Vụ bớt khẩu phần ăn của học sinh: Quyết định điều chuyển chưa thỏa đáng

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Nha Trang đã triệu tập bà Lợi đến để trao quyết định điều chuyển về công tác tại Phòng GD&ĐT Nha Trang.

Liên quan vụ bê bối của bà Phan Thị Tiến Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập, sáng 13/11, lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Nha Trang đã triệu tập bà Lợi đến để trao quyết định điều chuyển về công tác tại Phòng GD&ĐT Nha Trang.

Tuy nhiên, cùng với việc điều chuyển bà Lợi, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Nha Trang cũng triệu tập cô giáo Mai Hồng Vân (Hiệu phó phụ trách chuyên môn) để trao quyết định “luân chuyển” về Trường Tiểu học Phương Sơn thành phố Nha Trang.

Ngay lập tức, quyết định “luân chuyển” cô giáo Vân Hiệu phó đi khỏi Trường Tân Lập 1 gây bất bình và xôn xao cho tập thể giáo viên và phụ huynh. Nhiều giáo viên chua chát: với động thái trên, lãnh đạo Phòng GD&ĐT vô tình đã “trúng kế” bà Lợi.

Vì trước đó, bà Lợi từng trắng trợn hăm dọa: “Nếu phải ra đi, tôi sẽ làm cho nát cái trường này”. Nhiều giáo viên và phụ huynh bày tỏ ra lấy làm tiếc trước quyết định điều chuyển cô Vân. Theo họ, Trường Tân Lập 1 có bề dày truyền thống dạy và học (chuẩn quốc gia mức độ 2, nhận Huân chương lao động, dẫn đầu khối tiểu học địa phương…), đương nhiên có phần công sức đóng góp đáng kể của cô Vân qua 10 năm phụ trách chuyên môn.

Trước khi bà Lợi về Tân Lập 1 làm Hiệu trưởng (7/2012), tập thể chi bộ, giáo viên nhà trường là một khối đoàn kết thống nhất, hứng khởi dạy dỗ các em. Mọi sai phạm, tiêu cực, “lùm xùm” (khuất tất trong quyên góp và sử dụng tiền xây dựng trường; giao ban lạm giờ giảng, thay đổi vị trí phòng dạy nhạc bất hợp lý; họp vô bổ bất thường giữa giờ; quản lý kém, để một số cấp dưỡng bớt xén khẩu phần ăn học sinh bán trú; nhận người thân làm việc và trả lương vô nguyên tắc, kêu công an “dỏm” lục máy tính giáo viên để tìm dấu vết đơn tố cáo, bắt phụ huynh phải đứng ngoài đường đón con em…) chỉ có từ khi bà Lợi về.

Đây cũng chính là một trong 12 kiến nghị mà hàng chục phụ huynh đã đến “kêu” cửa phòng hôm 11/11, tất cả đều do bà Lợi gây ra.

Phụ huynh kéo lên Phòng GD&ĐT thành phố.

Việc các giáo viên, trong đó có cô Vân, không a dua đồng tình với sai phạm và tiêu cực của bà Lợi, thậm chí còn thẳng thắn góp ý xây dựng, đều bị bà quy kết chống đối lãnh đạo và quy cho là người gây mất đoàn kết.

Rất tiếc, lãnh đạo Phòng GD&ĐT lại cho đây là hiện tượng mất đoàn kết kiểu “tại anh, tại ả”… và việc điều chuyển bà Lợi đi khỏi trường là cần thiết, nhưng cùng lúc điều chuyển cả cô Vân, nhất là đã cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, liệu có thấu tình đạt lý... Nhiều phụ cho rằng, việc điều chuyển cô Vân sẽ tạo tiền lệ xấu trong ngành, gây tác động tiêu cực đến tâm lý đội ngũ giáo viên. Từ đây, những ai không a dua cái xấu, thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải sẽ “dè chừng”, thậm chí “thụt cổ”.

Về phía mình, cô giáo Vân hết sức bức xúc cho biết: Tôi là một đảng viên, một Hiệu phó, khi Đảng phân công, trên giao nhiệm vụ tôi phải chấp hành, không được phép nói thêm điều gì với nhà báo. Tuy nhiên, sẽ sớm gửi đơn đến các cấp thẩm quyền, đề nghị xem xét lại quyết định luân chuyển (trước thời hạn) cô tại thời điểm này.

Bởi cái cốt lõi  sự vụ mà hiện nay phụ huynh bức xúc là bữa ăn của các em, con em có ăn được, no bụng mới học được, phụ huynh yên tâm công tác… Đây là cái cần kiện toàn ngay, xem xét quy trách nhiệm rõ ràng từng tập thể, cá nhân. Nhưng đằng này trên lại "đánh cả cụm" lãnh đạo trường đi một cách không thể ngờ.

Được biết, khi còn làm Hiệu phó Tiểu học Phước Long 1, trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm quy hoạch đề bạt Hiệu trưởng, nhiều giáo viên Tiểu học Phước Long 1 cho biết, bà Lợi chỉ được có 4 trong tổng số hơn 30 phiếu. Hồ sơ phiếu tín nhiệm được niêm phong, gửi về Phòng GD&ĐT theo quy định, với ghi chú “không đủ điều kiện”.

Không biết bằng phép màu nào, ngay sau đó bà Lợi vẫn “xoay” được quyết định đề bạt Hiệu trưởng. Về Tiểu học Vĩnh Hải 1 làm Hiệu trưởng, bà Lợi lập tức nảy nhiều “sáng kiến” kỳ lạ, vài tháng sau, rồi từ đây lại được điều về trường Chuẩn quốc gia Tân Lập 1, hơn một năm qua, thành tích của thầy cô và trò trong hơn 10 năm qua đồng lòng xây đắp, giờ trở về số “mo”.