Công an gấp rút điều tra
Ngày 18/7, Đại tá Trần Văn Thực, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Súng bắn đạn cao su là công cụ hỗ trợ, trang bị cho CSGT làm nhiệm vụ trong những trường hợp cần thiết.
Xem clip người dân cung cấp, chúng tôi thấy rằng hai người vi phạm đã vẫy cảnh sát lên, cầm mũ bảo hiểm và có hành động khiêu khích CSGT”.
Đại tá Thực nhận định thêm: “Tuy nhiên, việc sử dụng súng bắn đạn cao su trong trường hợp này là không cần thiết dù hai người vi phạm cố tình lạng lách, đánh võng và có những lời lẽ không chuẩn mực đối với CSGT”.
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, nói: “Ngoài clip mà người dân cung cấp, cơ quan điều tra sẽ dựng lại hiện trường vụ nổ súng bắn hai người vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ mời các nhân chứng đến cơ quan điều tra để xác minh cụ thể toàn bộ tiến trình sau khi sự việc xảy ra”.
“Nổ súng là không phù hợp”
Trao đổi với PV về quy định nổ súng khi thi hành công vụ trong lực lượng CSGT, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), cho hay: Khi thi hành nhiệm vụ, việc nổ súng phải tuân thủ đúng theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) giải thích thêm: Theo quy định, việc nổ súng chỉ được thực hiện khi đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; hoặc đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ… Ngoài ra, trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện để tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác… Đối chiếu với những quy định trên thì thấy rằng việc CSGT Thanh Hóa nổ súng bắn đạn cao su vào người vi phạm giao thông trong trường hợp này là không phù hợp.
“Khi xảy ra vụ việc như thế thì CSGT có rất nhiều cách thức để xử lý như ghi lại biển số xe để điều tra, xử lý theo quy định. Nếu cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, anh có thể gọi điện thoại yêu cầu cơ quan hoặc các đội tuần tra kiểm soát trên tuyến phối hợp” - luật sư Triển nói.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng trong vụ việc trên rõ ràng người tham gia giao thông đã có lỗi (vượt đèn đỏ) nhưng đó chỉ là vi phạm hành chính chứ không thuộc các trường hợp người thi hành công vụ được sử dụng súng bắn đạn cao su.
“Do súng bắn đạn cao su có mức độ sát thương nhất định nên công an hướng dẫn nghiệp vụ rất chặt chẽ. CSGT chỉ nổ súng khi bị người vi phạm sử dụng vũ khí để tấn công hoặc người vi phạm có ý đồ sử dụng vũ khí tấn công người khác. Trước khi nổ súng, các cán bộ, chiến sĩ phải bắn 1-2 viên chỉ thiên. Nếu người vi phạm dừng hành vi chống đối, tấn công thì thôi, còn nếu họ vẫn cố tình tấn công, chống đối thì lúc đó mới bắn” - một lãnh đạo Phòng CSGT TP Hà Nội nói.
Người nổ súng nói gì?
Trước đó, tại ngã tư tôi phát hiện hai người vượt đèn đỏ nên ra tín hiệu dừng lại nhưng hai người vi phạm ngoái nhìn tôi rồi tiếp tục đi. Khi tôi đuổi theo, dùng gậy ra tín hiệu dừng, áp sát người vi phạm nhưng hai người này vượt lên vỉa hè và tiếp tục tăng ga chạy. Tôi đuổi theo thì người vi phạm lạng lách, đánh võng. Hai người còn tháo nón bảo hiểm định đập vào người tôi. Tôi chạm tay vào súng để người vi phạm dừng lại nhưng cả hai vẫn tiếp tục khiêu khích. Tôi đã bắn ba phát đạn cao su cảnh cáo nhưng họ phớt lờ. Khi đến gần cầu Bố, tôi đã bắn hai phát thì họ mới dừng lại.
Khi tôi đuổi hai người vi phạm đã định không đuổi nữa vì có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhưng khi tôi đi chậm lại thì đối tượng cũng đi chậm lại và có hành vi thách thức. Lúc ấy tôi nghĩ nếu không đuổi nữa người đi đường sẽ nghĩ không hay về CSGT vì bất lực trước người vi phạm. Vì thế tôi cương quyết đuổi bắt và đã xảy ra sự việc…