TS Vũ Đức Khiển - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên phó viện trưởng Viện KSND tối cao nêu quan điểm.
Trong lá thư gửi báo Tuổi Trẻ, ông Khiển bày tỏ là một cử tri, ông rất tán thành quyết định của Thủ tướng Chính phủ rút đăng cai, không tổ chức Asiad 18 tại Hà Nội.
“Đây là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, tránh cho đất nước một hậu quả khôn lường”, ông Khiển nói.
Tuy nhiên, ông băn khoăn không hiểu tại sao trong các cuộc họp thảo luận về vấn đề này, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch luôn khẳng định nước ta sẽ có lợi ích rất lớn nếu nhận đăng cai Asiad 18.
Đến tận buổi làm việc cuối cùng với Thủ tướng ngày 17/4, bộ này vẫn bảo lưu quan điểm, trong đó có đặt ra mục đích rất hay là “quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước”.
TS Nguyễn Đức Khiển đặt câu hỏi: “Vậy ở đây có việc bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tham mưu đề xuất với Chính phủ một chủ trương sai có nguy cơ gây ra hậu quả xấu lớn cho đất nước về nhiều mặt”?
Hơn nữa, trong lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII vào ngày 10 và 11/6/2013 thì thấy ông Hoàng Tuấn Anh chỉ được 90 phiếu tín nhiệm cao (bằng 18,07% tổng số đại biểu Quốc hội), trong khi đó ông lại có đến 116 phiếu tín nhiệm thấp (bằng 23,29% tổng số đại biểu Quốc hội).
“Nhưng ông lại không suy nghĩ về điểm này nên đã tiếp tục làm giảm sự tín nhiệm đối với mình. Vậy nên tôi đề nghị tại kỳ họp thứ 7 sắp tới của Quốc hội nên xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh để thực hiện đúng tinh thần nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI”, ông Khiển đề nghị.
Trước thông tin Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18, Tổng giám đốc Hội đồng Olympic châu Á (OCA), ông Husain Al Musallam cho biết ông ủng hộ chuyện Việt Nam rút lui, bởi tuyên bố rút lui ở thời điểm này là phù hợp (vẫn còn 5 năm nữa mới đến ASIAD18), đồng thời OCA hiểu rõ những khó khăn của Việt Nam.
Trước Việt Nam, đã có một số quốc gia xin rút lại quyền đăng cai ASIAD, như Hàn Quốc trước ASIAD 1970 và Singapore cũng như Pakistan trước ASIAD 1978.
Năm 2012, Việt Nam được OCA chọn đăng cai ASIAD 18. Ngay sau đo, lãnh đạo OCA và lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam đã tiến hành ký hợp đồng.
Điều đáng lưu ý là trong hợp đồng này có một điều khoản khá quan trọng là nếu nước đăng cai xin rút lui với những lý do không nằm trong các lý do do OCA đưa ra (động đất, chiến tranh...) thì sẽ bị phạt 1 triệu USD.
Đây là số tiền phạt chứ không phải tiền đặt cọc 1 triệu USD cho OCA. Việt Nam chưa đặt cọc khoản này.
4 năm vận động đăng cai
Cách đây 4 năm, tháng 3/2010, Bộ VHTT&DL đã có công văn xin Chính phủ phê duyệt chủ trương tham gia vận động giành quyền đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Việt Nam.
Sau 2 tháng, tháng 5/2010 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Thủ tướng đã có ý kiến: đồng ý chủ trương vận động đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 và Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 4 năm 2016.
Để triển khai vận động đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 Bộ VHTT&DL đã lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh liên quan, đã 5 lần có văn bản báo cáo Chính phủ.
Trước đó, tại buổi tiếp đón Phó Chủ tịch danh dự Hội đồng Olympic châu Á - ông Wei Jizhong, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: Trong nhiều năm qua, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể tại các kỳ Đại hội thể thao châu Á, Thế vận hội mùa hè cũng như các giải đấu quốc tế quan trọng khác.
Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm đã từng tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, nếu được đăng cai tổ chức ASIAD 18 – 2019, Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ làm hết mình để đăng cai tổ chức thành công sự kiện thể thao quan trọng này.