Tháng bảy âm lịch là mùa lũ lụt quê tôi. Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đúng mùa mưa lũ vào ngày 2 tháng 7 năm Tân Hợi, dương lịch là ngày 25/8/1911, trong một cái chòi cao cất tạm dưới gốc cây mít cổ thụ sau vườn nhà để tránh mưa to nước lớn.
Về ngày sinh của Giáp, các nhà nghiên cứu chuyên viết tiểu sử các yếu nhân thì mỗi người nói một cách. Chẳng hạn Jean Sainteny, trong phần chỉ dẫn tiểu sử Võ Nguyên Giáp (Notice biographique sur Vo Nguyen Giap) viết sinh năm 1912. Từ điển Bách Khoa (Larousse) của Pháp lại ghi năm 1911.
Thậm chí có tác giả như Boudare trong cuốn “Giap” do nhà xuất bản Atlas ấn hành năm 1977 viết “Sinh ra ở An Xá thuộc tỉnh Quảng Bình năm 1910.”
Còn tờ The Sunday Times số ra tháng 11/1972 James Fox ghi “Ông sinh ngày 1/9/1910” và James Fox khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là ngày sinh chính xác, vì ông đã "tìm thấy giấy khai sinh của ông Giáp tại thủ đô Paris.” Tuy vậy, theo gia đình và họ hàng, Võ Nguyên Giáp sinh năm Tân Hợi, 1911 vào ngày 25/8 đúng vào mùa nước lũ Quảng Bình.
Ông sinh trưởng trong một dòng họ lớn, có tiếng tăm tại làng An Xá, họ Võ, có nhà từ đường khá to ở cuối làng. Cụ nội là Võ Quang Nguyên, một nhà nho đức độ và cụ bà Bùi Thị Giá rất mực đảm đang yêu thương chồng con. Giáp sinh ra không thấy mặt ông nội, nhưng cậu nhớ như in lúc bà nội mất bà mặc chiếc áo điều thắm.
Sau bao năm tháng chiến tranh, giặc giã liên miên, gia đình phải tản cư nhiều nơi. Việc cúng giỗ, trông coi phần mộ không có điều kiện, lâu ngày mộ các cụ bị thất lạc. Gần đây được sự giúp đỡ của bà con địa phương, con cháu đã tìm thấy phần mộ của các cụ, nằm trong thượng nguồn sông Kiến Giang.
Gia đình ông có bảy anh chị em nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Cụ thân sinh là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên.
Cụ Nghiêm là một nho sinh đã nhiều lần lều chõng đi thi tuy không đỗ đạt nhưng là một nhà nho có uy tín trong vùng. Cụ dạy chữ Hán nhưng khi phong trào học chữ Quốc ngữ phát triển ông chuyển sang dạy chữ Quốc ngữ cho thanh thiếu niên trong làng và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ Nghiêm tuy không phải là Tiên chỉ của làng nhưng mỗi lần làng có việc tế, lễ, đều mời cụ làm chủ tế.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, do phải thu xếp việc nhà nên chưa kịp tản cư cùng gia đình, ông Nghiêm đã bị giặc Pháp bắt đưa về giam ở Huế. Ông bị chúng tra tấn dã man chết ngay trong nhà lao Huế. Sau ngày đất nước thống nhất, con cháu đã tìm thấy và bốc mộ ông đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy.
Khác với cụ ông rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, giữ gìn nề nếp gia phong, cụ bà lại rất mực yêu thương, dang tay ôm con vào lòng đỡ lời cho con cái mỗi khi bị cụ ông mắng mỏ.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cụ bà cùng gia đình tản cư lên chiến khu Bang Rợn, huyện Lệ Thủy. Năm 1952 bà rời quê hương ra chiến khu Việt Bắc, rồi cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về thủ đô Hà Nội sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
Gia đình cụ Nghiêm thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu như nhà Khóa Uy, một Hoa Kiều giàu sụ ở làng Tuy Lộc kề bên. Võ Nguyên Giáp đã có lần theo mẹ chèo nock (thuyền) chở ló (thóc) đi trả nợ. Cậu suốt buổi phải ngồi dưới nock trông ló, còn mẹ cậu phải đội ló chạy lên chạy xuống bến giữa trời nắng chang chang.
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những câu chuyện đêm đêm mẹ kể cho cậu nghe về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu cần vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống Pháp bảo vệ non sông, còn cha nói về phong trào đánh Pháp qua bài vè “Thất thủ kinh đô” đầy cảm động, đã gieo vào lòng cậu bé những ấn tượng không bao giờ phai mờ. Phải chăng những ấn tượng sâu sắc đó đã góp phần nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng của vị Đại tướng - Tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này.