học giả nghiên cứu về biển Đông ở Mỹ nói đây là “trò cười” của chính phủ Trung Quốc nhằm trả đũa phản ứng của thế giới về những gì họ đã hành xử ở biển Đông. Đây là một hành động sai lầm, Trung Quốc sẽ thêm mất uy tín trên trường quốc tế, mất uy tín với chính những gì mà Trung Quốc đã cam kết về con đường giải quyết tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình.
Thậm chí ngay trong người dân Trung Quốc, họ đã dần thấy những phi lý do chính nhà cầm quyền của họ gây nên. Mặc dù trong một thời gian dài, Trung Quốc đã ru ngủ nhân dân Trung Quốc bằng những luận điệu tuyên truyền, bằng những ngụy tạo chứng cứ để cho rằng Trung Quốc có chủ quyền trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông nhưng tôi tin rằng sớm muộn gì nhân dân Trung Quốc cũng nhận ra chân tướng của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Tham vọng của Trung Quốc là bất biến
. Thưa ông, hành động trên nằm trong một chuỗi các hành động gây hấn, xâm phạm ở biển Đông mà Trung Quốc đã tiến hành. Điều này cảnh báo cho chúng ta điều gì?
+ Tất cả điều ấy đã cho thấy tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông là bất biến. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7 vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo biện giải về những hành vi gây hấn trên biển Đông rằng: “Những hành động của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền của mình là cần thiết và hợp pháp. Chúng tôi đã xử lý một cách thích hợp những sự việc không phải do Trung Quốc gây ra”. Thật lạ khi bảo những gì đã xảy ra là “những sự việc không phải do Trung Quốc gây ra”. Vậy thì ai in cái “lưỡi bò” đầy tham vọng, không có căn cứ lịch sử kia lên tấm hộ chiếu chính thống của Trung Quốc?
Hàng loạt thủ thuật diễn ra đã chỉ rõ tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông như chỉ đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp biển Đông; hoặc tìm mọi cách trì hoãn đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vừa tuyên bố tại Campuchia vừa rồi “hiện nay còn chưa phải thời cơ thích hợp nhất ấn định COC”. Và nhất là chuỗi hành động có mưu đồ, tính toán và nham hiểm của Trung Quốc từ trước cho tới khi in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông mới đây càng làm lộ rõ mưu đồ ấy. Thật khó có thể tin những gì mà Trung Quốc đã hứa.
Tạo sức mạnh toàn diện
. Trước mưu đồ lâu dài ấy của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam cần phải có những đối sách tương ứng nào?
+ Những kỳ vọng vào vai trò ASEAN trong việc này ngày càng khó khăn, vì khó tìm kiếm một sự thống nhất toàn diện trong tổ chức này để giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông. Thái độ của một số nước ASEAN trong vấn đề này thời gian gần đây càng cho thấy Trung Quốc thành công trong chính sách “chia để trị” của mình. Vấn đề đặt ra cho các nước ASEAN không phải là tiếp tục phân tích xem Trung Quốc muốn gì mà quan trọng hơn hết là thống nhất tìm ra các biện pháp để đối phó với Trung Quốc.
Bìa hộ chiếu của Trung Quốc.
Chúng ta cần tạo ra thế đa phương trong đối sách ở biển Đông. Nhiều người cũng nóng lòng trước việc sao không kêu gọi sự giúp đỡ của các cường quốc khác để đối phó với Trung Quốc. Song những bài học lịch sử mà chúng ta nhận lấy trong việc chờ đợi sự giúp đỡ bên ngoài vẫn còn đó. Vì thế không thể không thận trọng trong quan điểm này.
Tỉnh táo không bao giờ thừa
. Trong tình hình này, về lâu dài, chúng ta phải làm những gì?
+ Tỉnh táo không bao giờ là bài học thừa. Theo tôi, cây đũa thần có khả năng giúp được chúng ta lúc này và trong tương lai chính là Việt Nam phải thay đổi tư duy chính trị quốc nội cũng như quốc tế.
Thứ nhất, để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực theo đúng nghĩa của nó thì mới có thể đối phó lại tham vọng của phương Bắc. Tổ tiên ta đã đúc kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nhưng sử dụng nhân tài như thế nào - những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tương lai của quốc gia, dân tộc - luôn là câu hỏi có nhiều đáp án! Câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi” đã chỉ rõ lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị. Nhưng quan trọng nhất là học như thế nào và hành ra sao để khỏi hổ thẹn với tổ tiên!
Thứ hai, trong tư duy chính trị quốc tế, Việt Nam phải thực sự hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Hội nhập toàn diện không chỉ là tham gia tổ chức này, hội nghị kia… Việt Nam phải thật sự coi đây là quá trình đẩy mạnh cải cách mở cửa và tham gia vào mọi mặt của đời sống quốc tế; xây dựng cho mình chiến lược hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Việt Nam phải làm cho cộng đồng quốc tế hiểu Việt Nam đã làm gì chứ không phải chỉ cho thấy Việt Nam đã tham gia với thế giới cái gì.
. Xin cảm ơn ông.
Cơ hội để chỉ rõ sự phi lý của Trung Quốc Lợi dụng tình hình khi các nước đang đương đầu với nhiều khó khăn về kinh tế, Trung Quốc đã sử dụng thế mạnh “to khỏe” của mình nhằm làm trì hoãn tiến trình giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Họ tiếp tục chia rẽ nội bộ ASEAN để cản trở hướng đi của COC; cho in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu phổ thông điện tử và tung ra bản đồ về cái gọi là TP Tam Sa với hy vọng làm rối thêm tình hình để “cài bẫy” các nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhầm và chính những hành động sai trái của họ đang gây tác dụng ngược. Càng làm thế Trung Quốc càng cho thấy họ đang cố gắng bảo vệ những cái không có cơ sở pháp lý quốc tế của mình và chưa được quốc tế công nhận, từ đường chín đoạn vô căn cứ cho tới cái gọi là TP Tam Sa (vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó các đảo Trung Quốc chiếm thực quyền hiện nay là do dùng vũ lực đánh chiếm. Điều này trái với luật pháp quốc tế). Hành động của Trung Quốc tự thân đã nói lên tính phi lý của chính họ và làm giảm thêm uy tín của họ trước quốc tế. Đây là cơ hội để Việt Nam cho thế giới thấy sự vô nghĩa trong những lập luận của Trung Quốc về chủ quyền của họ đối với các đảo và vùng biển đang tranh chấp trên biển Đông hiện nay. Thực tế điều này cũng đã được minh chứng rất rõ trong quan điểm của các học giả tại Hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 4 mới diễn ra đây, họ ngày càng không tin vào những gì Trung Quốc đưa ra và phản đối mạnh mẽ những điều ấy. Trên tinh thần đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định vào những chứng lý mà mình đã có và dựa trên luật pháp quốc tế để đấu tranh. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho thế giới biết về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, củng cố hệ thống chứng lý của mình vững chắc thêm. Và điều quan trọng hơn cả là xây dựng nội lực của Việt Nam ngày càng vững mạnh, đây là sức đề kháng lớn nhất để bảo vệ chủ quyền đất nước trước các thế lực đầy tham vọng đối với biển Đông hiện nay. |