Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ quan điểm về phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng liên quan tới các vấn đề ở biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN sáng 11/5.
"Lời phát biểu của Thủ tướng cũng như sự lên tiếng của nhiều trí thức, học giả trong và ngoài nước, đặc biệt những cuộc xuống đường phản đối của người dân cho thấy ý chí của dân tộc Việt Nam. Chúng ta không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào dù kẻ thù đó hùng mạnh tới bao nhiêu.
Những lời phát biểu hết sức mạnh mẽ của Thủ tướng cũng cho thấy phương châm "16 chữ vàng và 4 tốt" bây giờ mới lộ mặt thật. Hành động của Trung Quốc đã làm cho nhân dân Việt Nam từ người lãnh đạo tới người dân không còn mơ hồ với ý đồ của họ.
Hội nghị cấp cao ASEAN là dịp để chúng ta thể hiện quan điểm, lập trường về vấn đề này.
Lời phát biểu công khai đó rất quan trọng bởi nó giúp cho toàn dân, toàn thế giới hiểu và ủng hộ Việt Nam trước hành động hung hăng của Trung Quốc", luật sư Trần Quốc Thuận nói.
Luật sư Trần Quốc Thuận- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…, người dân đã xuống đường phản đối Trung Quốc. Ông có bình luận gì về việc này?
Tôi rất hoan nghênh những người đã xuống đường phản đối Trung Quốc. Điều đó thể hiện những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: yêu nước, đoàn kết, chống lại mọi âm mưu thâm độc từ bên ngoài.
Rất ít nước trên thế giới có chiến tranh nhân dân. Khi người dân ai cũng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược thì bất kỳ kẻ thù nào cũng sẽ bị đánh bại.
- Có ý kiến cho rằng, người dân xuống đường phản đối như thế chỉ khiến các mối căng thẳng leo thang. Ông nghĩ sao?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các Ngoại trưởng ASEAN đạt được sự nhất trí cao trong vấn đề Biển Đông (Nguồn: ASEAN)
Tôi nghĩ quan điểm đó hoàn toàn không đúng vì chuyện gia tăng hay không gia tăng căng thẳng còn tùy thuộc vào liều lượng của mức độ va chạm. Tiếng nói của lòng dân là tiếng nói cần thiết. Đó là tiếng nói vững chắc thể hiện ý chí của cả dân tộc.
Về mặt chiến lược ngoại giao, chúng ta đang thực hiện rất đúng. Ta đang hết sức kiềm chế ở biển Đông. Bất chấp các hành động gây hấn của Trung Quốc, chúng ta chưa cho tàu quân sự ra vùng biển bị xâm phạm. Kiềm chế như vậy là rất đúng.
Việc người dân tự nguyện, chủ động lên tiếng như thế là rất tốt, phải khuyến khích họ bởi điều đó chứng tỏ nhận thức của họ rất vững chắc.
- Theo ông chúng ta nên làm gì để có được sự ủng hộ của bạn bè thế giới và gần 1 tỷ người dân Trung Quốc?
Trước hết là tiếng nói trong nước, đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng, phải mạnh mẽ hơn nữa. Cần có nhiều cuộc xuống đường phản đối hơn nữa chứ không chỉ ở 3 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Việt Nam phải tuyên truyền để người dân ở khắp nơi trên thế giới biết tình hình nghiêm trọng ra sao. Thậm chí, nên đưa sự việc đó ra diễn đàn của Liên Hợp Quốc. Tốt hơn cả thì đây chính là thời điểm để ta khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Đây là cơ hội tốt để chúng ta làm việc đó.
- Ngoài việc đặt giàn khoan ở vùng biển của ta, Trung Quốc đang muốn gì thưa ông?
Thứ nhất, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và kể cả một số đảo ở Trường Sa.
Thứ hai, cuộc đấu tranh nội bộ ở Trung Quốc ngày càng gay gắt nên họ muốn cùng một lúc vừa giải quyết nội bộ, vừa thỏa cơn khát dầu ở biển Đông. Do vậy, họ muốn độc chiếm vùng biển của ta để thỏa sức khai thác dầu.
Nhưng ai cũng thấy lá bài đó của Trung Quốc là không đúng và nếu họ cố chấp họ sẽ bị cô lập trên toàn thế giới.
Thứ ba, rõ ràng đây cũng là bước đi để khẳng định “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra và không có căn cứ pháp lý. Hiện Trung Quốc đang không có căn cứ pháp lý, cứng họng không thể giải thích được vì sao mình vẽ ra "đường chín đoạn" đó.
- Theo ông, động thái tiếp theo của Việt Nam là gì?
Việt Nam cần phải làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước hiểu rõ, hiểu sâu sắc hơn nữa về sự việc này: âm mưu của Trung Quốc và thái độ của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!