VINASAT 2 sẽ “lên” quỹ đạo đúng tiến độ
Khi đưa vệ tinh VINASAT-1 vào hoạt động, các chuyên gia đã nhận định, phải tới vài năm nữa mới cần phóng vệ tinh VINASAT-2. Tuy nhiên chỉ sau gần một năm khai thác, kinh doanh, dự án vệ tinh VINASAT-2 được khởi động. Thông tin từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho hay, công tác chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh VINASAT-2 đang được doanh nghiệp và đối tác tích cực thực hiện.
Vào tháng 5/2010, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và Công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems đã ký kết gói thầu số hai “cung cấp vệ tinh, thiết bị, trạm điều khiển và dịch vụ phóng” của Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2.
VNPT chọn sử dụng dịch vụ phóng của ArianSpace với tên lửa Arian 5 - loại tên lửa có độ tin cậy cao nhất hiện nay để phóng VINASAT-2. Tuổi thọ thiết kế của vệ tinh VINASAT-2 là 15 năm và dự kiến khả năng thu hồi vốn của vệ tinh này dự kiến cũng tương tự như VINASAT-1 là khoảng 10 năm.
VINASAT-2 sẽ có 24 bộ phát đáp băng tần Ku (băng thông 36Mhz), sau khi tối ưu thiết kế vệ tinh, Lockheed Martin cam kết vệ tinh VINASAT-2 có thể khai thác lên đến 25 bộ phát đáp tính đến cuối thời gian sống. Vùng phủ sóng vệ tinh cũng rộng hơn so với VINASAT-1. khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Tuổi thọ thiết kế của vệ tinh là 15 năm. Công nghệ lựa chọn sản xuất VINASAT-2 sẽ là công nghệ hiện đại, ổn định đã được trải nghiệm. Vùng phủ sóng của VINASAT-2 cũng mở rộng hơn nhiều so với VINASAT-1, khi thêm cả các quốc gia Singapore và một phần Malaysia.
VINASAT-2 phóng lên vũ trụ vào năm 2012, đây cũng là năm VNPT khai thác hết toàn bộ dung lượng VINASAT-1. Chính vì vậy, việc triển khai VINASAT-2 được thực hiện trước hết nhằm mục tiêu cung cấp dung lượng cho khách hàng mà VINASAT-1 hiện giờ đã không còn đủ để cung cấp.
Khi Việt Nam có thêm vệ tinh VINASAT-2, cùng với VINASAT-1 sẽ tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh tại vị trí đã đăng ký 131.8 0E; củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.
VINASAT-2: Niềm tự hào của đội ngũ kỹ sư Việt Nam
Điều đặc biệt là nếu như với VINASAT-1, thời gian ban đầu khi khai thác còn phải có sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của các chuyên gia nước ngoài, với VINASAT-2, toàn bộ các công tác điều khiển vệ tinh sẽ được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư của công ty Viễn thông quốc tế, doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Có thể tự hào khẳng định, VINASAT-2 sẽ là vệ tinh viễn thông đầu tiên được điều khiển và khai thác hoàn toàn nhờ đội ngũ kỹ sư của Việt Nam.
Theo đại diện của Công ty viễn thông quốc tế VTI, đơn vị được VNPT giao vận hành và khai thác VINASAT-1, với vùng phủ sóng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianmar, quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã được khai thác rất thành công. Hiện đang có tới 150 kênh truyền hình tiêu chuẩn HD, SD, các mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mạng viễn thông công ích… sử dụng vệ tinh VINASAT-1.
Khi VINASAT-2 được phóng lên vũ trụ và đưa vào khai thác, dự kiến sẽ có rất nhiều dịch vụ được cung cấp như cho thuê dung lượng bộ phát đáp, dịch vụ truyền hình quảng bá, các dịch vụ VSAT như dịch vụ điện thoại, truy nhập Internet băng rộng…
Để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp nhận quản lý khai thác vệ tinh VINASAT-2, VTI luôn tích cực tham gia các hoạt động hội thảo thường niên của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Truyền hình cáp và Vệ tinh Châu Á và Hội đồng thông tin vệ tinh Châu Á - TBD, tích cực trao đổi hợp tác kinh doanh với đối tác và các nhà khai thác vệ tinh trong khu vực để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách hàng.
Mục tiêu được đặt ra đó là sẽ đảm bảo kinh doanh có hiệu quả VINASAT-2, tạo điều kiện cho các ngành khác sử dụng vệ tinh VINASAT phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai một cách thuận lợi hòa cùng lợi ích quốc gia.