Ngày 4/4, sáu luật sư bào chữa cho các bị báo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên phó tổng giám đốc ACB) trong vụ án lừa đảo, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng ACB đã đồng ký văn bản đề nghị hoãn phiên tòa, không đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16-4 như kế hoạch.
Đơn kiến nghị của các luật sư được gửi tới Chánh án TANDTP Hà Nội, Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Ban Nội chính trung ương và một số cơ quan. Lý do đề nghị hoãn phiên tòa theo các luật sư là do vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank TP.HCM) lừa đảo 4.000 tỉ đồng chưa được xử phúc thẩm nên chưa xác định được rõ ràng là ACB có bị thiệt hại số tiền 718 tỉ đồng hay không.
Theo các luật sư, các bị can trên bị VKSND Tối cao truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với hành vi ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng tiết kiệm vào VietinBank chi nhánh TP.HCM rồi toàn bộ số tiền gửi trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, thiệt hại cho ACB là 718 tỉ đồng.
Ngày 27/1/2014, TAND TP.HCM đã tuyên bản án sơ thẩm xét xử vụ lừa đảo này, có tuyên: Buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho ACB số tiền là 668 tỉ đồng; Buộc Huỳnh Thị Huyền Như và Trần Thị Tố Quyên liên đới bồi thường cho ACB số tiền là 50 tỉ đồng; Buộc VietinBank chuyển trả lại cho ACB số tiền là 24 tỉ đồng trong tài khoản của 19 nhân viên ACB đứng tên tại VietinBank, khoản tiền này được trừ vào khoản tiền phải bồi thường cho ACB.
Theo các luật sư, ngay tại phiên tòa sơ thẩm này, HĐXX cũng chưa xác định chính xác số tiền Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt được là bao nhiêu, là 668 tỉ hay 718 tỉ.
Sau bản án sơ thẩm, hầu hết các nguyên đơn dân sự, bị hại gửi tiền vào VietinBank đều có đơn kháng cáo bản án này và yêu cầu VietinBank trả tiền cho các cá nhân tổ chức đã gửi tiền vào VietinBank. ACB cũng kháng cáo yêu cầu VietinBank trả cả tiền gốc và lãi số tiền 913 tỉ đồng.
Hiện tại, phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như vẫn chưa xét xử, các yêu cầu của người gửi tiền, trong đó có ACB về việc VietinBank phải trả tiền sẽ được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Như vậy, việc ACB có bị thiệt hại trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như hay không vẫn chưa được xác định.
Vì thế, theo các luật sư, cáo trạng VKSND Tối cao xác định hành vi của các ông Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn thiếu trách nhiệm để thiệt hại cho ACB 718 tỉ đồng là chưa có cơ sở.
Theo các luật sư thì việc xác định thiệt hại của ACB trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như rất quan trọng vì đó là yếu tố xác định tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xác định trách nhiệm dân sự của các bị can trên trong vụ án này.
Nếu phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như buộc VietinBank phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người gửi tiền trong đó có ACB thì ACB không bị thiệt hại, như vậy thì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của các bị can trên cũng không đủ yếu tố cấu thành.
Còn trong trường hợp phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kết luận ông Kiên và các bị can trên phạm tội Cố ý làm trái gây thiệt hại cho ACB số tiền 718 tỉ đồng mà phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như buộc VietinBank phải trả tiền cho ACB thì kết quả 2 vụ án sẽ mâu thuẫn.
Bởi vậy, để có cơ sở xác định thiệt hại của ACB do hành vi ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền tiết kiệm vào VietinBank, 6 luật sư kiến nghị TAND TP.Hà Nội xem xét hoãn xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm để chờ kết quả phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.