Việt Nam sẽ cấp giấy phép lái xe dùng được ở hơn 70 quốc gia

Đầu năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức cấp và công nhận giấy phép lái xe quốc tế đối với các nước đã gia nhập công ước Vienna về giao thông đường bộ.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

- Xin ông cho biết cụ thể về việc Việt Nam sẽ cấp và công nhận giấy phép lái xe quốc tế khi Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong chương trình hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ, từ năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam xây dựng đề án để tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ (bao gồm các vấn đề như biển báo, tín hiệu giao thông đường bộ, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ..).

Theo đề án được phê duyệt, Việt Nam sẽ công nhận và cho sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Vienna cấp, mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam. 

Ngược lại, khi Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna, những người Việt Nam đi công tác, học tập và định cư ở nước ngoài đã có giấy phép lái xe quốc gia có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe này tại nước ngoài sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam cấp giấy phép lái xe quốc tế và những giấy phép này được các quốc gia tham gia Công ước Vienna công nhận.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hoàn thành xong thủ tục và đã được Liên hợp quốc chấp nhận tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, trong đó có nội dung được phép cấp và công nhận giấy phép lái xe quốc tế từ 1/1/2015.

- Để thực hiện các nội dung trong Công ước Vienna 1968, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có những chuẩn bị gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Để triển khai những nội dung trên, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 48/2014/TT-BGTVT ngày 15/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012-BGTVT này 7/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đường bộ, trong đó có việc công nhận giấy phép lái xe quốc tế của các nước đã tham gia Công ước Vienna được sử dụng tại Việt Nam.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị những điều kiện để cấp giấy phép lái xe quốc tế. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư quy định trình tự cấp và sử dụng giấy phép lái xe quốc tế cho người Việt Nam có nhu cầu sử dụng giấy phép lái xe quốc tế ở nước ngoài.

Về điều kiện được cấp giấy phép lái xe quốc tế, người xin cấp phải có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn nộp cùng đơn xin cấp theo mẫu sẽ được hướng dẫn. Giấy phép lái xe quốc tế này sẽ được sử dụng tại các nước đã tham gia công ước Vienna (khoảng trên 70 nước). Hạng giấy phép lái xe phù hợp với hạng ghi trong giấy phép lái xe quốc gia.

Giấy phép lái xe quốc tế mà Việt Nam cấp sẽ gồm tiếng Việt Nam (tiếng nước sở tại) và được dịch sang các tiếng thông dụng như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc để sử dụng thuận lợi tại các nước.

- Một số ý kiến băn khoăn về việc có nước tham gia Công ước Vienna nhưng lại đi xe tay lái nghịch, vậy trong trường hợp người dân Việt Nam được cấp giấy lái xe quốc tế tại Việt Nam khi đi đến những nước này có trở ngại gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong hơn 70 nước đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ, có nhiều nước đang lái xe tay lái nghịch, điều này Công ước Vienna cho phép và người có giấy phép lái xe quốc tế của nước đã tham gia Công ước Vienna không phải làm thêm bất cứ thủ tục gì tại các nước đang lái xe tay lái nghịch.

Tuy nhiên, những người này có trách nhiệm tìm hiểu thêm về luật giao thông đường bộ và biển báo giao thông của nước sở tại để đảm bảo an toàn giao thông.

Nhìn chung, người được cấp giấy phép lái xe quốc tế không gặp trở ngại gì vì khi tham gia công ước Vienna, tất cả hệ thống biển báo hiệu đường bộ của các nước tham gia Công ước là thống nhất.

- Ông đánh giá ý nghĩa khi Việt Nam tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Khi Việt Nam gia nhập Công ước Vienna, chúng ta đã được phép cấp giấy phép lái xe quốc tế, điều này đánh dấu một bước hội nhập hoàn toàn của Việt Nam với các nước đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ.

Việc gia nhập sẽ tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống được thuận lợi khi không phải mất thời gian đổi giấy phép mà họ đã được cấp tại nước sở tại như trước kia.

Và ngược lại, đối với người Việt Nam khi ra nước ngoài sinh sống, lao động, học tập không phải thi lại để lấy giấy phép lái xe nước sở tại khi đã có giấy phép lái xe tại Việt Nam cũng góp phần tiết kiệm chi phí của người dân và xã hội.

Xin cảm ơn ông!