Như chúng tôi đã đưa tin, sáng 8/11, trong lúc khai mạc giải thể thao học sinh quận Thủ Đức, bé Đỗ Hoàng Phương Anh (6 tuổi, học sinh lớp 1, trường tiểu học Trương Văn Hải, quận Thủ Đức) đã nhảy xuống hồ bơi và chết do hôn mê sâu vì ngạt nước. Giáo viên thể dục của trường cho biết, dù không biết bơi nhưng em vẫn đăng ký đi thi bơi.
Theo anh Luận, bố của cháu Phương Anh, gia đình không hề nhận được thông báo của nhà trường về việc thi bơi của con. Đến lúc cháu gặp nạn, cô giáo cho biết giấy báo trường gửi cho phụ huynh cháu vẫn để trong ngăn bàn lớp học, không đem về nhà.
Tại sao không biết bơi, bé gái lại đăng ký thi bơi? Chuyên viên tâm lý Ngô Toàn cho rằng cái chết đau lòng của bé lại có thể bắt nguồn từ động cơ khao khát tích cực và tốt đẹp.
Từ góc độ phát triển tâm trí, trẻ em trong giai đoạn 3 tuổi có thể suy nghĩ, tưởng tượng, ước muốn mà không cần dựa vào thực tế bên ngoài. Bé 3 tuổi có thể bắt chước người lớn nói rằng “con cũng biết vẽ bông hoa” trong khi thực ra bé không hề biết vẽ. Thế nhưng, đến khoảng 4-5 tuổi, những suy nghĩ, niềm tin của bé đã có căn cứ từ thực tế, bé có khả năng phân biệt được ước muốn và thực tế, niềm tin đúng hay niềm tin sai lầm, giả tạo. Điều này có nghĩa là các bé ở lứa tuổi Phương Anh hoàn toàn có thể ý thức được về khả năng bơi của mình (không biết bơi). Nhận thức ở lứa tuổi này cùng với việc từng nhiều lần tiếp xúc với hồ bơi cũng cho phép cô bé phân biệt được giữa việc bơi và việc nghịch nước.
Biết rõ mình không biết bơi, tại sao cô bé tội nghiệp lại nói dối? “Điều này cho thấy bé muốn được tham gia vào các hoạt động của trường học, bé muốn thể hiện mình có giá trị, muốn được người khác ghi nhận” - chuyên viên tâm lý Ngô Toàn giải mã ý nghĩa thực sự ẩn sau hành vi của bé.
“Đây là một ví dụ buồn và tiêu cực cho thấy trường học có giá trị, ý nghĩa đối với trẻ em như thế nào. Bởi vì khi trẻ em muốn tham gia, muốn thể hiện mình, muốn kết nối với các hoạt động ở trường cho thấy rằng trường học đã đem lại những điều tốt đẹp, khiến các em yêu thích và coi trọng”.
Khao khát cảm thấy mình thuộc về trường học, được yêu mến và có giá trị trong mắt bạn bè, thầy cô là một nhu cầu tâm lý quan trọng của trẻ em thường bị bỏ qua, trong khi thành tích và điểm số lại được chú trọng quá mức. Câu chuyện hàng ngày của một đứa trẻ đâu chỉ là điểm số mà còn là những niềm vui, những điều con thích ở trường, những mong muốn hoạt động, những giá trị mà con muốn chứng tỏ - những điều mà bố mẹ sẽ dễ dàng biết được với sự quan tâm và giao tiếp thường xuyên.
“Càng có nhiều phụ huynh dành thời gian, dấn thân vào các hoạt động của con ở trường, càng có nhiều giáo viên làm mọi điều để khiến học trò cảm thấy được chào đón ở trường học, thúc đẩy mong muốn hoạt động của học sinh, các em càng được cảm thấy thuộc về và có động lực học tập ở trường học.” – chuyên viên tâm lý Ngô Toàn kết luận.