Tuy mức giá các dịch vụ dự kiến áp dụng sẽ thấp hơn tới 50% so với dự thảo những lần trước đó, nhưng điều đó lại tiềm ẩn về việc các BV thất vọng về khung giá này và không có động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Thấp hơn nhiều so với dự thảo
Theo dự thảo mới nhất này sẽ có hơn 350 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá. Ngoài danh mục 350 kỹ thuật trong thông tư 14 (năm 1995), Bộ Y tế sẽ bổ sung thêm những kỹ thuật hiện đại xuất hiện những năm gần đây. Theo trao đổi của ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) – BHXH VN với báo giới cuối tuần qua: Giá viện phí, dịch vụ dự thảo lần này thấp hơn 50% so với dự thảo trước, bởi có sự tham khảo giá của các BV tỉnh, huyện chứ không chỉ dựa “báo giá” của các BV tuyến đầu ngành. Giá từng kỹ thuật được quy định khá cụ thể, ví dụ như siêu âm màu có mức giá thanh toán từ 80.000-150.000 đồng/lượt được quy định rõ siêu âm mạch máu hay siêu âm tim.
Trước kia, dựa trên khung giá (giá sàn – giá trần) dịch vụ được ban hành, tùy từng địa phương quyết định áp giá ở mức nào. Vì thế, đã có chuyện cùng một dịch vụ nhưng ở địa phương áp giá cao hơn tuyến T.Ư. Nay sẽ không có việc áp giá khác nhau vô lý như vậy bởi trong danh mục mới, rất ít dịch vụ được quy định khung giá mà chốt một mức giá mà thôi.
Tăng viện phí, người bệnh có thoát cảnh nằm ngoài hành lang? Ảnh: V.T
Trước đó, năm 2010, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo tăng giá viện phí theo kiểu “giật cục”, có nghĩa là mức tăng các dịch vụ từ 2 cho đến 20 lần so với khung giá trước đây mà chỉ dựa trên sự than lỗ của các bệnh viện (BV) lớn tuyến trung ương, tỉnh. Lần này, sau nhiều lần cân nhắc với tình hình thực tế, khung giá dịch vụ khám - chữa bệnh được ba bộ dự kiến đưa ra thấp nhiều lần so với đề xuất trước đó.
Theo đó, công khám BV trung ương tối đa 10.000 đồng/lượt, nay được đề nghị tăng lên 20.000 đồng. So với lần đề xuất năm 2010, mức đề xuất mới đã giảm trên 30%. Công khám tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực được điều chỉnh lên 5.000 đồng/lượt, trong khi hiện hành chỉ 1.000 đồng/lượt... Ngoài ra, đối với những bệnh nhân nằm ghép giường thì giá thành giường sẽ được tính là 70% và 40% tùy theo ghép 2 hoặc 3 người...
Theo ý kiến của các bác sĩ (BS) tại TPHCM, việc tăng viện phí là hoàn toàn hợp lý vì mức giá cũ được quy định trong thông tư 14 cách đây 16 năm đã quá lỗi thời. BS Phan Văn Nghiệm - PGĐ BV Cấp cứu Sài Gòn cho biết, với mức giá khám bệnh 2.000 – 3.000 đồng cho một bệnh nhân chắc chắn không có BV nào trên cả nước thực hiện được. BS Nghiệm đưa ra dẫn chứng cụ thể, nhổ răng với mức quy định 2.000 đồng là không khả thi. Đề cập đến khung viện phí khám - chữa bệnh được áp giá quá lỗi thời từ cách đây 15 năm, BS Nghiệm cho rằng, tất cả các BV đều bức xúc vì với giá khám bệnh chỉ với 3.000 đồng/lượt, thực tế không BV nào chịu nổi. Bởi tính ra 3.000 đồng/lượt khám đó không thể gánh hàng loạt chi phí như điện, nước, giấy, bảng điện tử báo số tự động, quạt, máy lạnh, điện...
Giá tăng, không thể hy vọng chất lượng tốt ngay
Có thể nói đến thời điểm này, việc tăng giá viện phí, giá dịch vụ y tế có thể nói chắc chắn sẽ thực hiện. Tuy nhiên, điều mà người dân nói chung và người bệnh nói riêng quan tâm là: Giá tăng có đẩy được chất lượng phục vụ trong BV tốt hơn không?
Theo nhận định từ phía cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Ngọc Hiền - PGĐ BV Bạch Mai khẳng định: “Bảng giá mới vẫn chỉ là cách tính một phần chi phí khám chữa bệnh, chủ yếu là kinh phí trực tiếp. Chưa có lương, phụ cấp, khấu hao nhà cửa, sửa chữa lớn - các khoản này hiện nay Nhà nước không còn cho BV, nói đúng hơn là không đáng kể. Với cách tính mới này, BV vẫn phải bù lỗ chi phí bằng cách phát triển các dịch vụ xã hội hóa: Khám, mổ theo yêu cầu, dịch vụ trông xe... Giá viện phí mới chỉ giải quyết một phần khó khăn, còn không thể khuyến khích BV phát triển dịch vụ tốt hơn được.
Bệnh nhân không phải nghĩ đến “phụ phí” Việc điều chỉnh giá viện phí lần này cũng sẽ giúp người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi ra trả thêm ngoài phần cùng chi trả 5 – 10% theo quy định. Trước đó, các BV thường vin vào cớ giá BH thanh toán không đủ nên bệnh nhân phải tự mua một số vật tư tiêu hao, hoặc thuốc này thuốc kia không được BH thanh toán. Chính vì thế, ông Phạm Lương Sơn khẳng định: Dự thảo giá viện phí điều chỉnh lần này đã có sự đồng thuận của liên bộ: Tài chính - Y tế - LĐTBXH. |