Nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là xếp hạng giáo dục.
Giáo dục Việt Nam vượt mặt Mỹ, Pháp, Úc về thứ hạng giáo dục toàn cầuViệt Nam xếp thứ 2 trong bản đồ Hành tinh Hạnh phúc
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM nhận định, đây không phải xếp loại giáo dục mà chỉ so sánh 2 môn toán và khoa học ở các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12 thôi. Số liệu như vậy là chính xác vì học sinh phổ thông của Việt Nam hơn hẳn Mỹ, Úc về toán.
Theo PS.TS Đỗ Văn Dũng, việc này không dựa vào điểm thi cử cũng không căn cứ vào các giải quốc tế nhờ luyện gà. Việc xếp hạng dựa trên kết quả khảo sát năng lực của học sinh phổ thông tuổi 15 chỉ ở 2 lĩnh vực toán và khoa học. Đây là sự xếp hạng công bằng bởi học sinh Việt Nam nếu có tiếng Anh tốt có thể học ở nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới. Cái giáo dục phổ thông còn thiếu là kỹ năng mềm, kỹ năng học cả đời, ngoại ngữ...
Giáo dục VN vẫn nặng về học để thi
PGS Văn Như Cương lại cho rằng, nếu nói kỹ hơn thì đây chỉ là cuộc xếp hạng giáo dục cho khối học sinh ở độ tuổi 15 dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh. Trong khi đó, chính các tiêu chí còn chưa thấy nói rõ đầy đủ, chỉ là tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học mà dùng từ “Bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu” thì quá to tát
Theo PGS Văn Như Cương, mỗi một bảng xếp hạng chỉ xếp theo một tiêu chí nào đó chứ chưa có một bảng xếp hạng để đánh giá chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Nếu xếp hạng toàn diện một nền giáo dục phải căn cứ vào nền giáo dục đó đã góp phần như thế nào cho sự phát triển về kinh tế và xã hội cho đất nước. Nếu xét về mặt đó thì nền giáo dục của chúng ta còn kém quá, giáo dục chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội.
Chúng ta chưa đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ để làm việc. Ngay cả nông dân cũng chỉ làm việc theo kinh nghiệm từ cha ông để lại, chứ chưa được học. Chính vì nền giáo dục của chúng ta đang tụt hậu, do đó chúng ta mới cần tới một cuộc đổi mới toàn diện, căn bản.
Theo nhiều giảng viên ĐH, nền giáo dục của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là học để đi thi nên điểm số cao là điều dễ hiểu. Nhưng điều này hoàn toàn không có lợi cho học sinh khi tiếp cận với cuộc sống bởi các em quá thiếu kiến thức thực tế, kỹ năng sống cũng như các kỹ năng mềm khác.
Nếu chỉ lấy một tiêu chí này để đánh giá chất lượng của cả nền giáo dục quốc gia thì chưa thể hiện được. Vì vậy, càng không thể nói rằng chất lượng giáo dục Việt Nam vượt lên trên giáo dục của Mỹ hay Úc. Nếu chỉ dựa vào những kết quả đánh giá này mà tự coi rằng giáo dục Việt Nam đã hoàn hảo sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.