Mức giảm 600 đồng dựa vào căn cứ nào, thưa Bộ trưởng?
Việc giảm giá này tính toán rất chi li, cặn kẽ. Trong chu kỳ 30 ngày, chênh lệch giá tổng số là hơn 900 đồng/lít. Lần này liên bộ Tài chính - Công thương đã bàn báo cáo Thủ tướng, với mặt hàng xăng RON 92 tăng 2% giá nhập khẩu (tức là hơn 300 đồng), 600 đồng còn lại dành để giảm giá, chia làm 3 phần: 2/3 giảm để phục vụ sản xuất, tiêu dùng; còn 1/3 để tăng thuế. Chênh lệch diesel thấp hơn, chỉ hơn 600 đồng nên quyết định chỉ tăng thuế 1% vì mặt hàng này nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng, nhất là phương tiện đi biển, nên Nhà nước chia sẻ nhiều hơn (nâng thuế từ 2 đến 3%) và giảm 400 đồng/lít…
Dư luận và cử tri vẫn nói, lâu nay xăng tăng giá nhiều nhưng giảm lại rất ít. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
Dư luận thường thắc mắc tăng nhiều, giảm ít, cần phải xem xét bản chất của nó là gì. Khi giá thị trường tăng mà ta buộc phải tăng giá theo tỷ lệ giá cơ sở thì giá phải tăng rất cao. Nên khi tăng giá, để không xảy ra đột biến quá lớn ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng thì thông thường phải "hy sinh" phần của Nhà nước, giảm thuế nên cả một thời gian dài có thể thấy thuế suất với xăng dầu đều bằng 0%. Khi có dư địa giảm giá, trường hợp này cần tính toán đến thuế. Biểu thuế của xăng là hơn 10% nhưng thực tế giờ mới có 4%. Như vậy đã có sự chia sẻ của Nhà nước. Khi tăng giá, nếu chấp nhận đưa đủ hết yếu tố vào để tăng, thì khi giảm cũng sẽ giảm rõ. Cũng có ý kiến cho rằng xăng đang lãi 1.700 đồng/lít. Nếu tính giá trong một ngày, giữa hôm nay và hôm qua thì đúng vậy nhưng có hai hiện tượng xảy ra, cách tính giá là phải theo giá cơ sở 30 ngày. Hơn nữa, xăng dầu là mặt hàng mà giá thế giới có biến động nhanh (ví dụ hôm nay 116 USD/thùng, hôm qua 115 USD/thùng) thì không có nghĩa các công ty xăng dầu Việt Nam có xăng dầu để bán ngay theo giá đó mà phải dự trữ, lưu thông trước đó khá lâu.
- Cảm ơn Bộ trưởng!