Vô tình “đầu độc” con vì tùy tiện dùng thuốc

“Nhiều người thấy trẻ sơ sinh đi ngoài khoảng 3 lần/ngày trở lên liền nghĩ con bị tiêu chảy nên tự ý mua men tiêu hóa, các loại thuốc Tây-Đông y cho con uống".

Hậu quả không những làm cho trẻ rối loạn tiêu hóa mà còn gây độc hại khi dùng thuốc không đúng cách - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo.

Như trường hợp gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2012, là cháu bé mới hơn 1 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị ngộ độc chì nặng do được mẹ cho uống thuốc cam chữa tiêu chảy. Chị Long, mẹ cháu bé cho biết: Chị sinh cháu hoàn toàn khỏe mạnh, cháu nặng 3,5kg. Thời gian đầu cháu đi ngoài phân su, sau đó cháu liên tục đi ngoài ra bọt. Thấy vậy chị nghĩ con bị tiêu chảy nên mua men tiêu hóa về cho con uống mà không đỡ. Sợ con tiêu chảy lâu sẽ hao người, chị liền đi mua thuốc cam gia truyền của một bà lang ở thị trấn Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc theo lời mách của hàng xóm.

Mua được thuốc về, chị pha ra cho con uống nước còn mình thì ăn phần bã. Khoảng 3 ngày sau chị thấy con không đỡ, vẫn đi ngoài ra bọt nên dừng uống. Đến 15 ngày sau thì cháu có biểu hiện ho, sốt nên chị đưa con đến BV tỉnh khám, sau đó thì bé được chuyển tiếp lên khoa Nhi, BV Bạch Mai với biến chứng viêm phổi.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh, tím toàn thân, thở nhanh, biến chứng viêm phổi, có biểu hiện co giật-não đã bị ảnh hưởng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cháu bé bị ngộ độc chì cấp, hàm lượng chì trong máu là khoảng 40mcg. Cháu bé vẫn đang được tiếp tục theo dõi, điều trị thải độc chì. Quá trình này phải mất vài tháng. Các bác sĩ cũng chưa thể đánh giá hết những ảnh hưởng của chì tới não cháu bé.

Ngoài trường hợp bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam chữa tiêu chảy, còn nhiều trường hợp khác dùng men tiêu hóa, thậm chí kháng sinh… đã ảnh hưởng xấu đến trẻ. Nguyên nhân do người lớn có những cách hiểu sai lầm về tiêu chảy ở trẻ.

Người lớn, trẻ lớn bình thường ngày đi ngoài 1 lần nên nghĩ rằng hễ trẻ đi ngoài 3 lần trở lên/ngày đồng nghĩa trẻ đó bị tiêu chảy. Thế nhưng, quan niệm này không đúng ở trẻ em-đặc biệt ở trẻ sơ sinh, đang bú mẹ thì lại càng không đúng. Thực tế nhiều người, thậm chí cả bác sĩ cũng không hiểu mà nghĩ rằng trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Hiện nay các bác sĩ nhi không được đào tạo từ đầu chí cuối như trước mà đa phần từ đa khoa chuyển sang. Họ mang những kiến thức của đa khoa sang, khám trẻ như khám cho người lớn. Điều này rất nguy hiểm. Khi thấy trẻ có biểu hiện đi ngoài nhiều lần/ngày nhiều bác sĩ liền xét nghiệm phân. Thấy nấm trong phân lại nghĩ tiêu chảy do nấm. Thực tế thì trong phân cũng thường có nấm.

Vấn đề là xác định nấm đó có gây bệnh không, nếu không mà cứ cho thuốc chống nấm thì cũng nguy hiểm vì đây là sinh lý bình thường của trẻ bú mẹ. Bác sĩ không hiểu bản chất cứ thấy con gì thì chữa con đấy. Cách này hoàn toàn sai. Cho trẻ uống nhiều loại thuốc chỉ càng hại người, làm loạn khuẩn đường ruột và thuốc kháng sinh có thể gây ngộ độc” - TS. Dũng cho biết.

Vì vậy, để chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh cho trẻ, mọi người cần đưa trẻ đi khám triệu chứng, xem tình trạng có nặng hay không; trong thời gian ấy trẻ ăn uống gì… Qua đó tổng hợp nhiều triệu chứng để biết trẻ bị bệnh hay không rồi quyết định dùng thuốc phù hợp.

Đặc biệt, với những trẻ đang bú mẹ, không ăn thêm thức ăn nào khác thì có cháu đi một ngày 5-7 lần, phân đôi khi có nước, hoa cà, hoa cải là điều bình thường, không cần phải lo lắng. Nếu trẻ không sốt, bú bình thường, ngửi không thối thì không sao, không cần can thiệp xét nghiệm, uống men tiêu hóa, khi lớn đường tiêu hóa sẽ tự điều chỉnh. Tuyệt đối cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc cho trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc do dùng thuốc, men tiêu hóa một cách bừa bãi..