Quanh vụ đám cưới đồng tính nam gây xôn xao dư luận, trưa 29/5, phóng viên tìm gặp ông Trương Văn Hắc (ngụ tổ 10, khu phố III, phường Bình San, Thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), là cha của “cô dâu” Trương Văn Hên.
Sau giây phút dè dặt, ông Hắc cho biết, Hên là con thứ tư trong gia đình, tuổi ngọ (1990). Học hết lớp 11, Hên lên TP. HCM học khiêu vũ, ca hát. Sau đó, Hên mở lớp dạy khiêu vũ, làm ăn chung với Nguyễn Hoàng Bảo Quốc. Hai người làm ăn, sống chung với nhau mấy năm nay ở TP. HCM.
Khi nghe con về nhà bàn chuyện tổ chức đám cưới, tôi cũng giật mình. Tôi bàn với con hay là tổ chức sinh nhật, chứ làm đám cưới thấy kỳ kỳ, ăn nói làm sao với bà con, láng giềng - ông Hắc nói.
Cũng theo ông Hắc, phía nhà trai không đồng ý "phương án sinh nhật", mà xin được làm lễ theo phong tục tập quán, giống như việc cưới hỏi bình thường. Thương, chiều con, sau đó, gia đình đồng ý.
“Lễ cưới” được tổ chức theo nghi thức truyền thống dưới sự chứng kiến của hai họ. (Ảnh: Nhã Quỳnh - Thanh Niên).
Phía nhà trai in thiệp “lễ thành hôn” gởi xuống trước cho gia đình tôi. Chúng tôi mời 70 người bên "nhà gái”, chủ yếu các cháu mời bạn bè cùng lứa. Tôi mời 20 người nhưng chỉ 10 người tới dự, chủ yếu bạn bè làm ăn... Hôm làm lễ thành hôn, phía nhà trai từ TP. HCM xuống 30 người - ông Hắc cho biết.
Ông Hắc tâm sự: Tôi cũng cầu mong cho hai đứa thuận hòa, chung sống hạnh phúc. Sau này, hai đứa muốn thì xin con về nuôi.
Ông Hắc bác bỏ thông tin cho rằng, con ông “đào mỏ”, vì nhà trai giàu có, nuôi Hên mấy năm qua ở TP. HCM; trước khi cưới, nhà trai còn cho tiền xây nhà, đi lễ 100 triệu đồng…
“Ngoài lễ vật thông thường như bánh trái, trầu cau, rượu trà…, nhà trai chỉ đưa 10 triệu đồng để đi chợ. Tiệc tổ chức cũng đơn giản vì khách mời nhiều người ăn chay. Thợ nấu là bạn bè, mối lái làm ăn nên chi phí giảm" - ông Hắc nói.
"Tôi là nông dân sản xuất giỏi, từng được báo đài địa phương viết nhiều bài. Tôi đang phá trại heo 500 con ở thị xã này để đầu tư vào 12 ha đất ruộng ở huyện Giang Thành. Tôi còn có một cặp ghe chuyên thu mua lúa cho nông dân".
"Ở cái Thị xã Hà Tiên này, nói Hắc gà ai mà không biết. Hiện, tôi chuyên cung cấp gà làm sẵn cho chợ và các nhà hàng, khách sạn ở Thị xã Hà Tiên. Chúng nó thương nhau, tìm đến chung sống với nhau, chứ nói chuyện con tôi lợi dụng tiền bạc để gả con cho người đồng tính là tôi không chịu”, ông Hắc tự bạch.
Phó trưởng khu phố III, ông Lê Văn Sang nói: “Một đám cưới không đúng cái gì hết. Đám cưới quá lạ, và người dân hiếu kỳ đã vây đến coi làm ách tắc giao thông”.
Bà Lâm Lệ Oanh – Chủ tịch UBND phường Bình San cho biết: “Ở Thị xã Hà Tiên này, vẫn có nhiều cặp đồng giới chung sống với nhau như vợ chồng đến trọn đời. Còn công khai tổ chức đám cưới thì chuyện chưa từng thấy ở nơi này. Hiện tượng đồng tính, người ta vẫn cho rằng lệch lạc. Nó là một hiện tượng xã hội có thật nhưng chưa được pháp luật chúng ta công nhận”.
Biên bản của UBND phường Bình San lập lúc 17h ngày 16/5/2012 về việc “tổ chức đám cưới trái pháp luật của gia đình ông Trương Văn Hắc ghi: “có hành vi tổ chức đám cưới cho những người cùng giới”, vì vậy đề nghị: Ngưng ngay việc tổ chức đám cưới; đề nghị Trương Văn Hên rời khỏi nơi tổ chức đám cưới để người dân không tập trung đông người, làm cản trở giao thông…
Chiều 29/5, công an phường Bình San đã mời ông Hắc lên đóng phạt 200 ngàn đồng vì “tổ chức đám cưới không xin phép, làm mất an ninh trật tự địa phương”.