Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc chuyên môn của BV Đa khoa Hà Nội, BV này mới đi vào hoạt động được gần hai năm. Trước khi xảy ra sự việc của bệnh nhân Tưởng, BV đã từng chữa trị cho rất nhiều trường hợp tương tự và nhiều người trong gia đình của bà Tưởng cũng từng chữa ở BV này do chính bác sỹ Nguyễn Thị Hoài An khám và chữa trị .
“Ngày 30/10, bệnh nhân Tưởng đến mổ cắt dây thanh quản. Ca mổ thành công, bệnh nhân khỏe mạnh trở về. Đến ngày 8/11, bệnh nhân đến BV khám lại, thấy có nang nước ở dây thanh quản bên trái nên bác sỹ An chỉ định cho chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để bấm nang nước”, PGS.TS Sơn cho hay.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn giải trình
Tuy nhiên, theo PGS.TS Sơn, sau khi tiến hành xịt thuốc tê, đến công đoạn dùng càng soi để banh miệng ra, bất ngờ xảy ra tình trạng co thắt thanh quản khiến bệnh nhân ngừng thở.
Trước tai biến này, các bác sỹ đã phải đặt ống thở và cho bệnh nhân thở bằng máy và tiến hành các biện pháp cấp cứu nhưng không có kết quả. Sau khi biết bệnh nhân bị tai biến, PGS.TS Sơn đã phải “cầu cứu”, xin ý kiến của các bác sỹ có chuyên môn cao đến trợ giúp nhưng cũng không có kết quả khả quan. Đến khoảng hơn 22h cùng ngày (8/11), bệnh nhân Tưởng đã được chuyển sang bệnh viện Việt Đức điều trị trong tình trạng hôn mê.
Sau khi đặt càng soi này, bệnh nhân mới bị tai biến
Khi PV đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến co thắt thanh quản, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn cho hay, hiện tại BV vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể trong trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Tưởng. Phải đợi bác sỹ An đi công tác ở nước ngoài về thì mới tiến hành họp để tìm ra nguyên nhân.
Bệnh nhân Tưởng hiện đang hôn mê sâu, huyết áp vẫn còn nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục, phía BV Đa Khoa Hà Nội vẫn thường xuyên gọi điện sang nhờ các bác sỹ ở BV Việt Đức cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân. “Người thầy thuốc phải có trách nhiệm với bệnh nhân tới cùng, không được vô trách nhiệm. Ngày nào tôi cũng gọi điện hỏi thăm tình hình của bệnh nhân”, PGS.TS Sơn chia sẻ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc.