Những cái Tết hạnh phúc trong quá khứ
Ngày cuối năm, bầu không khí ảm đạm vẫn bao trùm ngôi nhà. Ông Nguyễn Hữu Đức (bố chồng nạn nhân) mái tóc đã điểm bạc, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn đang cùng vợ và hai cháu ăn cơm. Bữa ăn đạm bạc không có gì ngoài bát canh rau cải, mấy miếng thịt kho. Cậu bé chín tuổi con út chị Huyền đang xúc vài thìa cơm cuối cùng, thấy khách đến, chạy vội lên tầng hai. Bà Phạm Thị Trà, mẹ chồng chị Huyền thu dọn bàn ghế, cẩn thận hâm lại thức ăn rồi dùng chiếc lồng bàn đậy lại chờ con trai về ăn. Tuy nhiên, vài phút sau vợ chồng bà nhận được điện thoại của con trai nói không về được vì đang ở nơi xa tìm xác vợ. Bố chồng nạn nhân thở dài: “Từ ngày con dâu tôi xảy ra chuyện, con trai tôi thường xuyên không về nhà ăn cơm. Chỗ nào người ta nói có tin của vợ là nó chạy đi tìm kiếm không kể thời gian. Giờ phải tập thích nghi với cơm bụi, tiện nơi nào là ăn chỗ đó”. Tiếng thở dài não nề của hai ông bà cùng mâm cơm đã lạnh tanh khiến khách không khỏi chạnh lòng.
Trong ngôi nhà chật hẹp, chưa thấy dấu vết gì của ngày Tết. Một nhành mai giả được ông bà sắm từ Tết năm trước, hoa mới chỉ là vài bông hoa cúc vàng được đặt trên bàn thờ chị Huyền. Lặng lẽ thắp một nén hương cho người con dâu xấu số, bà mẹ chồng rưng rưng nước mắt. Cái Tết này, bà không còn được cùng con dâu sắm sửa đồ đạc, bài trí đồ vật trong nhà nữa. “Huyền về làm dâu nhà tôi đã được 15 năm. Nó rất hiếu thảo, biết chăm lo cho mọi người. Chiếc xe của Huyền đã được mang về nhà, cứ nhìn vào nó là tôi lại cảm thấy đau đớn. Tầm này mọi năm, tuy bận bịu công việc nhưng Huyền vẫn chở tôi đi mua măng, miến, hạt dưa về chuẩn bị Tết”, bà nức nở.
Những cái Tết sum vầy của gia đình nay chỉ còn trong kí ức. Hàng năm, trước Tết khoảng một tuần, tự tay chị Huyền đi sắm sửa. Trong khuôn viên phố cổ chật hẹp, thời gian không có nhiều, chị Huyền phải đi đặt bánh chưng về ăn Tết. Mỗi lần mua thêm đồ vật gì chị đều ghi lại rõ ràng, “kiểm” mọi thứ xem thiếu đủ ra sao. Những ngày giáp Tết, chị không quên đi đến nghĩa trang viếng mộ tổ tiên, mời các cụ “dưới âm” về ăn Tết cùng gia đình. Mọi việc lo Tết đều một tay chị Huyền quán xuyến, chưa lần nào bị mọi người phàn nàn.
Năm nay gia đình ông bà lại phải tính tìm người khấn tổ tiên. Trong gia đình, chị Huyền là người thuộc hết những bài khấn nôm nên được mọi người giao trọng trách cúng lễ. “Năm nào cũng vậy, cả gia đình quây quần chơi tam cúc. Năm người gồm vợ chồng Huy, vợ chồng tôi và con trai cả nó mỗi người một “chân”. Bộ tam cúc chỉ có bốn người chơi vì vậy ai thua phải ra ngoài cho người còn lại mới có cơ hội vào chơi cùng. Có lần, cháu trai lớn thua nhiều quá khóc òa lên, thế là mọi người lại nhường hết cho cháu. Nhớ lại những ngày tháng đó thật hạnh phúc. Bây giờ chẳng còn nữa…”, ông bố chồng thở dài.
Cuối năm nhà nhà đi sắm Tết, mình đi xây mộ gió
Nhắc về mối lương duyên anh Huy - chị Huyền trở thành vợ chồng, cha mẹ chồng cho biết sự việc khá tình cờ. Chị Huyền khi ấy là một cô giáo trẻ mới học xong trường ngoại thương, dạy học tại trung tâm dạy ngoại ngữ; anh là học sinh trong trung tâm đó. Hai người quen nhau khoảng hơn một năm mới tính chuyện kết hôn. Từ đó đến nay, cuộc sống của hai vợ chồng luôn đầm ấm hạnh phúc. Anh Huy có công việc khá bấp bênh thì chị lại ổn định. Trước khi mất, được đề bạt lên chức trưởng phòng vé nên chị Huyền có phần tự ti về ngoại hình của mình. Vốn dĩ biết được dự định thẩm mỹ của vợ, anh Huy đã ngăn cản. Tuy nhiên, chị đã “liều” trốn chồng đi thẩm mỹ, viện lý do đi dự hội thảo. Đến khi chị mất tích được một ngày, mọi người trong gia đình vẫn hi vọng tìm kiếm. Nhưng khi chiếc xe máy của chị Huyền được tìm thấy ở khu vực đường Cổ Linh (Long Biên) đồ đạc không hề mất, xe không vết xước, gia đình đã có linh cảm không tốt.
Con dâu mất xác đã gần ba tháng, người thân trong gia đình vẫn mòn mỏi đợi chờ. Gia đình đã gặp không ít các “nhà ngoại cảm”, hay sử dụng chiếc máy dò tìm thi thể nhưng đều công cốc. Tuy nhiên, bố mẹ chồng nạn nhân cho hay cũng có chút ấm lòng vì biết chuyện cuộc đời còn quá nhiều người tốt. Có không ít người tốt, không cần nhờ vả, cũng tự tìm kiếm giúp. Có người năm nay đã hơn 80 tuổi ở đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) âm thầm thuê thuyền và thợ lặn tìm kiếm xác chị nhưng không thành, gia đình chỉ biết đến việc này thông qua những người thợ. Hay có người đi bộ từ Hà Nội lên đến Ba Vì theo sơ đồ để tìm kiếm.
“Đến nay, gia đình đã có dự định làm mộ gió cho con dâu tôi vào 100 ngày mất, địa điểm xây mộ ở Từ Liêm. Tính thời điểm đó cũng là ngày 25 Tết. Từ ngày con dâu mất không tìm thấy xác, trong tâm can tôi lúc nào cũng cảm thấy không yên ổn. Hi vọng thời gian tới sẽ tìm thấy xác con để cháu được yên nghỉ. Qua đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã không tiếc công sức thầm lặng giúp gia đình tìm xác con dâu tôi”, người mẹ chồng nghẹn lời.
Chiều cuối năm, ông bà ngồi nhẩm tính theo đúng như phong tục người Việt trong gia đình có người chết, năm nay họ sẽ không đi chúc Tết ai. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ. Hàng năm, đến Tết đều được mẹ đưa đi mua đồ, sắm sửa quần áo; đưa đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để cầu đường học hành, năm nay chúng không còn được hưởng niềm hạnh phúc giản dị ấy nữa. Từ ngày mất mẹ, cậu bé học lớp 8 trầm tính hẳn, còn cậu em nhỏ tuổi hơn đôi khi vẫn còn mải chơi, nhiều lúc nhắc đến mẹ rồi khóc.
Trong ngôi nhà có người phụ nữ trụ cột tức tưởi chết mất xác, Tết này trong khi mọi người quây quần sum họp, gia đình này lại lặng lẽ hồi tưởng gặm nhấm quá khứ hạnh phúc những cái Tết sum vầy.