Vụ "đánh bác sĩ trọng thương": Ai nói dối?

Người thân bệnh nhân chết sau tiêm tại BV ĐK Hà Tĩnh đã bật khóc và yêu cầu đối chất sau khi nghe những thông tin lãnh đạo BV.

“Cho tôi được đối chất!”

Trước những phát biểu của lãnh đạo bệnh viện và đặc biệt là BS trực tiếp điều trị Đào Xuân Lý, chị Trần Thị Diên, con dâu bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng đã bật khóc.

Chị Diên cho rằng thông tin đó là bịa đặt vì chị là người chăm sóc bố trong lúc tiêm.

“Nếu bố tôi được các BS cho thử phản ứng thuốc rồi mới tiêm thì không có chuyện người nhà bức xúc đến mức phải đập phá đồ đạc trong bệnh viện”, chị Diên bật khóc.

Theo chị Diên, sáng 12/8, lúc này ông Hồng đang vui vẻ trò chuyện với các bệnh nhân trong phòng thì y tá (điều dưỡng) tên Hà vào tiêm.

Hoàn toàn không có chuyện BS Lý xuất hiện, “được bà Diên vui vẻ nhận lời” rồi thử và tiêm.

“Bố tôi dị ứng thuốc này từ lâu, chúng tôi đã cảnh báo với bác sỹ, bố tôi cũng nói với BS Lý là “cạch mặt 2 loại kháng sinh”, trong giấy chuyển viện cũng ghi “dị ứng kháng sinh”. Chẳng lẽ tôi lại vui vẻ cho tiêm như ông Lý nói? Nếu bác sỹ Lý bảo có thử phản ứng, hãy cho tôi được đối chất với ông ấy’, chị Diên bức xúc.

Trong biên bản cuộc họp giữa người nhà với lãnh đạo BV, công an, không hề có thông tin lãnh đạo BV khẳng định có thử phản ứng. Chỉ có duy nhất lời GĐ Nguyễn Viết Đồng nói rằng “loại thuốc này không quy định phải tiêm”.

Ông Nguyễn Ngọc Châu, em ông Hồng kể lại, trong cuộc làm việc, do người nhà yêu cầu phải ghi vào biên bản là chưa thử phản ứng nên giám đốc BV mới kết luận là thuốc không phải thử.

“Nếu đã thử phản ứng thì tại sao lúc đó lãnh đạo bệnh viện không khẳng định luôn hoặc trưng kết quả ra?”, ông Châu, em trai nạn nhân bức xúc.

 

Biên bản cuộc họp chiều 12/8, lãnh đạo BV ĐK Hà Tĩnh chỉ nói “thuốc không phải thử” và không nhắc gì đến chuyện đã thử phản ứng như những phát ngôn sau này.

Những thông tin người nhà nạn nhân cung cấp cũng khớp với đoạn ghi âm mà PV đã công bố khi đối chất với lãnh đạo BV.

Trước đó, trả lời PV, BS Đào Xuân Lý, Phó Trưởng khoa chấn thương khẳng định, “sau khi chọn tên 2 loại kháng sinh và hỏi ý kiến của bà Diên thì bà này vui vẻ, đồng ý cho bệnh nhân dùng”.

Còn ông lãnh đạo BV thì cũng khẳng định: Bác sỹ điều trị đã rất thận trọng, cho thử phản ứng, mặc dù quy định không cần phải thử.

Quy trình ngược?

Trái ngược với thông tin BV Hà Tĩnh nói rằng đã test kháng sinh và cho kết quả âm tính, một lãnh đạo Bệnh viện ĐK Cẩm Xuyên – nơi ông Hồng đã từng điều trị 2 lần nói rằng “không dám tiêm kháng sinh vì khi thử cho kết quả dương tính”.

BS Đào Xuân Lý, người có những phát ngôn khiến người nhà nạn nhân bật khóc và đòi đối chất.

Người này thông tin, ông Hồng bị nhọt lâu ngày dẫn tới viêm xương. Bệnh nhân này cũng có tiền sử dị ứng kháng sinh và đã từng điều trị một vài lần ở BV Cẩm Xuyên nên vừa rồi khi tái khám, bệnh viện ghi trong giấy chuyển viện để tuyến trên được biết thông tin đó.

“Bệnh nhân này có tiền sử như vậy, nên trước đây khi vào điều trị bệnh viện đã cẩn thận thử phản ứng thì thấy kết quả dương tính, lại có tiền sử mẩn ngứa với các loại kháng sinh nên anh em không dám tiêm.

Đợt này ông Hồng đến khám, bệnh viện không dám điều trị nên đã cho chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh - PV). Trong giấy chuyển viện có ghi bệnh nhân có tiền sử dị ứng kháng sinh”, lãnh đạo BV này nói.

Trao đổi riêng với PV, một BS có kinh nghiệm trong ngành y ở Hà Tĩnh cho biết: “Trong trường hợp có dị ứng kháng sinh như vậy thì rất khó xử lý, nếu dùng thì phải rất thận trọng.

Quan trọng nhất là người nhà và bệnh nhân (nếu còn tỉnh táo) phải đồng ý. Phải giải thích cho người nhà rằng bệnh này bắt buộc phải dùng kháng sinh, nếu không sẽ nguy hiểm và khi dùng sẽ có những nguy cơ như thế.

Người nhà đồng ý thì bọn tôi mới dám dùng. Sau đó phải lựa chọn kháng sinh phù hợp, trước khi dùng phải thử, khi tiêm phải rất chậm”.

Vị bác sỹ này nói thêm: “Kể cả khi người nhà đồng ý rồi thì cũng phải rất thận trọng. Phải chuẩn bị sẵn các thiết bị cấp cứu. Khi có dấu hiệu phản ứng thuốc thì cấp cứu kịp thời”.