Vợ nhiều năm khốn khổ vừa tìm chồng đòi nợ, vừa đòi quyền ly hôn

Nhiều lần tìm chồng để níu kéo, nhiều năm mòn mỏi chờ đợi anh vẫn không quay trở về, chị đành phải viết đơn xin li hôn.

Trót lấy phải người đàn ông đa tình và đam mê bài bạc, đề đóm làm chồng, chị Đặng Ngọc Cẩm (SN 1985, Quê Trà Ôn, Vĩnh Long) quen dần với cảnh chồng tình tứ bên người con gái khác, ruồng rẫy vợ con, vẫn chấp nhận làm chỗ dựa cho anh những lúc bị giang hồ siết nợ chỉ mong con trai có được một gia đình trọn vẹn. Thế nhưng, khi “sóng yên biển lặng” anh lại bỏ rơi vợ con, để lại khoản nợ cả trăm triệu đồng bắt chị phải trả. Nhiều lần tìm chồng để níu kéo, nhiều năm mòn mỏi chờ đợi anh vẫn không quay trở về, chị đành phải viết đơn xin li hôn, nhưng chẳng hiểu sao đơn gửi đi hơn 2 năm vẫn không được giải quyết.

1. “Em và anh ấy kết hôn gần 10 năm, có con trai hơn 9 tuổi nhưng thời gian vợ chồng sống chung chưa tới ba năm”, thiếu phụ bắt đầu kể câu chuyện bất hạnh đời mình. Hơn 10 năm trước, thôn nữ lần đầu tiên bước chân lên phố thị. Cô bạn đồng hương cùng phòng là chỗ dựa tinh thần duy nhất khoảng thời gian xa quê ngày đi làm, tối ngủ thiếp đi vì mệt. Đã có lúc muốn quay về, nhưng hình ảnh người mẹ một nắng hai sương vất vả khiến cô chùn bước. May sao, trong những ngày buồn bã, cô đơn nhất, cô được người đàn ông (SN 1984, ngụ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) sống cùng dãy trọ giúp đỡ khiến nỗi cô đơn vơi dần, và trái tim bắt đầu lỗi nhịp. Cô yêu bằng tất cả sự trong sáng, mộc mạc của con gái miền sông nước, anh đáp lại bằng tình yêu cũng giản dị chân thành. Tình yêu tuổi trẻ bồng bột, nông nổi, chưa kịp hiểu về nhau cô đã trót có bầu. Anh không chối bỏ mà mừng vui ra mặt, báo tin ngay với gia đình. Đám cưới của họ nhanh chóng diễn ra trong sự chúc phúc của đôi bên họ hàng.

Cẩm tâm sự: “Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất, cũng là hạnh phúc cuối cùng em được đón nhận từ anh ấy”. Sau ngày cưới, tình yêu không còn lung linh như thuở ban đầu, anh không còn dành hết thời gian cho Cẩm như trước, đi làm về là nhậu nhẹt. Vợ xanh xao vì thai nghén, Phương bỏ mặc ra ngoài tìm thú vui bên người khác. Tiền bạc dành dụm sau ngày cưới cũng bị anh ném dần vào chiếu bạc và các cuộc vui. Sự thay đổi của chồng khiến cô ngỡ ngàng. Bạn bè bảo, anh vốn là kẻ siêng ăn nhác làm, mê cá độ, bài bạc lô đề, trăng hoa có hạng. Cô quá tin yêu khờ khạo đã không tìm hiểu trước. Bạn bè còn chỉ cho cô những nơi anh hay lui tới để đánh ghen. Cô cùng từng tìm đến, từng chứng kiến cảnh chồng thân mật với người con gái khác, kết quả lại bị chồng đánh ngược. Kể từ đó, anh công khai bồ bịch trước mặt vợ. Cô dằn lòng tha thứ cho chồng hết lần này tới lần khác.

Ảnh minh họa

2. “Chuyện bài bạc, trai gái, cả việc đánh vợ em có thể bỏ qua, nhưng sự vô tâm, vô cảm thì em không thể chấp nhận được”, Cẩm buồn rầu nhớ lại. Khi ngày sinh cận kề, mẹ vợ bị tai nạn phải nhập viện, anh vẫn dửng dưng như kẻ qua đường. Vợ năn nỉ cùng về quê thăm mẹ, anh lạnh lùng bảo bận việc. Vợ xin tiền về, anh bảo tiêu hết từ lâu. Cẩm nghẹn ngào: “Của hồi môn, tiền đám cưới ảnh giữ, tiền lương ảnh cũng chẳng đưa em. Còn em từ ngày có thai làm ít nghỉ nhiều, lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt trong nhà, khi mẹ xảy ra chuyện em không có lấy một xu dính túi. Ảnh biết rõ vậy, ít ra cũng nên mượn tạm đâu đó chút tiền đưa cho vợ làm lộ phí, đằng này chẳng thèm đếm xỉa, cứ thế bỏ đi chơi như không có chuyện gì”.

Giận chồng, cô về thăm mẹ và ở luôn tới ngày sinh nở. Song điều đó không làm anh bận lòng, kể cả khi biết tin mình đã làm cha, anh cũng chỉ ghé thăm chốc lát khi con trai được 2 ngày tuổi.

Nhiều người bức xúc khuyên cô nên li dị, nhưng vợ chồng đâu phải nói bỏ là bỏ được. Cô yêu chồng, yêu con, muốn con được lớn lên trong gia đình có cả cha lẫn mẹ, nên vẫn lần lữa chờ anh hồi tâm chuyển ý. Gần một năm sau, ngày Cẩm chờ đợi cũng đã đến, anh gọi điện cho cô tỏ vẻ hối lỗi. Mọi giận dỗi bỗng chốc tan biến, ngay ngày hôm sau cô ôm con khăn gói lên thành phố với chồng.

Sự thật là anh mắc nợ và cần một người cùng mình gánh chung trách nhiệm. Có lẽ anh tính toán Cẩm sẽ không lên thành phố tay không, và số tiền ấy ít nhiều sẽ cứu được mình trong giai đoạn nguy cấp. Hụt hẫng, nhưng không lẽ để chồng sống như kẻ bị giam lỏng, tiền cha mẹ cho, cô dốc hết cho anh giải quyết nợ nần. Sự bao dung này ít nhiều khiến anh hồi tâm chuyển ý. Anh xin việc làm mới, cũng không còn la cà như trước, hầu như ngày nào cũng đưa đón con đến trường, thời gian rảnh đều dành cho gia đình.

Chẳng kéo dài được bao lâu, ở môi trường làm việc mới, anh lại bị bạn bè xấu rủ rê sa ngã. Trước đây anh chỉ đánh bạc, chơi đề, giờ kiêm luôn ôm lô đề. Cẩm biết chuyện tìm cách ngăn cản, anh đã không nghe, còn ruồng vợ bỏ con để sống với người phụ nữ khác. Giấc mộng làm giàu của anh nhanh chóng tan tành. “Cầm cái” được vài ba tháng, anh đã thua liểng xiểng, phải đi vay nặng tiền lãi trả để trả nợ. Tiền lương công nhân không đủ ăn nói gì đến chuyện trả nợ, chẳng bao lâu anh lại thành con nợ, sống chui sống lủi trốn sự truy lùng của các tay anh chị.

3. Lúc khó khăn nhất, anh lại tìm về với vợ. Cẩm nhớ lại: “Khoảng nửa đêm, em nhận được điện thoại của chồng. Anh khóc lóc bảo giờ không biết đi đâu về đâu, bởi giang hồ đã tìm về tận quê anh dằn mặt. Giờ chỉ còn quê vợ là bọn chúng chưa biết, nếu còn thương thì hãy giúp anh lần này”. Một lần nữa, cô lại bị lời đường mật mê hoặc, bỏ công việc ổn định nơi thành phố, trở lại quê nhà.

Thương con, mẹ cô vay tiền cho vợ chồng mở sạp trái cây làm ăn. Nhờ nhanh tay nhanh miệng, sạp trái cây lúc nào cũng đắt khách. Thấy cơ hội làm ăn đang đến, cô lại nhờ mẹ vay tiền mở mối thu mua trái cây tại vườn và tiếp tục thắng lớn. Lại nói về anh, những ngày đầu về quê, phần mang phận ở rể, phần sợ chủ nhờ tìm đến, nên còn sống e dè, nhưng khi thấy vợ làm ăn khấm khá, tỏ ý muốn “góp công góp sức”. Cẩm vui mừng giao ngay việc kinh doanh cho chồng quản lý. Mới bắt đầu làm, chưa có nghề nhưng anh lại muốn “làm ăn lớn” và “tự mình làm chủ” không thèm nghe ý kiến của vợ. Cẩm kể: “Một vườn trái cây người khác chỉ mua 30 triệu là cùng thì ảnh trả đến 50 triệu, đã vậy lại mua 4 - 5 vườn cùng một lúc. Kết quả em bị lỗ gần 50 triệu, cụt luôn vốn làm ăn”. Anh chống chế: “Làm ăn lúc được lúc mất, thua keo này ta bày keo khác”. Mà anh “bày keo khác” bằng cách năn nỉ vợ đi vay tiền lãi để mua hàng với lời hứa nếu thua sẽ về quê bán đất trả nợ. Đoán anh sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì, nhưng nếu không giúp, chồng sẽ bất mãn không sớm thì muộn cũng quay về đường cũ lỗi lầm.

Nhiều ngày trăn trở, cô gọi điện cho nhà chồng hỏi ý kiến. Mẹ chồng xác nhận anh có nhiều đất, cần vốn làm ăn thì cứ về mà bán. Vậy nhưng sau khi để lại cả trăm triệu tiền nợ, anh bỏ đi biệt tích. Cô gọi điện cho mẹ chồng nhờ giúp đỡ, bà quay ngoắt bảo, tiền ai mượn người đó trả, anh không có ở nhà và cũng không có quyền bán đất ông cha để lại.

Cẩm mệt mỏi: “Nhiều năm nay cả nhà em gồng lưng trả nợ, nhưng anh coi như không liên quan. Ban đầu, em còn tưởng bị người ta bắt, đi khắp nơi tìm, về sau biết ảnh cố tình trốn, hết hi vọng mới làm đơn ra tòa xin li dị. Lần đầu toà án bảo không nhận được đơn, em cũng không giữ giấy biên nhận nên không thể cãi. Cách đây 2 tháng, em tiếp tục làm đơn lên tòa án, cũng có biên nhận đàng hoàng, nhưng người tiếp nhận trả lời em phải tự đi tìm chồng, tìm được ở đâu thì gửi đơn li dị ở đó. Ảnh đã cố tình trốn, em làm sao tìm được?”.