Vụ bạo hành: Tiết lộ rùng mình của trẻ nhiễm HIV đã bỏ trốn

Ngoài việc bị bạo hành, trẻ ở trung tâm còn phải chịu những quy định “lạ” như phạt 100 nghìn/đôi dép nếu không để lên kệ, 100 nghìn đồng/quyển truyện bỏ quên trên giường…

Những quy định “lạ”

Bên cạnh những trẻ bị các bảo mẫu đánh trong bữa ăn dư luận lên án vừa qua thì ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức (T.p HCM) còn có nhiều em khác cũng từng bị bạo hành nay đã về nhà hoặc phải trốn ra ngoài thuê nhà trọ.

Lần theo những thông tin trên, chúng tôi tìm gặp em N.P.D. (SN 1996) người từng bị bạo hành và nay đã trốn khỏi Trung tâm ra ngoài thuê phòng ở.

Qua lời kể nghẹn ngào của em, nhiều câu chuyện đáng thương xung quanh cuộc sống của những đứa trẻ nhiễm HIV đang được nuôi, dạy tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân từng bước được hé mở.

Theo lời D. thì em là trẻ nhiễm HIV mẹ mất sớm nên cha gửi em vào Trung tâm sống và học tập từ năm 2006. Do bức xúc với cách đối xử của các bảo mẫu trong Trung tâm nên em đã trốn khỏi nơi đây được hơn một tháng.

Trung tâm bảo trợ trẻ em Linh Xuân, nơi xảy ra việc các bảo mẫu hành hạ trẻ
nhiễm HIV trong bữa ăn gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Khoảng thời gian sống trong Trung tâm, D. đã không nhớ nổi biết bao lần bản thân em bị đánh và nhìn thấy các bạn khác bị bạo hành vì những lý do không chính đáng.

“Tại trung tâm, ngoài việc phải chấp hành những quy định chung thì tụi em còn phải chịu hình phạt khác do giáo viên tự đặt ra như bàn là dùng đã cũ bị cô tính gần 2 triệu. Sau đó trừ theo đầu người, đứa lớn 100 nghìn đồng, đứa nhỏ 50 nghìn đồng.

Hay như dép để dưới nền nhà bị phạt 100 nghìn đồng/đôi, quần áo mặc xong không giặt trong ngày bị phạt 100 nghìn đồng/bộ, truyện đọc xong để trên giường bị phạt 100 nghìn đồng/quyển.

Có người bị phạt tiền nhiều không còn tiền gửi xe khi đi học. Không còn cách nào khác các em phải gọi về gia đình xin chu cấp nhưng xin nhiều lần người thân cũng không cho”, D. kể.

Những quy định "lạ" do giáo viên, bảo mẫu đặt ra đã được các em phản ánh lại với
bà Nguyễn Thị Kim Tiên - Giám đốc Trung tâm nhưng không được xử lý

Không chịu nổi đành bỏ trốn khỏi Trung tâm

Bức xúc với cách hành xử của giáo viên, các em đã báo sự việc lên Giám đốc Trung tâm nhưng không được xử lý. Cuối năm 2014, một nhóm gồm 16 trẻ đã âm thầm viết đơn kêu cứu gửi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Từ lá đơn kêu cứu này đầu năm 2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra và xử lý vụ việc.

Ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân trong buổi làm việc với báo chí cũng đã xác nhận là có sự việc trên.
Bà Tiên cho biết: “Căn cứ vào quyết định xử phạt của Sở, Trung tâm đã cách chức Trưởng khoa và Phó khoa Tuổi Xanh đồng thời kỷ luật đối với bảo mẫu Lưu Thị Hà”.

Trong buổi làm việc với báo chí chiều ngày 6/4, bà Tiên khẳng định rằng trong quá
trình kiểm tra không phát hiện các em bị bầm tím. Chỉ đến khi PV mời xem clip thì
bà mới nhận có sai sót trong quá trình kiểm tra.

Cũng theo D. thì sau khi âm thầm gửi đơn kêu cứu lên Sở, cuộc sống hàng ngày của các em luôn bị các cô trong Trung tâm theo dõi, tra khảo, hỏi ai là người viết đơn.

“Em thấy ngột ngạt và không thể sống nổi trong này nên đã kêu cha lên làm bảo lãnh cho em hồi gia. Nhưng chờ mãi không thấy cha lên nên em đã trốn ra ngoài thuê phòng trọ ở và đi làm thêm”, D. nghẹn ngào.

Theo chị N.T.H.T. từng công tác tại Trung tâm nay đã nghỉ việc thì những trường hợp được cha mẹ lên bảo lãnh hồi gia thì có mã số về địa phương lĩnh thuốc về uống.

Do bức xúc với những quy định "lạ", cách đối xử của giáo viên,
bảo mẫu nên có trẻ đã bỏ trốn ra ngoài.

Còn trường hợp trốn thì không có mã nên các em phải tự kiếm tiền mua. Số tiền mua thuốc uống mỗi em khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

"Trong 3 trường hợp bỏ trốn ra ngoài thì có em HD. là có hoàn cảnh đặc biệt nhất, HD. bị cha mẹ bỏ ở cổng của Trung tâm khi mới sinh. Lớn lên trong Trung tâm sau đó HD. trốn ra ngoài và có vài lần quay lại thăm các em nhưng bị đuổi", chị T. cho biết thêm.