Vụ đôi đồng tính nữ giết người: Bỏ lọt một nữ sát thủ?

Cơ quan tố tụng xác định khi gây án, Lê Thị Mỹ Duyên chưa đủ 14 tuổi nên không xử lý hình sự nhưng hai kết quả giám định lại xác định hung thủ này đã hơn 17 tuổi.

Vụ án người xe ôm ở Sóc Trăng bị giết hại dã man khiến sau đó bảy thanh niên bị bắt oan. Khi hai nữ hung thủ Lê Thị Mỹ Duyên và Phan Thị Kim Xuyến ra đầu thú, bảy thanh niên được chứng minh vô tội. Sau đó các cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã truy tố, xét xử Xuyến, một trong hai hung thủ giết hại nạn nhân. Hung thủ còn lại (tên Duyên), cơ quan tố tụng xác định khi gây án chưa đủ 14 tuổi nên không truy tố, xét xử mà chỉ đưa vào trường giáo dưỡng.

Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu khác, chúng tôi phát hiện khi gây án có thể Duyên đã hơn 17 tuổi.

Không bị xử hình sự vì chưa đủ 14 tuổi

Như đã phản ánh, Duyên và Xuyến là hai người đồng tính chung sống với nhau. Ngày 5-7-2013, cả hai thủ sẵn hai cây dao trong người rồi ra lề đường ở thị trấn Trần Đề đón xe ôm của ông Dũng. Sau khi đi vòng vòng đến đoạn đường vắng, Xuyến và Duyên kêu ông Dũng dừng xe. Trong lúc ông Dũng mất cảnh giác, hai bị can dùng dao đâm nhiều nhát làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, thấy đoạn đường khó chạy nên cả hai không lấy xe mà cùng bỏ trốn lên TP.HCM.

Sau khi hai hung thủ ra đầu thú, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào giấy tờ hộ tịch để xác định khi gây án Duyên chưa đủ 14 tuổi nên không truy cứu trách nhiệm hình sự mà lập hồ sơ để đưa Duyên vào trường giáo dưỡng. Còn hung thủ Xuyến, cơ quan tố tụng xác định khi gây án bị can này đã 15 tuổi nên đề nghị truy tố. Trên cơ sở truy tố của VKSND tỉnh, ngày 19/8 vừa qua, TAND tỉnh đã xét xử và tuyên phạt Xuyến 12 năm tù về tội giết người, bốn năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù (mức án cao nhất cho người chưa đủ 16 tuổi).

Ra tòa với tư cách là người liên quan, Duyên khai Xuyến chỉ đâm nạn nhân một nhát, những nhát còn lại do mình đâm. Lời khai của Duyên về cách thức gây án cộng với hình thể bên ngoài làm không ít người tỏ ra nghi ngờ về độ tuổi của Duyên.

Kết quả giám định: Hung thủ Duyên hơn 17 tuổi

Trước khi phiên tòa nói trên diễn ra, pv từng có bài phản ánh về độ tuổi của Duyên. Bài báo dẫn lời một giám định viên của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho rằng quá trình xử lý vụ án, CQĐT tỉnh Sóc Trăng đã trưng cầu giám định độ tuổi của Duyên. “Qua tiếp xúc với Duyên, nghiên cứu hành vi phạm tội, kể cả việc quan hệ tình ái giữa Duyên và Xuyến (Duyên đóng vai chồng, Xuyến đóng vai vợ) thấy rằng tuổi của Duyên lớn hơn 13 rất nhiều. Qua chụp toàn bộ hệ thống xương, cùng dựa vào các số đo, sự phát triển thể chất của Duyên, kết quả giám định xác định Duyên khoảng 18 tuổi” - người này cho hay.

Tuy nhiên, những gì diễn ra tại phiên xử nói trên cho thấy tình tiết này đã không được tòa ghi nhận.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết việc trưng cầu giám định nói trên của CQĐT tỉnh Sóc Trăng là có thật và kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an xác định Duyên (khi gây án) khoảng 18 tuổi cũng có thật. Kết quả giám định này được lưu trong hồ sơ vụ án và được đánh dấu bút lục hẳn hoi.

Không chỉ thế, hồ sơ vụ án còn lưu một kết quả giám định khác của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang (do CQĐT Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang trưng cầu). Kết quả giám định này cũng khẳng định thời điểm tháng 4/2012, tuổi Duyên khoảng từ 16 tuổi ba tháng đến 16 tuổi sáu tháng. (Từ kết quả giám định này, cơ quan tố tụng TP Rạch Giá đã không xử lý hình sự anh Trần Hải ML tội hiếp dâm trẻ em hoặc giao cấu với trẻ em. Trước đó L. và Duyên có quan hệ với nhau và gia đình Duyên đã tố cáo lên công an Duyên bị hiếp dâm.) Theo kết quả giám định này, suy ra tại thời điểm Duyên giết người tại Sóc Trăng (tháng 7/2013), hung thủ này đã gần 18 tuổi.

Vậy tại sao cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã không căn cứ vào hai kết quả giám định này?

“Chúng tôi căn cứ vào giấy tờ hộ tịch”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy khai sinh của Duyên thể hiện tại thời điểm gây án, Duyên chỉ mới hơn 13 tuổi nhưng chưa đủ 14 tuổi. Cụ thể: Giấy khai sinh của Duyên do UBND phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá cấp (thuộc diện khai sinh trễ hạn) xác định Duyên sinh ngày 28/4/2000. Ngoài ra, sổ hộ khẩu mang tên Lê Thị Tám (bà ngoại Duyên) ghi Duyên sinh năm 2000; học bạ của Trường THCS Nguyễn Du (TP Rạch Giá) ghi Duyên sinh năm 2000.

Như vậy phải chăng cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng đã căn cứ vào các giấy tờ nói trên để xác định Duyên chưa đủ 14 tuổi?

Kiểm sát viên (KSV) điều tra và giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm xác nhận đúng là trong hồ sơ vụ án có hai kết quả giám định nhưng không có gì phủ nhận được giá trị của các giấy tờ mà chúng tôi vừa đề cập. “Chỉ khi giấy tờ hộ tịch mâu thuẫn nhau hoặc khi người thân của Duyên đều khai không nhớ, không biết sinh năm nào thì mới cần căn cứ vào giám định khoa học. Trong khi đó, lời khai của người trực tiếp nuôi dưỡng Duyên (bà ngoại) và nhân chứng (những người hàng xóm có con sinh cùng thời điểm đó) cũng khẳng định độ tuổi của Duyên phù hợp với giấy tờ hộ tịch. Trong bối cảnh kết quả giám định mâu thuẫn với giấy tờ hộ tịch, chúng tôi phải căn cứ vào giấy tờ hộ tịch” - KSV này cho hay.

Vị KSV cho biết thêm, điều tra viên đã xác định Duyên không sinh ra ở cơ sở y tế mà do một bà mụ nào đó đỡ đẻ nên không có giấy chứng sinh hay sổ lưu của nơi sinh. “Tại tòa, tôi hỏi bà ngoại Duyên và những nhân chứng khá nhiều và thấy họ trả lời phù hợp với giấy tờ thu thập được. Vì vậy tôi thấy kết quả xử lý của CQĐT là phù hợp nên không kiến nghị gì với tòa”.

Cách giải thích của cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng không phải là không có lý. Nhưng như vậy thì sự thật về độ tuổi của Duyên nằm ở đâu? Phải chăng do có nghi ngờ độ tuổi của Duyên nên CQĐT Công an TP Rạch Giá và CQĐT tỉnh Sóc Trăng mới phải trưng cầu giám định, dù giấy tờ hộ tịch đã rõ ràng? Và tại sao cơ quan tố tụng TP Rạch Giá lại chấp nhận kết quả giám định (thay vì chấp nhận giấy tờ hộ tịch), còn cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng thì lại làm ngược lại?

Cần phải tranh luận

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hùng Dũng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, nói:

+ Trong vụ này, nếu thận trọng hơn thì HĐXX cần trả hồ sơ yêu cầu trưng cầu giám định lại tuổi của Duyên (ở một tổ chức giám định cao hơn). Bởi dựa vào hai nguồn tài liệu trên thì ít nhiều thực tế cũng có sự nghi ngờ về tuổi, do đó cần sự vững chắc trước khi kết luận. Tuy nhiên, diễn biến tại tòa và kết quả xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của thẩm phán, việc đánh giá chứng cứ và quan điểm của HĐXX. Vụ này có khi HĐXX cũng nghi ngờ nhưng vì không lý giải được nên chấp nhận tài liệu pháp lý về hộ tịch.

Như ông nói, nếu đã có nghi ngờ về tuổi thì sao cả ba cơ quan tố tụng đều thống nhất một cách hiểu?

+ Có lẽ cả CQĐT, VKS và HĐXX đều có suy nghĩ là đi theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo nên đã chấp nhận theo hồ sơ hộ tịch.

Áp dụng có lợi nhưng không có nghĩa là để bỏ lọt tội phạm?

+ Quan điểm của chúng tôi là không làm oan nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Vụ này có cái khó là giới hạn xét xử, VKS truy tố một bị cáo thì tòa chỉ xử một bị cáo. Đành rằng nếu thấy có dấu hiệu của tội phạm thì tòa phải đề nghị VKS điều tra bổ sung nhưng như đã nói, đáng ra tòa phải thận trọng hơn…

Theo ông, vụ này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm không?

+ Tôi không thể khẳng định nhưng rõ ràng phải thận trọng. Ngay từ đầu nếu không nghi ngờ thì CQĐT đã không trưng cầu giám định… Giữa hai vấn đề mâu thuẫn nhau nên chọn cái nào, tài liệu hộ tịch hay căn cứ khoa học, tôi nghĩ cần phải tranh luận cho ra.

Xin cảm ơn ông.

Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can

Tại tòa, tôi đã thẩm vấn những người liên quan và nhận định rằng việc dựa vào giấy tờ hộ tịch để xác định tuổi của Duyên là hợp lý. Trong các văn bản, TAND Tối cao cũng hướng dẫn chỉ căn cứ vào kết quả giám định khi có mâu thuẫn về độ tuổi trong các giấy tờ hộ tịch. Trong vụ này, các loại giấy tờ không mâu thuẫn nhau nên kết quả giám định không thể phủ nhận hoặc loại trừ giá trị của chúng. Khi giấy tờ không mâu thuẫn nhau và phù hợp với nhiều lời khai khác thì không thể dựa vào giám định. Hơn nữa, chúng tôi cũng áp dụng nguyên tắc hình sự là nếu có mâu thuẫn giữa giám định và giấy tờ thì áp dụng kết quả nào có lợi cho bị can, bị cáo.

Thẩm phán TĂNG THỊ THÚY NGA, Phó Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Sóc Trăng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho biết.