Từ năm 2008, Porsche - với tham vọng thâu tóm Volkswagen - đã mua được 51% cổ phần của hãng xe này và đặt mục tiêu tăng lên 75% cổ phần vào năm sau. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính do chiến lược đầu tư mạo hiểm của người đứng đầu hãng thất bại làm cho Porsche chìm trong khoản nợ khổng lồ gần 10 tỷ euro, buộc nó phải cầu cứu sự giúp đỡ từ chính VW - tạo cơ hội cho VW lật ngược thế cờ thâu tóm ngược trở lại hãng xe sở hữu mình và khiến CEO huyền thoại đầy cá tính Wendelin Wiedeking phải rút lui.
Trong năm 2009, hãng xe lớn nhất Châu Âu (VW) chính thức đạt được thoả thuận mua 42% cổ phần của Porsche. Sau đó tăng lên 49,9%. Từ đó đến nay, giữa hai thương hiệu đã diễn ra nhiều cuộc thương lượng về lợi ích, quyền sở hữu, chính sách và đặc biệt là Porsche sẽ không đánh mất bản sắc thương hiệu sau khi về cùng một nhà với Volkswagen.
Ở khía cạnh nào đó, thương vụ này nghe có vẻ không hợp với người tiêu dùng. VW vốn được biết đến là thương hiệu của quần chúng giống như Toyota của người Nhật, còn Porsche là một trong những thương hiệu có danh tiếng và cá tính bậc nhất thế giới. Song trên thực tế, vấn đề quản lý và sở hữu giữa hai công ty này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ kể từ sau Đại chiến thế giới lần II.
Sự thất bại của Porsche đã huỷ hoại hoàn toàn sự nghiệp 18 năm của nhà lãnh đạo kỳ cựu Wendelin Wiedeking - người được coi là Lee Iacocca của ngành công nghiệp ôtô Châu Âu.
Thực tế cuộc lội ngược dòng của Volkswagen không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nó khá phức tạp về mặt pháp lý. Bởi lẽ sau những nỗ lực tiếp quản VW của Porsche, VW lại trở thành người cứu hộ của hãng. Thoả thuận giữa đôi bên bị trì hoãn trong khi các công ty và luật sư cố gắng để dàn xếp các vụ kiện cáo của cổ đông. Cho đến ngày 5/7 vừa qua, nó cuối cùng đã khép lại. Volkswagen sẽ hoàn toàn sở hữu Porsche vào ngày 1/8 tới.
Thoả thuận được sắp xếp theo hình thức cải tổ để tránh 1,5 tỷ euro tiền thuế mà nếu nó diễn ra theo hình thức sáp nhập hoặc thôn tính. Điều đó cũng tốt cho ảnh hưởng của Piech và Porsche trong chính trị Đức.
"Volkswagen sẽ trả cho các cổ đông của Porsche 5,61 tỷ USD để đổi lấy 50,1% cổ phần mà họ đã không còn nắm giữ."
Sau đó hai bên sẽ tiếp tục cùng nhau sản xuất xe hơi, cùng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật cơ khí như họ đã làm với Cayenne và Touareg. Trên thực tế, Chủ tịch của VW Ferdinand Piech cũng là một phần của gia tộc Porsche-Piech vốn đã nắm giữ cổ phần kiểm soát trong Porsche AG. Cả hai công ty đã cùng kinh doanh và hợp tác ở một số mẫu xe trong các thập kỷ qua.
Một ví dụ xa hơn, "cha đẻ" của 911, Ferdinand Porsche đã thiết kế chiếc Beetle đầu tiên cho Đảng Quốc xã Đức ở những năm 1930 - chiếc xe mà ngày nay Volkswagen AG đang sản xuất từ sau chiến tranh.
Ferdinand Piech, cố vấn cao cấp của Volkswagen, một trong 10 nhân vật quyền lực trong ngành công nghiệp xe hơi.
Ngoài Porsche, Volkswagen hiện cũng sở hữu các hãng xe hạng sang khác là Bentley, Audi, Lamborghini và Bugatti.