Trong vụ 600 bánh heroin từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lọt sang Đài Loan, nhiều người trong nghề khẳng định, chiêu thức giấu ma túy trong thùng loa không phải là mới.
Trước đó, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất từng phát hiện một số vụ vận chuyển ma túy trong thùng loa trên tuyến TP.HCM đi Đài Loan và ngược lại.
Chiêu thức cũ
Ngày 2/12, lý giải tại sao lô hàng chứa 600 bánh heroin không được kiểm tra bằng máy soi và chó nghiệp vụ, ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho hay việc không áp dụng hai biện pháp nghiệp vụ trên vì lô hàng được phân “luồng xanh” (hàng không nằm trong danh mục cấm, nguy hại và doanh nghiệp xuất nhập lô hàng đó không nợ đọng thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính - PV).
“Không phải lúc nào hải quan cũng sử dụng chó nghiệp vụ. Chó nghiệp vụ chỉ được sử dụng để kiểm tra những lô hàng, tuyến đường có trọng tâm, trọng điểm”, ông Thông nói.
Tuy nhiên, một chuyên gia am hiểu lĩnh vực hải quan cho hay lý giải việc không kiểm tra vì lô hàng đó thuộc vào “luồng xanh” như lời ông Trần Mã Thông đưa ra là không hợp lý.
“Thủ đoạn giấu ma túy trong thùng loa không phải mới mà có từ rất lâu rồi, lại khá phổ biến. Tuyến TP.HCM đi Đài Loan đã từng xảy ra những vụ vận chuyển ma túy lớn và bị hải quan sân bay bắt giữ. Đáng lẽ ra hình thức xuất này và tuyến đường này cần được hải quan đưa vào kiểm tra trọng điểm mới đúng”, vị chuyên gia này nói.
Có thể liệt kê một số vụ giấu ma túy trong thùng loa để đưa ra nước ngoài bị bắt giữ. Vào năm 2003, Công an TP.HCM phát hiện một số đối tượng giấu 1,8 kg heroin trong 76 loa thùng để chuẩn bị đưa sang Úc.
Năm 2007, lực lượng hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện và bắt giữ hơn 2,18 kg heroin được giấu trong hai loa thùng, được một công ty làm dịch vụ vận chuyển ở TP.HCM khai báo là hàng xuất khẩu sang Đài Loan.
Vào năm 2008, Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, khi đó do bà Nguyễn Thị Thu Hương làm Chi cục trưởng (hiện bà Hương là Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - PV) phối hợp với cơ quan công an bắt giữ lô hàng hơn 800 ngàn viên thuốc nghi là ma túy tổng hợp (giá trị ước tính hơn 318 tỉ đồng) được giấu trong 24 thùng loa từ Đài Loan vận chuyển về TP.HCM qua đường hàng không.
Vụ bắt giữ 800 ngàn viên thuốc của Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất sau đó đã được Cục Hải quan TP.HCM coi là thành tích đặc biệt xuất sắc của ngành hải quan về đấu tranh, phòng chống ma túy.
Ông H., nhân viên công ty chuyên về dịch vụ hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất, khẳng định từ năm 1993, chiêu thức giấu ma túy trong thùng loa để đưa ra nước ngoài đã bị chính lực lượng hải quan ở sân bay này phát hiện và bắt giữ.
“Từ năm 1993 trở đi, tức là cách đây 20 năm, thủ đoạn giấu ma túy trong thùng loa đã được đối tượng vận chuyển, buôn bán ma túy sử dụng rồi. Thủ đoạn này được sử dụng nhiều trong năm 1995-1996 và không ít vụ đã bị công an, hải quan bắt giữ. Nói chung thủ đoạn này không mới”, ông H. nói.
Trách nhiệm
Hiện có không ít ý kiến băn khoăn cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính của việc “lọt lưới” 600 bánh heroin.
Lý giải với báo giới, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Trần Mã Thông cho hay nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã làm đúng quy trình vì lô hàng trên được máy phân loại thuộc “luồng xanh” không phải kiểm tra bằng máy soi chiếu.
Trong khi đó, theo ông Thông, lô hàng dù không qua máy soi chiếu hải quan nhưng sau khi thông quan buộc phải soi chiếu an ninh trước khi đưa lên máy bay.
Về việc này, trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Toản, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay vụ việc đang được điều tra nên không được phép tiết lộ thông tin.
“Quy định nhà nước cũng khẳng định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng ngành. Ai đổ cứ để mặc họ đổ đi”, ông Toản trả lời ngắn gọn khi được hỏi ai phải chịu trách nhiệm chính trong việc để lọt 600 bánh heroin.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng), Luật Hải quan quy định, Cơ quan Hải quan có nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Ngoài ra, Cơ quan Hải quan áp dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết theo quy định của pháp luật để phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong khi đó, Luật Hàng không quy định nhiệm vụ của Cơ quan An ninh hàng không là phòng chống, ngăn chặn và đối phó với hành vi bất hợp pháp để bảo vệ tàu bay, hành khách, tổ bay và người dưới mặt đất.
Ngoài ra, lực an ninh hàng không còn có nhiệm vụ ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tàu bay, đưa vật phẩm nguy hiểm như vũ khí, đạn dược, chất cháy nổ, chất phóng xạ… vào các cảng hàng không, sân bay, tàu bay.
Không dễ để doanh nghiệp được phân vào “luồng xanh” Theo ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, trong quy trình tiếp nhận, đăng ký thủ tục kiểm tra do hệ thống máy móc thực hiện thay vì nhân viên hải quan như trước đây. Theo quy định hiện nay, căn cứ vào quy định rủi ro trên hệ thống, máy sẽ phân thành các luồng như “luồng xanh”, “luồng xanh có điều kiện”, “luồng vàng”, “luồng đỏ”. Trong khi lô hàng thuộc “luồng xanh có điều kiện”, “luồng vàng”, “luồng đỏ” buộc phải kiểm tra tùy theo mức độ thì lô hàng thuộc “luồng xanh” được thông qua ngay mà không phải trải qua bất cứ kiểm tra nào. Trả lời thắc mắc quy định “luồng xanh” dễ dàng như vậy có thể bị doanh nghiệp lợi dụng, một nhân viên thuộc lĩnh vực hải quan điện tử của Cục Hải quan TP.HCM cho biết, để vào “luồng xanh” cũng không hề dễ dàng mà phải vượt qua được tiêu chí phòng ngừa rủi ro mà hải quan đưa ra. Theo đó, khi xét lô hàng thuộc “luồng xanh”, doanh nghiệp (chủ lô hàng được xét) phải có thành tích tốt về thuế, không nợ nần, không có lỗi gì trong quá trình làm thủ tục hải quan để lại ấn tượng xấu… “Nói chung doanh nghiệp được phân "luồng xanh" phải có một quá trình phấn đấu. Những doanh nghiệp mở tờ khai đầu tiên thường rơi vào luồng vàng, luồng đỏ vì chưa đáp ứng tiêu chí phòng ngừa rủi ro mà hải quan đưa ra”, vị này nói. |