Trong cửa hàng rộng khoảng 30 m vuông, anh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bán chiếc iPhone 5C thứ 40 trong ngày: “Cố gắng kiếm thêm cho em vài chục cây 5C càng sớm càng tốt. Bác không cần kiểm tra nhiều, phần cứng còn tốt là được”, tiếng anh khá to khi gọi cho số điện thoại quen đầu +86 (mã điện thoại quốc tế của Trung Quốc).
Hơn 2 tuần nay, anh T. ăn, ngủ tại cửa hàng vì iPhone 5C bán chạy. Người này phải liên tục làm việc với các mối nhập để có máy bán cho khách.
iPhone 5C khóa mạng tại Việt Nam là sản phẩm xả hàng từ nhà mạng Nhật Bản. Ảnh:Muare. |
Cơn sốt iPhone 5C chưa hạ nhiệt, nhiều cửa hàng đã rục rịch thu gom những chiếc iPhone 5, 5S lock giá 4-6 triệu bán nhân lúc máy khóa mạng đang sốt.
Trước đó, iPhone qua sử dụng hàng tân trang (còn gọi hàng dựng), máy trưng bày, máy khóa iCloud – đa phần là hàng ăn cắp – đều được bày bán la liệt tại các đô thị lớn. Nhiều model cũ, giá rẻ len lỏi về các vùng nông thôn. “
Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu tiêu thụ iPhone rác”, anh Hoàng Nguyên (Ba Đình, Hà Nội) – người từng có 5 năm kinh doanh sản phẩm iPhone chia sẻ.
iPhone rác được đầu nậu Hong Kong, Trung Quốc thu gom từ các nước phát triển, sau đó tuồn sang Thẩm Quyến. Tại đây, máy được phân loại, tân trang, sau đó phân phối đến các thị trường Đông Nam Á, Nam Mỹ, một số nước châu Phi.
Trung Quốc là công xưởng lớn nhất của những chiếc iPhone rác nhưng bản thân thị trường họ ít tiêu thụ iPhone loại này. “Smartphone nội từ Lenovo, Xiaomi, Meizu có giá siêu rẻ, chất lượng tốt nên iPhone rác khó xâm nhập, khác với Việt Nam”, anh Nguyên chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm qua sử dụng, máy trưng bày, máy khóa mạng, thị trường Việt Nam còn phổ biến các mẫu máy khóa iCloud. Ảnh: ABCNews. |
Anh Bảo Minh – một chủ hàng tại quận 10, TP HCM cho biết, không chỉ hàng dựng, mất iCloud, bản thân dòng iPhone 5C lock cũng được xem là rác. Chúng đều là hàng tồn kho, nhà mạng Nhật bóc hộp, bán “cắt lỗ”cho đầu nậu với số lượng lớn để xả hàng.
Anh Cao Cường, cựu du học sinh Nhật Bản cho biết, iPhone 5C bản khóa mạng tại Nhật hiện có giá tương đương 5 triệu đồng. Mức giá này cao hơn so với máy đang bán tại Việt Nam (3,5 triệu cho bản cũ, gần 4 triệu với máy mới).
“Thuộc diện xả hàng nên iPhone 5C khóa mạng có chất lượng tốt. Tuy nhiên, các bản iPhone 5S, đặc biệt iPhone 5 khóa mạng mới về nước tương đối đáng ngại – giống các mẫu iPhone được quảng cáo mới 99% hiện nay”.
Không chỉ iPhone cũ, Việt Nam còn là điểm đến của những chiếc iPhone ăn cắp, theo PCmag. Trang này khẳng định, người dùng có thể sửa bất cứ chi tiết nào trên iPhone với mức giá dưới 5 USD (khoảng 100.000 đồng) tại Việt Nam.
Trên nhiều trang mua bán online, những chiếc iPhone khóa iCloud được rao bán công khai. Nhiều nơi cung cấp dịch vụ mở khóa iCloud từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu, tùy dòng máy, xuất xứ. Đây được xem là hình thức tiếp tay cho việc tiêu thụ iPhone khóa iCloud không rõ nguồn gốc.
“Những sản phẩm nước phát triển xả hàng, không dùng đến, thậm chí hàng ăn cắp đều nhắm đến thị trường các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khi máy chính hãng chưa đáp ứng được yêu cầu về giá, mác “táo khuyết” vẫn là biểu tượng của đẳng cấp tại Việt Nam thì tình trạng này chưa sớm kết thúc”, anh T. thẳng thắn thừa nhận.
Theo các nhà bán lẻ, Việt Nam là thị trường khá nhạy cảm về giá. Nhiều điện thoại ế ẩm, khi hạ giá đưa về Việt Nam đều có thể tiêu thụ tốt. Không chỉ iPhone, trào lưu BlackBerry cách đây 5 năm hay việc hạ mạnh một số model chính hãng gần đây đều cho thấy điều này.