Việt Nam dễ dàng giám sát thay đổi hiện trạng Biển Đông

Hệ thống radar biển tần số cao, vệ tinh VNREDSat-1 đều là những hệ thống có thể giám sát được hiện trạng Biển Đông của VN.

Hệ thống radar biển góp phần không nhỏ

Với mục tiêu đầu tư, xây dựng hệ thống radar biển tần số cao để quan trắc các yếu tố sóng biển và dòng chảy phục vụ hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trên vùng biển, hải đảo của Việt Nam, Chính phủ đã quyết định đầu tư hệ thống radar biển giai đoạn 1 gồm 3 trạm thu/ phát tín hiệu và Trạm trung tâm.

Chia sẻ thông tin với báo chí, ngày 9/12, ông Trần Huy Lam - Giám đốc Trung tâm Hải văn (đơn vị được Bộ TNMT giao phụ trách đề án này), cho biết: "Hệ thống này sẽ góp một phần vào việc giám sát hiện trạng các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông".

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm là ở đây hoàn toàn là vịnh Bắc Bộ, nên chỉ góp một phần tuy không lớn nhưng cũng có nhiều ý nghĩa. Còn khu vực Biển Đông thì phải ở khu miền Trung, nhưng xét về khoa học thì đây cũng là một bước tiến quan trọng.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Lam cũng cho hay: “Việc đưa hệ thống radar biển vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng cho việc giám sát trạng thái bề mặt biển, từ đó đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ vùng biển và hải đảo nước ta”.

Theo ông Lam chia sẻ thì hiện nay, Trung tâm Hải văn đã hoàn thiện việc xây và lắp đặt thiết bị xong cho 3 trạm rada biển theo đúng kế hoạch phê duyệt, gồm: Trạm Hòn Dấu (đảo Dấu tại thành phố Hải Phòng) trên diện tích 260m2, với thiết bị tổ hợp radar biển sử dụng năng lượng thấp, có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt, 30km đối với sóng biển.

Trạm radar biển số 2 nằm tại khu đất thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô diện tích sử dụng là 7.200m2 hệ thống radar biển có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển.

Trạm radar biển số 3 tại khu đất thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trên diện tích sử dụng đất 20.000m2 có tầm quan trắc 300km đối với dòng chảy bề mặt và 20km đối với sóng biển; và Trạm điều hành trung tâm tại số 8, Pháo Đài Láng, Hà Nội.

Thực tế thì hệ thống radar biển đã thu thập được các số liệu quan trọng về dòng chảy khu vực biển Vịnh Bắc Bộ và sóng tại các vị trí trên đường Trung tuyến góc quét của 3 trạm radar biển. Các số liệu này cũng đã được phân tích tại Trạm điều hành Trung tâm và các sơ đồ trường dòng chảy tầng mặt từng giờ ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, sơ đồ dòng chảy 2 chiều đã được xử lý.

Thêm nữa, hệ thống radar biển có thể dự báo được vết dầu tràn trên biển, từ đó chúng ta có thể nghi xuất được số dầu đó từ đâu đến. Hệ thống radar biển có thể phục vụ cho công tác hàng hải như lập được các bản đồ ở vùng ven bờ để các tàu vận tải trên biển có thể nắm bắt tình hình, điều chỉnh thời gian di chuyển trong các mùa.

Ngoài ra, hệ thống radar còn có thể hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy hải sản, bởi vì từ dòng chảy có thể phân tích, tính toán được dòng nước trôi-chìm ở trên biển, mà nơi đó là những nơi tập trung đàn cá. Radar cũng có thể dự báo về dòng chảy, dự báo sóng, góp phần phục vụ cho các hoạt động phát triển và an ninh quốc phòng.

Một điều đặc biệt là các trạm radar biển tần số cao có thể dự báo và cảnh báo sóng thần trong vòng 20-24h ở khu vực miền Trung, nhất là tại ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

VNREDSat-1 tự hào vẫn giám sát được thường xuyên

Trong khi đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, ông Ngô Duy Tân - Phó giám đốc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ khẳng định: "VNREDSat-1, về mặt năng lực có khả năng giám sát các hoạt động diễn ra trên Biển Đông, hơn thế, những nhiệm vụ này là nhiệm vụ phải làm, không làm thì sẽ có nhiều bên khác cũng yêu cầu phải làm".

Theo ông Tân thì trung tâm sẽ chụp định kỳ 2 - 3 ngày chụp 1 lần, VNREDSat-1 có thể quan sát được hết những sự việc, hiện tượng xảy ra trên Biển Đông.

Hình ảnh của Hà Nội nhìn từ vệ tinh VNREDSat- 1

Tuy nhiên, chính xác hay không thì phụ thuộc vào độ phân giải của quả vệ tinh, đến nay thì độ phân giải của VNREDSat-1 chỉ có 2 phân rưỡi, cho nên việc giám sát mới chỉ là tổng quan hình dung có sự việc, chứ chưa thể nhìn rõ trực tiếp, cho nên năng lực của quả vệ tinh cực kỳ quan trọng.

Ông Tân cho hay: "Trung tâm vẫn tiến hành chụp thường xuyên vì đây là yêu cầu phải làm".

Trước việc, có thêm hệ thống radar giám sát mặt biển, ông Tân cho rằng nó có ý nghĩa an ninh quốc phòng thì ai cũng biết, hơn nữa, mục đích giám sát an ninh quốc phòng cũng rất quan trọng.

Về cơ chế thực hiện thì trung tâm hiện nay làm theo đơn đặt hàng, ví dụ các cơ quan nhận đơn hàng chủ yếu là Bộ TN&MT, sau đó họ sẽ gửi những yêu cầu chùm ảnh thường xuyên sang bên trung tâm, từ đó mới xác định được để chụp.

"Chương trình chụp ảnh giám sát Biển Đông là yêu cầu đặc biệt, nhiều khi có yêu cầu đặc biệt chúng tôi cũng không biết là gì, chỉ biết theo yêu cầu là chụp, chúng tôi đặt lệnh cho hệ thống chụp vùng đó, vùng đó là địa điểm có ý nghĩa như thế nào thì chúng tôi cũng không rõ", ông Tân tâm sự.

Điều làm ông Tân tự hào đó chính là hiện nay đất nước chúng ta đã có hệ thống khoa học, có các phương tiện giúp cho việc quản lý, giám sát Biển Đông phát triển.

Ông chia sẻ: "Chúng tôi tự hào cũng đóng góp phần không nhỏ vào việc giám sát hiện trạng Biển Đông".

Về khó khăn mắc phải, ông Tân cũng chỉ ra, cái thiếu nhất của chúng ta hiện nay là nguồn dữ liệu, dữ liệu để thu thập ở vùng đó chưa nhiều, nên bây giờ phải đầu tư có nhiều hơn nguồn dữ liệu, trung tâm cũng sẽ cố gắng chụp ảnh làm sao có đủ dữ liệu ở các vùng nhạy cảm.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG