Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc không rút giàn khoan HD-981?

Nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan HD-981, Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được quy định bởi luật pháp quốc tế.

Theo ông Trần Duy Hải, chủ quyền là vấn đề thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam. Nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan HD-981, Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được quy định bởi luật pháp quốc tế.

Kể từ ngày 2/5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương -981 (gọi tắt là HD-981) di chuyển và hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí của giàn khoan này nằm cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.

Đi cùng với HD-981 là hàng chục tàu dịch vụ, Kiểm ngư, Hải giám, tàu cá có vũ trang và cả 7 tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Khi gặp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tuyên truyền, vận động, đấu tranh ngăn cản, những tàu hộ tống HD-981 của Trung Quốc đã hung hăng tấn công tàu của Việt Nam bằng những lần đâm va gây thiệt hại cả về người và phương tiện.

Hành vi và dã tâm xâm lấn lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc đã rất rõ ràng, âm mưu cướp đoạt tài nguyên Việt Nam chúng cũng không giấu diếm nhưng điều quan trọng hơn cả là thái độ ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi vẫn cố tình đưa giàn khoan vào vị trí để chuẩn bị cho hoạt động thăm dò, khảo sát.

Dư luận trong nước rất phẫn nộ và đặt câu hỏi: Chúng ta sẽ làm gì nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược và không chịu rút giàn khoan của họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Ngay trong buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức hôm 7/5 vừa qua, câu hỏi này đã được một số nhà báo trong nước và quốc tế đặt ra. Phóng viên của đài NHK (Nhật Bản) đặt câu hỏi: Hiện nay giàn khoan thăm dò đã khoan vào đáy biển của Việt Nam hay chưa và nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam thì  Việt Nam sẽ có những hành động gì tiếp theo?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao, nói: “Tôi khẳng định chủ quyền là vấn đề rất thiêng liêng. Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam, Việt Nam kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp. Hiện nay và sắp tới Việt Nam sẽ tích cực kiên trì trao đổi với Trung Quốc về xử lý các vấn đề tại Biển Đông. Tôi cũng một lần nữa khẳng định với các bạn rằng, để bảo về quyền và lợi ích trên Biển Đông, Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được quy định bởi luật pháp quốc tế”.

Thực tế đã cho thấy, kể từ khi sự việc bắt đầu xảy ra, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc (trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc – CNOOC).

Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Đáng chú ý, chiều ngày 06/5/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và trước đó ngày 04/5/2014, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, Hồ Xuân Sơn cũng đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Trung Quốc, Lưu Chấn Dân để phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD-981 trên thềm lục địa của Việt Nam.

Cũng trong ngày 04/5/2014, đại diện Bộ Ngoại giao đã triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Ông Trần Duy Hải

Ông Trần Duy Hải cũng cho biết thêm, trước đây Trung Quốc đã rất nhiều lần tiến hành thăm dò tại khu vực này đồng thời cũng nhiều lần thuê giàn khoan của các nhà thầu nước ngoài với dự tính khoan thăm dò, nhưng Việt Nam cũng đã kiên quyết phản đối, kể cả gặp trực tiếp các nhà thầu đó để đấu tranh nên chưa để xảy ra việc Trung Quốc tiến hành khoan thăm dò trên thềm lục địa của chúng ta. Lần này Trung Quốc quyết tâm đưa giàn khoan do chính nước này sản xuất để thực hiện mưu đồ của mình.

Cũng tại buổi họ báo quốc tế hôm 7/5 vừa qua, khi được hỏi liệu Việt Nam có bất ngờ về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa của mình hay không và sau khi thực hiện các biện pháp hòa bình mà Trung Quốc vẫn không rút thì kế hoạch hoạt động của Hải quân và kiểm ngư Việt Nam sẽ là gì?

Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, Việt Nam không hề bất ngờ và việc di chuyển của giàn khoan 981 đã được phát hiện và theo dõi rất chặt từ trước đó. Nhưng theo Công ước về Luật Biển, các tàu thuyền, phương tiện nổi củ nước ngoài được quyền di chuyển trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào giàn khoan hạ đặt và tiến hành thăm dò mới vi phạm pháp luật đến nước có chủ quyền. Đây cũng chính là lý do vì sao mãi đến ngày 2/5, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam mới tiến hành các hoạt động phản đối, ngăn cản giàn khoan HD-981 của Trung Quốc khi họ chuẩn bị tiến hành định vị, thăm dò và khảo sát dầu khí trên vùng thềm lục địa của chúng ta.

Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam 

Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin AP (Mỹ) rằng, tàu của Trung Quốc chủ động đâm va tàu của Việt Nam, phía Việt Nam có các hoạt động tương tự hay không? Ông Ngô Ngọc Thu tuyên bố: “Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế và tiếp tục bám trụ. Tuy nhiên, mọi chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục, chúng tôi sẽ có các hành động tự vệ tương tự để đáp trả”.

Tại buổi họp báo này, ông ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao cũng khẳng định với đại diện của hãng DPA (Đức) về việc liệu Việt Nam có tiến hành các vụ kiện tương tự như của Philippines để đưa Trung Quốc ra các tòa án quốc tế hay không?. Quan điểm của Việt Nam rằng việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là biện pháp hòa bình được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình, ưu tiên đàm phán thương lượng giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng, tuy nhiên không loại trừ bất kỳ các biện pháp hòa bình khác.