Vì sao Zenfone tạo nên 'cơn sốt' tại thị trường Việt Nam?

Chọn thời điểm ra mắt vào lúc thị trường sôi động, kết hợp giá bán hấp dẫn là những nhân tố chính dẫn đến cơn sốt Zenfone tại thị trường Việt Nam.

Không phải những sản phẩm đình đám như Galaxy S5, HTC One M8 hay Sony Xperia Z2, điểm nhấn của thị trường di động Việt Nam nửa đầu 2014 đến dòng sản phẩm mới Zenfone. Với 3 model có kích thước lần lượt 4, 5 và 6 inch, Zenfone tấn công vào phân khúc giá rẻ và được xem là một trong những nhân tố chính, giúp thay đổi cuộc chơi smartphone tại Việt Nam. 

Giá bán và sản phẩm

Giá bán chính là yếu tố quyết định giúp Zenfone ghi điểm trên thị trường. Cái tên Zenfone đã tạo được sự chú ý ngay từ khi máy vừa công bố tại CES hồi tháng Giêng với giá lần lượt 99, 149 và 199 USD. Với thông số kỹ thuật ấn tượng của cả 3 sản phẩm này, nhiều người tò mò muốn biết xem, Asus liệu giá bán của máy khi về Việt Nam sẽ là bao nhiêu.

Với Zenfone 4, model có giá 1,99 triệu đồng này sở hữu màn hình 4 inch WVGA, chip lõi kép 1,2 GHz, RAM 1GB và camera 5 megapixel. Hiện tại, không sản phẩm giá 2 triệu nào được trang bị đầy đủ những thông số kể trên, đặc biệt là camera và RAM. Thông thường, những smartphone cùng tầm giá, thậm chí cao hơn cả triệu đồng sẽ có RAM 512 MB, camera 3 megapixel. Tương tự, mức giá 4 triệu của Zenfone 5 được trang bị camera 8 megapixel, RAM 2GB cũng cạnh tranh với nhiều sản phẩm. 

Trên thực tế, giá bán của các model như Zenfone 5 và 6 tại Việt Nam đã bị đội lên cao hơn so với mức công bố quốc tế. Sau một vài phản ứng ban đầu, nó vẫn được người dùng chấp nhận. Nhiều nhà bán lẻ cho rằng, dù giá có cao, nhưng người dùng khó tìm ra những sản phẩm tốt hơn ở mức đó.

Ngoài yếu tố giá, bộ ba Zenfone mới, đặc biệt phiên bản 4 và 5 inch, được đánh giá cao về hiệu năng. Ở mức giá 2 triệu đồng, Zenfone 4 vẫn cho độ mượt tốt. Trong khi đó, Zenfone 5 có thể so sánh tốc độ ngang với các thiết bị cao hơn hàng triệu đồng.

Thời điểm gia nhập thị trường

Khi nhiều người nói về sự bão hòa ở phân khúc cao cấp, trong khi điện thoại giá rẻ mới bắt đầu bước vào giai đoạn cạnh tranh, Asus đã mạnh dạn chen chân vào thị trường giá rẻ. Năm 2014 được xem là thời điểm bùng nổ của thị trường smartphone tại Việt Nam, theo dự đoán của GfK, phân khúc giá rẻ là nhóm chủ đạo.

Bên cạnh đó, việc Zenfone chậm trễ và phải tới tháng 5 mới lên kệ cũng chính khiến sức mua tốt hơn. Các nhà bán lẻ cho rằng, thị trường di động thường ảm đạm sau Tết Nguyên đán và phải tới giữa năm mới hồi phục. Sức mua trên toàn thị trường đã tăng mạnh từ tháng 5, đó cũng là thời điểm Zenfone 4 và 5, Lumia 630 hay các model tầm cao xuất hiện. 

Bí quyết nuôi độ nóng

Dù các đại lý liên tục kêu không có máy bán, nhưng số lượng Zenfone đưa về Việt Nam không ít. Việc trải đều tại các hệ thống đại lý lớn và địa phương khiến mỗi cửa hàng chỉ nhận được vài trăm máy. Tuy nhiên, Zenfone được Asus đưa về Việt Nam khá chừng mực và đảm bảo nuôi độ "nóng".

Theo giới bán lẻ, hãng này đã có nghiên cứu kỹ thị trường và số lượng máy có thể bán được. Do đó, Zenfone 4 và 5 được mang về ở mức vừa đủ. "Luôn có một số lượng nhỏ người dùng chưa mua được, phải chờ đến đợt kế tiếp. Chính sự thèm khát, mong muốn được sở hữu sớm làm cho Zenfone 4 và 5 trở nên nóng hơn", một nhà bán lẻ nói. Trong khi đó, với Zenfone 6, model có màn hình lớn và kén khách hàng, Asus chỉ phân phối mỗi địa chỉ trên dưới 10 chiếc. Do đó, khi bán ra, Zenfone 6 vẫn "cháy hàng" và rất khó mua được.

Theo các nhà bán lẻ, trong nhiều năm trở lại đây, hiếm có một chiếc di động nào gây chú ý tại Việt Nam như Zenfone. Sau thời kỳ của Galaxy Y, làng di động bước vào cuộc đua trên nhiều phân khúc, bằng các thiết bị đa dạng. "Việc một sản phẩm có doanh số 100.000 máy là con số đáng mơ ước của nhiều tên tuổi. Tuy nhiên, Zenfone có thể làm được điều này", đại diện một nhà bán lẻ cho biết. Theo kế hoạch, từ nay tới cuối 2014, Asus dự tính mang về 600.000 thiết bị.